Nhiều thay đổi về thủ tục đối với hàng gia công, sản xuất xuất khẩu
(Tài chính) Tổng cục Hải quan đang xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn thủ tục hải quan, thuế XNK và quản lý thuế đối với hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài, hàng hóa là nguyên liệu vật tư nhập khẩu để sản xuất XK… với nhiều thay đổi lớn theo hướng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Lược bỏ một số quy định
Ông Âu Anh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, dự thảo thông tư được xây dựng trên cơ sở hợp nhất thủ tục hải quan điện tử và thủ tục hải quan truyền thống (gộp Điều 22 về gia công, Điều 23 về sản xuất XK tại Thông tư 22/2014/TT-BTC với Thông tư 13/2014/TT-BTC và Thông tư 128/2013/TT-BTC).
Theo ông Âu Anh Tuấn, dự thảo Thông tư sẽ bãi bỏ một số quy định tại Thông tư 13/2014/TT-BTC và Thông tư 128/2013/TT-BTC. Cụ thể, sẽ bỏ quy định về định mức gia công, quy định về thông báo mã nguyên liệu, vật tư, mã sản phẩm XK; Bỏ quy định về thủ tục chuyển nguyên liệu, vệt tư, máy móc, thiết bị thuê, mượn theo chỉ định của bên đặt gia công sang hợp đồng gia công khác trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công (Điều 23 Thông tư 13).
Cùng với đó, bỏ quy định hạn chế quyền của DN trong việc chuyển nguyên vật liệu từ hợp đồng gia công này sang hợp đồng gia công khác (điểm c2 khoản 2 Điều 27 Thông tư 13/2014/TT-BTC). Theo đó, DN chịu trách nhiệm chuyển giao và báo cáo trong bảng xuất nhập tồn. Cơ quan Hải quan kiểm tra trên cơ sở áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro.
Đặc biệt, dự thảo Thông tư sẽ đơn giản hóa hồ sơ hải quan đối với hàng gia công sản xuất XK, về cơ bản chỉ còn tờ khai hải quan và giấy phép (nếu có). Đơn giản thủ tục tiếp nhận hợp đồng gia công: DN chỉ phải nộp hợp đồng gia công, cơ quan Hải quan lưu, theo dõi trong suốt quá trình thực hiện. DN không phải nộp hợp đồng gia công lại. Bên cạnh đó, theo quy định tại dự thảo Thông tư DN cũng không phải nộp văn bản chỉ định giao, nhận hàng từ đối tác thứ ba khi làm thủ tục nhập khẩu nguyên vật liệu, xuất khẩu sản phẩm.
Một trong những thay đổi quan trọng tại dự thảo thông tư đó là những quy định để đơn giản hóa thủ tục quyết toán nguyên vật liệu. Theo đó, đối với loại hình gia công, bỏ toàn bộ các biểu bảng ban hành kèm theo Thông tư 13/2014/TT-BTC (10 mẫu báo cáo). Vì vậy, khi quyết toán, DN sẽ chỉ phải nộp 1 bảng báo cáo nhập- xuất- tồn cho một hợp đồng gia công trong thời hạn 1 quý.
Đối với loại hình nhập sản xuất XK, sẽ đơn giản hóa bộ hồ sơ xét miễn thuế, xét giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế; bỏ quy định về việc nộp bảng thông báo định mức trong hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế.
Cùng với đó, về hồ sơ xét miễn thuế, xét giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế; hồ sơ đề nghị xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; hồ sơ đề nghị gia hạn nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; hồ sơ nộp dần tiền thuế nợ; hồ sơ đề nghị xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không yêu cầu DN nộp các chứng từ: Tờ khai hải quan hàng hóa XNK điện tử (cơ quan Hải quan sử dụng tờ khai hải quan hàng hóa XNK trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, kiểm tra thông tin kết quả kiểm hóa trên hệ thống của cơ quan Hải quan), Bảng kê chứng từ thanh toán qua ngân hàng, Bảng kê các tờ khai XK sản phẩm, Bảng kê Danh mục tài liệu hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm, hoàn thuế, không thu thuế.
Ông Âu Anh Tuấn nhấn mạnh, việc quản lý DN gia công, sản xuất XK dựa trên nguyên tắc DN tự khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu báo cáo, cơ quan Hải quan áp dụng quản lý rủi ro để kiểm tra đối với trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Vì vậy, DN báo cáo quyết toán theo hình thức nhập-xuất-tồn theo quý và việc hoàn thuế, không thu thuế được căn cứ trên cơ sở báo cáo quyết toán của DN và phân loại DN của cơ quan Hải quan. Cơ quan Hải quan trên cơ sở nguyên tắc rủi ro thực hiện kiểm tra để đánh giá tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân, DN chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu báo cáo.
Bên cạnh đó, quy định về địa điểm hải quan để tạo thuận lợi cho DN, dự thảo Thông tư cũng đã quy định, địa điểm làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK: DN được chọn làm thủ tục nhập khẩu nguyên liệu, XK sản phẩm tại Chi cục Hải quan thuận tiện.
