Nhiều hệ lụy từ hạ "sốc" lãi suất huy động
Dù giảm lãi suất huy động là động thái phù hợp trong bối cảnh thị trường hiện nay, nhưng không thể đồng loạt hạ sâu lãi suất huy động và đặc biệt các ngân hàng phải cân đối để người dân cảm thấy yên tâm gửi tiết kiệm.
Khoảng 1 tuần nay, làn sóng hạ lãi suất huy động tiếp tục diễn ra ở nhiều ngân hàng thương mại. Biểu lãi suất mới liên tục được áp dụng với xu hướng điều chỉnh giảm ở nhiều kỳ hạn, từ 0,2 -1 điểm % đối với khách hàng cá nhân và giảm 0,2-1,2 điểm % đối với khách hàng doanh nghiệp.
Xu hướng giảm còn kéo dài đến cuối năm
Khảo sát của Vụ Dự báo, thống kê (Ngân hàng Nhà nước), hơn một nửa ngân hàng tham gia đánh giá mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục giảm trong quý III và cả năm 2020.
Trong đó, các ngân hàng chiếm thị phần lớn trên thị trường đều kỳ vọng lãi suất sẽ giảm tiếp.
Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh tín dụng nửa đầu năm tăng thấp (3,26%) và dự kiến chỉ tăng 3,5% trong quý III. Đến hết năm 2020, dự đoán tăng trưởng tín dụng khoảng 10,5% - thấp hơn nhiều so với mục tiêu 14% đề ra đầu năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, lãi suất tiết kiệm gửi tại quầy hiện nay đạt mức thấp kỷ lục trong một vài năm trở lại đây. Với mức lãi suất huy động như hiện nay, người dân có thể sẽ hưởng lợi ít hơn, tương đương với mức mất giá của tiền đồng.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Đại học Fubright Việt Nam, cho biết lãi suất huy động ngắn hạn đang tiến về sát ngưỡng 3% tại một số ngân hàng hiện nay sẽ không đảm bảo được lãi suất thực dương cho người gửi tiền, bởi theo tính toán mức lãi suất sẽ khó có thể nhích lên trong năm nay, thậm chí còn giảm nhẹ tùy thuộc vào thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
"Dự báo lạm phát năm 2020 này cũng sẽ vào khoảng 3,8%. Như vậy, người dân nếu gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn sẽ thiệt thòi về mặt kinh tế (lãi thu về cho khoản tiền gửi). Tuy nhiên, đây cũng chính là bài toán mà người gửi tiết kiệm ngắn hạn phải đánh đổi giữa lợi nhuận và thanh khoản. Lợi nhuận thấp nhưng thanh khoản cao", ông Thành phân tích.
Dù giảm lãi suất là động thái phù hợp trong bối cảnh thị trường hiện nay, theo các chuyên gia giảm lãi suất cần phải điều chỉnh phù hợp. Các ngân hàng không nên đồng loạt hạ sâu lãi suất huy động, mà cần cân đối để người dân cảm thấy yên tâm gửi tiết kiệm. Thay vì dịch chuyển dòng tiền sang các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản hay trái phiếu chính phủ.
Cần kiểm soát dòng tiền
Trước lo ngại trên, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, lãi suất tiết kiệm online của các ngân hàng vẫn ở mức khá cao và chênh lệch đáng kể so với lãi suất gửi tại quầy. Vì vậy, để gia tăng lợi nhuận người dân có thể chuyển sang gửi tiết kiệm online.
Ghi nhận tại Ngân hàng Nam Á, khách hàng gửi tiết kiệm online, kỳ hạn 6 tháng được hưởng mức lãi suất là 7,2%/năm, cao hơn 0,9% so với gửi tại quầy. Hay như SCB, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng gửi tại quầy, lĩnh lãi cuối kỳ chỉ còn 6,4%/năm, nhưng nếu gửi tiết kiệm theo hình thức online lãi suất lên đến 7,3%/năm…
PGS.,TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Ngân hàng (Học viện Ngân hàng) đánh giá, động thái điều chỉnh lãi suất huy động mới đây là theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để có thêm dư địa cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, góp phần chia sẻ khó khăn với khách hàng khôi phục các hoạt động sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
"Tuy nhiên, các ngân hàng cũng đang hưởng lợi từ động thái giảm lãi suất lần này", bà Hoàng Anh nói.
Theo đó, việc giữ mức chênh lệch giữa lãi suất huy động tại quầy và gửi online sẽ khuyến khích khách hàng gia tăng gửi online, nhờ đó ngân hàng tiết kiệm được các chi phí nhân sự, thuê mặt bằng, tối đa hóa hiệu quả hạ tầng công nghệ đã đầu tư.
Khi lãi suất huy động dưới 6 tháng xuống thấp chưa từng có, cũng là động lực cho người dân chuyển sang kỳ hạn dài hơn để gửi tiết kiệm. Như vậy, ngân hàng sẽ tái cơ cấu được nguồn vốn của mình theo hướng tốt hơn, tăng vốn trung và dài hạn, giảm nguồn vốn ngắn hạn. Điều này là xu hướng cần thiết và tất yếu với một ngân hàng.
Đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần từng thừa nhận, giảm lãi suất huy động là việc mà các ngân hàng rất muốn. Dẫu vậy, vị này cũng cho rằng giảm lãi suất không nên giảm sốc mà cần tạo ra xu hướng.
"Hạ sốc lãi suất sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế. Bản thân người gửi tiền cũng cần đảm bảo quyền lợi, không cẩn thận tiền rút quá nhanh khỏi hệ thống thì lại gây bất ổn thanh khoản. Lãi suất giảm nhưng các ngân hàng chưa lo ngại về việc dòng vốn chạy khỏi ngân hàng mà có chăng sẽ có sự dịch chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, từ ngân hàng lãi suất thấp sang ngân hàng có lãi suất cao hơn mà thôi", vị này cho hay.