Lào đa dạng hóa giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng
Chính phủ Lào sẽ đa dạng hóa nguồn năng lượng bằng cách phát triển các nhà máy điện mặt trời, điện gió và nhiệt điện than để giải quyết tình trạng thiếu điện trong mùa khô.
Mất điện diện rộng tại Trung Quốc do phụ thuộc quá nhiều vào nhiệt điện, trong khi nguồn cung than đá lại thiếu trầm trọng; Ấn Độ căng thẳng nguồn than cho sản xuất điện; Thiếu hụt xăng dầu, khí đốt tại châu Âu, giá nhiên liệu như than đá, khí đốt, dầu thô tăng vọt ở châu Âu và châu Á... đang là những diễn biến nổi cộm trong bức tranh năng lượng toàn cầu.
Tình trạng thiếu hụt năng lượng tại nhiều quốc gia được đánh giá sẽ ngày càng trầm trọng trong mùa đông khi nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng, đặc biệt ở các khu vực đông dân cư.
Tờ báo trích phát biểu tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 9 của Lào đang diễn ra của Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ, ông Daovong Phonekeo, cho biết việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng không chỉ hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ nhằm tăng năng lượng xuất khẩu và giảm thiểu lượng điện tái nhập khẩu từ các nước láng giềng trong mùa khô, mà còn giúp Lào đảm bảo an ninh năng lượng.
Theo Tiến sĩ Daovong, Lào có tiềm năng rất lớn để sản xuất năng lượng từ các nhà máy thủy điện, năng lượng mặt trời và năng lượng gió để bán cho Thái Lan, Việt Nam và Campuchia.
Tính đến năm 2020, Lào có 82 nguồn năng lượng với tổng công suất lắp đặt hơn 10.000 MW. Trong đó 80,4% đến từ thủy điện và 18,6% từ các nhà máy nhiệt điện than.
Ông Daovong cho biết, từ năm 2021-2025 Lào có kế hoạch sản xuất 1.807 MW điện, với thủy điện chiếm 57%, nhiệt điện than chiếm 19% và điện mặt trời chiếm 24%. Đến năm 2030, Lào sẽ sản xuất thêm 5.559 MW điện. Trong đó, 77,59% sẽ đến từ thủy điện và phần còn lại sẽ đến từ các nhà máy điện mặt trời, gió và nhiệt điện than.
Theo ước tính của Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, công suất điện mặt trời của nước này dự kiến sẽ khoảng 10.000 MW đến 15.000 MW, trong khi tiềm năng điện gió ước tính vào khoảng 100.000 MW.
Lào và Thái Lan hiện trao đổi điện qua Công ty điện lực Lào (EDL) và Tập đoàn năng lượng Thái Lan (EGAT). Theo đó, khi Lào thiếu điện do tăng trưởng dân số hoặc kinh doanh, nước này có thể mua điện từ Thái Lan.
Theo Vientiane Times, thách thức chính hiện nay là trong khi vào mùa mưa, dòng chảy lớn, Lào bỏ lãng phí khoảng 1.500 MW tiềm năng phát điện của các thủy điện, thì vào mùa khô, nước này lại phải nhập khẩu điện nhiều hơn từ Thái Lan với giá đắt gần gấp đôi so với giá xuất khẩu.