Địa điểm làm thủ tục quyết toán nguyên vật liệu: được thực hiện tại 1 trong 3 nơi: Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu; Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu; Chi cục Hải quan nơi quản lý cơ sở sản xuất.
...nhưng phải đảm bảo quản lý
Hội thảo lấy ý kiến DN và hải quan các địa phương góp ý cho dự thảo thông tư này đã được Tổng cục Hải quan Tổ chức mới đây, trong đó các ý kiến góp ý tập trung thảo luận vào các nội dung: quy định về nơi làm thủ tục, quyết toán, nơi tiếp nhận thông báo cơ sở sản xuất, nơi lưu giữ ngyên vật liệu nằm ngoài cơ sở sản xuất, thẩm quyền kiểm tra cư sở sản xuất, năng lực sản xuất, kiểm tra tình hình sử dụng và tồn kho nguyên liệu, vật tư, việc thực hiện thanh khoản…. Trong đó ý kiến hải quan một số địa phương cho rằng, tạo thuận lợi là cần thiết nhưng cần phải đảm bảo được quản lý.
Góp ý vào nội dung của dự thảo thông tư, đại diện cho các DN trong Hiệp hội Dệt may Việt Nam, bà Đặng Phương Dung- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may cho rằng, những quy định đổi mới theo hướng đơn giản hóa tại dự thảo Thông tư đã được Tổng cục Hải quan xây dựng theo hướng cởi mở hơn, thuận lợi hơn cho DN. Tuy nhiên, cũng còn một số vần đề cần trao đổi kỹ hơn.
Đơn cử như quy định tại dự thảo thông tư cho DN được ở nhiều nơi nhưng thanh khoản chỉ 1 chỗ, điều này tuy có tạo thuận lợi, nhưng thực tế hiện nay quy trình thanh khoản rất khó khăn, thường hay gặp những trục trặc từ hệ thống phần mềm quản lý, vì vậy không ít DN e ngại nếu khai ở 1 đơn vị mà thanh khoản lại ở 1 đơn vị khác sẽ không thuận lợi. Vì vậy, một số DN đề xuất, giai đoạn đầu nên thử nghiệm, nếu hiệu quả và thuận lợi sẽ tiếp tục triển khai.
Bên cạnh đó, quy định việc DN không phải khai báo định mức với cơ quan Hải quan, theo bà Đặng Phương Dung, đây là quy định mở cho DN, tuy nhiên cơ quan Hải quan cũng cần cảnh báo cho DN việc theo dõi định mức. Bởi thực tế hiện nay, DN có 2 hệ thống mã hàng hóa HS: HS phục vụ việc tính thuế và mã hàng hóa để DN quản lý riêng. Quan điểm của hải quan quản lý HS để quản lý thuế thì không sao, rõ ràng mục tiêu để thu thuế không thay đổi, nhưng khi chuyển đổi mục đích sử dụng của đơn hàng hay chuyển tiêu thụ nội địa… DN vẫn phải có theo dõi về định mức. Vì vậy, cần phải chi tiết hóa khi làm báo cáo xuất nhập tồn ở DN, bởi điều này sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện thanh khoản.
Đặc biệt về quy định thanh khoản, đại diện từ Hiệp hội Dệt may kiến nghị, dự thảo thông tư nên bỏ quy định thanh khoản nhập- xuất- tồn, cơ quan Hải quan quản lý DN nên căn cứ vào báo cáo thuế, báo cáo tài chính mà DN nộp cho cơ quan thuế. Thực tế, cơ quan Hải quan vẫn có thể theo dõi vấn đề này trên hệ thống quản lý của cơ quan Hải quan.
Tuy nhiên, phát biểu tại hội thảo này, đại diện Hải quan Hà Nội cho rằng, tất cả các DN thực hiện 2 loại hình gia công và sản xuất XK đã được hưởng ưu đãi thì DN phải có trách nhiệm thực hiện đúng quy định, bởi thực tế đã xảy ra tình trạng tồn đọng hàng và trốn thuế… nếu không quản lý chặt sẽ ảnh hưởng đến việc quản lý sau này.
Đồng ý bỏ một số loại giấy tờ để tạo thuận lợi hơn cho DN, tuy nhiên đại diện Hải quan Hà Nội cho rằng, ban soạn thảo cần cân nhắc, bởi sẽ liên quan đến việc hậu kiểm, bởi đại đa số nhiều DN không có sự đầu tư về cơ sở vật chất, nên không có sự quản lý tốt. Vì vậy, quy định về chuỗi định mức trong thanh khoản là phải có. Đồng thời cũng không nên bỏ hợp đồng chỉ định giao hàng để thể hiện luồng hàng đi để tránh gây khó khăn cho cơ quan Hải quan, DN cần phải nộp cho cơ quan Hải hợp đồng chỉ định giao hàng quan để theo dõi.
Hiện dự thảo Thông tư tiếp tục được tiếp thu, hoàn chỉnh.
Được biết dự thảo Thông tư này sẽ có hiệu lực ngày 01/01/2015 để kịp thời hướng dẫn một số quy định trong Luật Hải quan 2014.