Nhiều thách thức trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia


Kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn.

Quang cảnh phiên họp.
Quang cảnh phiên họp.

Sáng 12/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.

3/6 chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đang biến động bất lợi

Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, việc cung cấp và nhập khẩu năng lượng cơ bản đáp ứng đủ cho yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh với chất lượng ngày càng được cải thiện, cơ bản bảo đảm an ninh năng lượng.

Tổng cung cấp năng lượng sơ cấp của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 có mức tăng trưởng trung bình khoảng 8,7%/năm. Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 6,8%/năm.

Nhưng, kết quả giám sát cho thấy, mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn.

Khả năng thiếu điện trong ngắn hạn (2024-2025), trung hạn (2025-2030) và dài hạn (2030-2050) là nguy cơ hiện hữu. Trong số 6 chỉ tiêu chủ yếu đánh giá bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, có đến 3/6 chỉ tiêu đang biến động theo chiều hướng bất lợi.

Sáu chi tiêu bao gồm: tỷ số trữ lượng và sản xuất của than, dầu thô và khí được quy đổi; sự phụ thuộc vào nhập khẩu than, dầu và khí đốt tự nhiên; tỷ trọng chi phí nhập khẩu trên tổng thu nhập quốc nội; đa dạng hóa nguồn nhập khẩu; đa dạng hóa cơ cấu dữ liệu để phát điện; cường độ năng lượng sơ cấp.

Trong đó, 3 chỉ tiêu đang biến động theo chiều hướng bất lợi là: tỷ số trữ lượng và sản xuất của than, dầu thô và khí đốt tự nhiên ngày càng giảm (than còn hơn khoảng 70 năm, dầu thô còn 20 năm, khí tự nhiên còn 40 năm. Xu hướng phụ thuộc vào nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên trở nên rõ ràng. Tỷ lệ chi phí nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên trong tổng thu nhập quốc nội ngày càng tăng.

Đoàn giám sát nhấn mạnh, đáng lưu ý là, ngành năng lượng nước ta ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu; tài nguyên năng lượng sơ cấp Việt Nam ngày càng cạn kiệt. Tài nguyên năng lượng sơ cấp về thủy điện về cơ bản đã khai thác hết. Sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn đã suy giảm nhanh, việc phát triển mỏ mới trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn.

“Những bất cập trong cung ứng năng lượng, nhất là việc chuẩn bị nhiên liệu sơ cấp thực hiện kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia hằng năm, dự trữ xăng dầu, trong đó chưa kịp thời chỉ đạo, thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dẫn đến tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ cuối năm 2022, tình hình thiếu điện ở miền bắc đầu năm 2023, gây bức xúc trong dư luận xã hội, cử tri và nhân dân”, đoàn giám sát chỉ rõ.

Cũng theo kết quả giám sát, hiện nay, Việt Nam mới chỉ có hệ thống kho dự trữ xăng dầu thương mại, chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu của Nhà nước và chưa có hệ thống dự trữ quốc gia về than, khí thiên nhiên.

Một số nguy cơ ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia thời gian tới bao gồm: khó tiếp cận năng lượng, thiếu tính đa dạng hóa các nguồn năng lượng, phụ thuộc cao vào các dạng năng lượng truyền thống, mất cân đối giữa cung và cầu năng lượng trong nước, nguồn phát điện giữa các vùng, phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, nguồn tài chính và công nghệ từ bên ngoài, cơ sở hạ tầng năng lượng tương xứng. Một số dự án nguồn điện chưa đưa vào vận hành do chậm tiến độ, chậm khởi công so với quy hoạch, hoặc dừng triển khai.

Triển khai quy hoạch các phân ngành năng lượng còn nhiều hạn chế, bất cập

Kết quả giám sát cũng cho thấy, việc triển khai quy hoạch các phân ngành năng lượng còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là trong việc tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh đối với việc phát triển điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ.

Cụ thể như việc phê duyệt bổ sung tổng số 168 dự án điện mặt trời với tổng công suất 14.707MW, 123 dự án điện gió với tổng công suất 9.047MW, phê duyệt riêng lẻ 390 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 4.138MW vào quy hoạch phát triển điện lực các cấp trong giai đoạn 2016-2020 đã gây ảnh hưởng đến việc phát điện và truyền tải điện lên hệ thống.

Trong giai đoạn 2016-2021, qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 15.170 tỷ đồng, 5.960m2 đất, xử lý hành chính 246 tổ chức, 724 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra tiếp tục, xem xét, xử lý 23 vụ.

Báo cáo chỉ rõ, các tập đoàn năng lượng lớn của nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã không hoàn thành việc đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện theo nhiệm vụ được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Đoàn giám sát nhận định, để xảy ra những hạn chế, bất cập trên thuộc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước các cấp trong công tác tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng. Trong đó, có trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh một số địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Báo cáo cho biết, một số sai phạm, trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân, nhất là trong chấp hành chính sách, pháp luật trong triển khai thực hiện Quy hoạch điện VII, Quy hoạch điện VII điều chỉnh, quản lý và điều hành cung cấp điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị có liên quan đến cung cấp điện, pháp luật về khoáng sản của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã và đang được các cơ quan có thẩm quyền kết luận.

Theo nhandan.vn