Nhiều triển vọng đầu tư tích cực tại châu Á
Năm 2025 đang mở ra cơ hội đầu tư tích cực tại châu Á trong bối cảnh chính sách thay đổi.
Những tháng cuối năm 2024 đã chứng minh rằng sự biến động sẽ vẫn gia tăng khi thế giới bước sang năm 2025. Trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ chậm chạp trong nửa đầu năm 2025, thì đến nửa cuối năm có thể chịu ảnh hưởng lớn từ các diễn biến ở Mỹ và Trung Quốc.
Sự không chắc chắn xung quanh các chính sách từ chính quyền Trump sắp tới và trình tự thực hiện các chính sách này làm gia tăng đáng kể mức độ khó đoán trong triển vọng. Mọi con mắt cũng sẽ đổ dồn vào các biện pháp kích thích tiếp theo từ Trung Quốc, đặc biệt là các biện pháp có mục tiêu và hiệu quả giúp nâng cao niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng.
Châu Á là khu vực thương mại tích hợp thứ hai thế giới sau Liên minh Châu Âu, với gần 57% giá trị thương mại có nguồn gốc từ khu vực này, tăng 3% trong 20 năm qua, trái ngược với sự suy giảm được quan sát thấy ở các khu vực khác.
Thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc tăng trưởng 8,1% vào đầu năm 2024 và quan hệ kinh tế song phương dự kiến vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ với việc ký kết một số thỏa thuận, bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực và Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc 3.0.
Một số khu vực trong châu Á đang sẵn sàng hưởng lợi từ các xu hướng tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Các động lực tăng trưởng dài hạn như tăng chi tiêu vốn, phi carbon hóa và đa dạng hóa chuỗi cung ứng có thể mang đến thu nhập cao hơn ở các thị trường này.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, theo ông Vis Nayar, Giám đốc đầu tư tại Eastspring Investments, các nhà đầu tư sẽ cần phải thông minh hơn về cách thức đa dạng hóa và quản lý rủi ro. Có rất nhiều lợi ích trong việc linh hoạt và tìm kiếm các nguồn lợi nhuận vượt trội.
"Việc chọn đúng điểm mua và lựa chọn các cổ phiếu có động lực tăng trưởng lợi nhuận rõ ràng, cùng với đánh giá các yếu tố cơ bản, sẽ là yếu tố then chốt trong việc xây dựng danh mục đầu tư", ông Vis Nayar nhận định.
Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản là một số nền kinh tế năng động và có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Ba gã khổng lồ này chiếm hơn 60% Chỉ số MSCI AC Châu Á - Thái Bình Dương; các cổ phiếu của mỗi nền kinh tế xứng đáng được phân bổ trong danh mục của các nhà đầu tư.
Tại Trung Quốc, sáng kiến hoán đổi nợ gần đây của chính phủ nhằm mục đích cải thiện bảng cân đối kế toán và dự kiến sẽ cải thiện khả năng tăng chi tiêu của các thành phố để kích thích tiêu dùng trong nước.
Theo ông Nayar, điều này sẽ có lợi cho các công ty cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các cơ quan chính phủ như công ty viễn thông, xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý chất thải và các công ty tiêu dùng.
Các cải cách đang diễn ra, quá trình đô thị hóa gia tăng và sự thay đổi chuỗi cung ứng ở Ấn Độ sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thu nhập của quốc gia này trong dài hạn. Các công ty có vốn hóa lớn trong các lĩnh vực tài chính, viễn thông và chăm sóc sức khỏe ở Ấn Độ được định giá hấp dẫn hơn so với các công ty có vốn hóa nhỏ hơn.
Đối với Nhật Bản, đợt tăng giá trên thị trường chứng khoán có thể mở rộng vào năm 2025, mang lại nhiều cơ hội hơn cho các cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ, vốn được dự đoán sẽ hưởng lợi từ sự gia tăng tiêu dùng và tái cấu trúc doanh nghiệp đang diễn ra.
Đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhiều ý kiến cho rằng, các nhà lãnh đạo chính trị mới nhậm chức tại nhiều quốc gia trong năm 2024 đã định hình lại động lực tăng trưởng kinh tế và các ưu tiên trong nước.
Các biện pháp kích thích được đưa ra dự kiến sẽ thúc đẩy nền kinh tế của khối và khuyến khích tiêu dùng không thiết yếu. Có những cơ hội hấp dẫn trong lĩnh vực ngân hàng, xây dựng và vật liệu xây dựng và tiêu dùng tại Malaysia; trong các công ty hàng tiêu dùng thiết yếu và tài chính tại Indonesia; và trong các cổ phiếu tài chính, hàng tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Cổ phiếu khách sạn, bán lẻ và hàng không tại Thái Lan sẽ được hưởng lợi từ việc tăng thu nhập và sự phục hồi của du lịch, trong khi việc tập trung vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số sẽ có lợi cho các công ty trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghệ.
Công nghệ AI có tiềm năng tác động sâu sắc đến năng suất, tăng trưởng và lợi nhuận tại châu Á. Các nhà đầu tư đã phản ứng rất tích cực với tiềm năng của AI, như thấy từ hiệu suất của Magnificent 7 vào năm 2024.
Các chuyên gia đánh giá, AI có thể được sử dụng trong các lĩnh vực như tạo nội dung cho trò chơi, phim ảnh, âm nhạc, thực tế ảo và thực tế tăng cường. Nó cũng có thể nâng cao khả năng tìm kiếm và nhằm mục tiêu đối tượng của nhà quảng cáo bằng cách cho phép phân khúc đối tượng chính xác, cá nhân hóa quảng cáo theo thời gian thực và tối ưu hóa vị trí đặt quảng cáo.
Các lĩnh vực ứng dụng mới này sẽ tạo ra nhu cầu bổ sung cho các chip bộ nhớ cải tiến, điều này sẽ mang lại lợi ích cho các đối tác hỗ trợ tại châu Á – bao gồm các công ty bán dẫn, các công ty trò chơi, nhà sản xuất xe điện, các công ty thương mại điện tử và các nhà cung cấp dịch vụ đám mây.