Nhiều yếu tố “ủng hộ” cho GDP năm 2022 đạt 6-6,5%
Theo nhìn nhận của các chuyên gia, tuy nền kinh tế vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhưng có nhiều yếu tố “ủng hộ” cho GDP đạt 6-6,5% như mục tiêu Chính phủ đề ra.
Nhận diện cơ hội
“Khó khăn là đại dịch nhưng việc kiểm soát dịch ở Việt Nam đã có kinh nghiệm khá tốt. Một cơ hội khá tốt cho năm 2022 là đà phục hồi của kinh tế thế giới. Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp cận với đà phục hồi của kinh tế thế giới, nhất là khi Việt Nam có rất nhiều các FTA thế hệ mới với các khối phát triển như: CPTPP, EVFTA, RCEPT... Đây là cơ hội để một nền kinh tế hướng vào xuất khẩu như Việt Nam gặt hái thành công...”, GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phân tích về những cơ hội cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay.
“Mặc dù chúng ta tự tin, có chủ động trong kiểm soát dịch, nhưng việc này vẫn phải là ưu tiên, phải luôn chú trọng, không được chủ quan. Nếu để diễn biến bất thường của đại dịch dẫn đến tình trạng đóng cửa nền kinh tế, đứt gãy như năm 2021, thì ngay lập tức ta sẽ lỡ nhịp so với đà phục hồi của thế giới…”, ông Cường cảnh báo.
Chia sẻ về những cơ hội cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, cho rằng, chúng ta có thể chờ đợi nhiều cơ hội trong năm nay.
“Trên thực tế, nhiều cơ hội đã được hiện thực hóa trong thời gian qua, ví dụ như việc đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế, đã giúp chúng ta ghi nhận con số 660 tỷ USD xuất nhập khẩu trong năm 2021. Cùng với đó là khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, nhưng vẫn có thể đảm bảo sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Mặt khác, sự phục hồi của một số bạn hàng lớn của Việt Nam như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể chờ đợi vào sự nỗ lực của doanh nghiệp để góp phần cho sự phát triển kinh tế…”, ông Bình phân tích.
Cũng theo ông Bình, chúng ta cũng có thể kỳ vọng vào sự phục hồi đã được chứng minh trong năm qua của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các nhà đầu tư nước ngoài dường như đã tiếp tục đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam thông qua việc nhìn vào những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, quyết tâm của Chính phủ trong cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh. Cùng với kỳ vọng những yếu tố thuận lợi hơn của môi trường đầu tư trong nước sẽ kích thích đầu tư tư nhân, chúng ta cũng có thể kỳ vọng vào đầu tư công giai đoạn mới bắt đầu tăng mạnh… Không thể không kể đến gói kích thích kinh tế cộng thêm những tác động đáng kể khi gói này đi vào cuộc sống, sẽ tác động tích cực đến kinh tế 2022 và những năm tiếp theo.
“Đi kèm với những cơ hội trên, dĩ nhiên vẫn sẽ có những khó khăn, thách thức, trở ngại như: môi trường kinh tế toàn cầu còn nhiều thách thức; căng thẳng thương mại giữa các quốc gia; lạm phát tại một số nước tăng cao…, sẽ tác động khá nhiều đến Việt Nam.”, ông Bình lưu ý.
Đề xuất giải pháp
Để tận dụng được các cơ hội, hoá giải khó khăn, thách thức, từ đó tạo dư địa cho tăng trưởng GDP trong năm nay, ông Cường đề xuất, việc trang bị các “vũ khí” như: thuốc, vắc xin, thiết bị, cơ sở điều trị F0… là những điều phải luôn đặt ra. Kèm theo đó là ý thức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp không được thả lỏng. Đây là giải pháp đầu tiên, phải được nhắc đến.
“Việc triển khai gói hỗ trợ tăng trưởng kinh tế phải tiếp tục thúc đẩy vào nhóm các ngành trụ cột cho tăng trưởng kinh tế năm 2021 như các doanh nghiệp: xuất khẩu, chế biến chế tạo, để các nhóm này không những giữ đà phục hồi của năm 2021, mà còn tranh thủ tận dụng cơ hội thị trường để chiếm lĩnh sâu và rộng hơn thị trường thế giới. Ngành nông nghiệp, không chỉ tập trung sản xuất, mà quan trọng hơn là tạo tiền đề về các quan hệ thương mại, các tiêu chuẩn kiểm soát hàng hóa, tổ chức lưu thông để nông sản Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh thị trường cao cấp…”, ông Cường hiến kế.
Ông Cường cũng cho rằng, giải pháp nữa có lẽ sẽ là chìa khóa vượt qua thách thức, đó là chúng ta phải có lộ trình mở cửa một cách mạnh dạn, chủ động, an toàn và nhất quán. Qua đó phục hồi các hoạt động dịch vụ, nhất là thị trường trong nước, vì đây là thị trường rất quan trọng để giúp phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Cùng với đó là phải đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bởi nếu không giữ được điều này thì mọi thành quả khác, kể cả tăng trưởng đều sẽ đổ vỡ...
“Cách thức chúng ta thực hiện gói kích thích mới làm sao đúng liều lượng, hiệu quả, giám sát chặt chẽ nhất để đảm bảo không ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô, đặc biệt là lạm phát. Chúng ta còn phải thực hiện rất nhiều các hoạt động về cải cách kinh tế, cũng như môi trường kinh doanh. Những quyết sách, giải pháp về kinh tế, tài chính, tiền tệ…, không chỉ hướng tới tăng trưởng của năm 2022, mà phải hướng đến đặt nền móng cho tăng trưởng đến giải đoạn 2025- 2030, thậm chí xa hơn nữa…”, ông Bình đề xuất.
Ông cũng cho rằng, năm 2022 sẽ chờ đợi những thay đổi về mặt chính sách để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa mô hình tăng trưởng nhất, là sau Hội nghị COP 26 vừa qua, mục tiêu tăng trưởng xanh đối với Việt Nam đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Mục tiêu này sẽ có tác động đến mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, năm 2022 chúng ta sẽ đi những bước đầu tiên về mặt xây dựng chính sách, hành động của Chính phủ, của doanh nghiệp, người dân để dẫn thực hiện các mục tiêu này.