Nhiều tổ chức tài chính lớn hạ dự báo triển vọng kinh tế Trung Quốc


Nhiều tổ chức tài chính lớn như Nomura, Standard Chartered, JPMorgan, UBS... vừa đồng loạt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay.

Theo đó, Trung Quốc dự kiến sẽ chỉ ghi nhận tăng trưởng GDP năm nay ở mức 5,1% - 5,7%, thấp hơn nhiều so với mức 5,5% - 6,3% được nhận định trước đây.

Cụ thể, tập đoàn tài chính Nomura dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay sẽ chỉ đạt 5,1%, so với mức dự báo 5,5% trước đây. Nguyên nhân chủ yếu do các dữ liệu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tháng 5 vừa qua đều thấp hơn kỳ vọng, phản ánh đà tăng trưởng của nước này sau giai đoạn tái mở cửa đang chậm lại và không cao như dự kiến.

Các nhà kinh tế học thuộc ngân hàng UBS hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay từ 5,7% xuống còn 5,2%; đồng thời, khuyến nghị Chính phủ Trung Quốc cần có nhiều chính sách hỗ trợ hơn để duy trì đà tăng trưởng.

Tương tự, ngân hàng Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng năm nay của Trung Quốc từ mức 5,8% xuống còn 5,4%, và lưu ý rằng nước này sẽ cần áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung, cải thiện môi trường kinh doanh và niềm tin doanh nghiệp.

Hai định chế tài chính còn lại là BofA và JPMorgan hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay xuống còn lần lượt là 5,7% và 5,5%, so với mức 6,3% và 5,9% được dự báo trước đây.

Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức khoảng 5%. Trong năm ngoái, Trung Quốc chỉ ghi nhận mức tăng trưởng 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% được đề ra.

Ngày 15/6, các số liệu chính thức cho thấy, trong tháng 5 vừa qua, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc chỉ tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm hơn so với mức tăng 5,6% trong tháng 4; đồng thời, doanh số bán lẻ chỉ tăng 12,7% so với hồi tháng 5/2022, thấp hơn mức tăng 18,4% của tháng 4 trước đó.

Các dữ liệu khác từ khảo sát hoạt động sản xuất của nhà máy, hoạt động thương mại đến tăng trưởng tín dụng và doanh số bán nhà đều cho thấy dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Việc nền kinh tế mất đà khiến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PbOC) trong cùng ngày 15/6 thông báo cắt giảm một số lãi suất cơ bản để hỗ trợ nền kinh tế. Cụ thể, PbOC đã hạ lãi suất cho vay ngắn hạn xuống mức 1,9% và hạ lãi suất đối với các khoản vay cơ sở cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn 1 năm đối với một số tổ chức tài chính xuống chỉ còn 2,65% từ mức 2,75% trước đó. Đây là lần đầu tiên trong vòng 10 tháng, PbOC giảm lãi suất cho vay trung hạn.

Hãng tin Reuters dẫn lời một số nguồn tin cho biết Chính phủ Trung Quốc sẽ tung ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế trong thời gian tới để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Tuy nhiên, giới chức nước này có thể sẽ tập trung vào kích thích nhu cầu tiêu dùng thay vì ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng như gói kích thích tăng trưởng trước đây.

Theo Tạp chí Công thương