Nhìn lại chặng đường 3 năm của chính sách tài khóa

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Nhìn lại 3 năm (2011-2013) thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và NSNN 5 năm và hàng năm cho thấy, chính sách tài khoá đã bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng mức hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Liên tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo Bộ Tài chính, chính sách tài khoá đã thực hiện điều hành chặt chẽ, linh hoạt. Chính sách thu tiếp tục được điều chỉnh theo hướng tăng cường tiềm lực tài chính cho doanh nghiệp thông qua việc giảm bớt nghĩa vụ thuế cho doanh nghiệp và người dân, tạo thêm nguồn lực cho doanh nghiệp tái đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh. Đồng thời trong 3 năm liên tục đã thực hiện các biện pháp miễn, giảm, giãn thuế để giảm thão gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với thuế TNDN đã giảm mức thuế suất phổ thông từ mức 25% xuống 22% từ ngày 01/01/2014 và theo mức 20% từ ngày 01/01/2016, áp dụng mức thuế suất 20% từ ngày 01/7/2013 đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Đối với thuế TNCN đã nâng mức khởi điểm chịu thuế cho bản thân từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng, nâng mức triết trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ mức 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng. Thực hiện miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, miễn thu thuỷ lợi phí,…

Về chi ngân sách, đã điều hành chặt chẽ, giảm tỷ trọng chi NSNN trong GDP từ mức khoảng 33%GDP giai đoạn 2009-2010 về mức 27-28%GDP giai đoạn 2011-2013; tập trung tăng chi đảm bảo an sinh xã hội, đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, thực hiện cải cách tiền lương. Trong đó, chi an sinh xã hội (không kể chi cải cách tiền lương) năm 2013 tăng 60% so với năm 2010; bố trí nguồn để cải cách tiền lương nâng từ mức tối thiểu 650.000 đồng/tháng năm 2010 lên 1.150.000 đồng/tháng năm 2013.

Bội chi ngân sách năm 2011 là 4,9%GDP; năm 2012 là 4,8%GDP; năm 2013 do điều kiện thu ngân sách khó khăn nên đã phải điều chỉnh từ 4,8%GDP lên 5,3%GDP. Dư nợ công, dư nợ Chính phủ và dư nợ quốc gia được đảm bảo trong giới hạn an toàn an ninh tài chính quốc gia. Ngoài huy động cho bội chi NSNN, đã phát hành trái phiếu Chính phủ trong 3 năm 2011 - 2013 trên 150.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển (đạt 66,7% nhiệm vụ phát hành giai đoạn 2011-2015).

Do hoạt động kinh tế khó khăn, kết hợp với việc thực hiện những điều chỉnh chính sách thu, dự kiến tỷ lệ huy động ngân sách không đạt kế hoạch: Tỷ lệ huy động từ thuế, phí so với GDP bình quân 3 năm đạt 20,9%GDP, so với mục tiêu là 22-23%GDP, tác động lớn đến việc đảm bảo các nhiệm vụ chi lớn cũng như yêu cầu giảm bội chi, đặc biệt trong điều kiện các chính sách an sinh xã hội và tiền lương đã ban hành là rất lớn. Trong 3 năm, đã phải giảm tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi NSNN từ 26,4% năm 2011 xuống 20,2% năm 2013, qua đó ảnh hưởng đến việc triển khai khâu đột phá cơ sở hạ tầng; đồng thời bội chi ngân sách chưa thể giảm như dự kiến (năm 2013 và 2014 là 5,3%GDP).

Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu (điện, than bán cho điện, học phí, viện phí...) theo hướng sát với giá thị trường còn chậm so với lộ trình đã đề ra. Thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính, tái cơ cấu DNNN còn chậm, ảnh hưởng đến việc cải thiện hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

Bình quân GDP cao hơn mức bình quân các nước ASEAN

Trong bối cảnh đó, kinh tế dần được phục hồi, tăng trưởng đạt mức khá. Đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Năm 2011 tăng trưởng GDP đạt 6,24%, năm 2012 đạt 5,25%; năm 2013 tăng 5,42%. Bình quân 3 năm, GDP tăng 5,6%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của các nước ASEAN cùng thời kỳ. Sản xuất công nghiệp, xây dựng từng bước được cải thiện, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Tình hình tồn kho tăng cao đến nay cơ bản đã trở lại bình thường. Khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định. Khu vực dịch vụ tăng trưởng khá.

Những kết quả nêu trên là cố gắng rất lớn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, trong nước tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ nhận định, nền kinh tế vẫn còn những mặt hạn chế, yếu kém. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế, nhưng chưa thật vững chắc, còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cân đối thu chi ngân sách khó khăn. Lạm phát tuy được kiềm chế nhưng nguy cơ tăng trở lại vẫn còn do chưa thực hiện cải cách tiền lương, chưa thực hiện được một số loại giá (than, điện, y tế, giáo dục…) theo giá thị trường; tốc độ tăng CPI vẫn cao hơn tốc độ tăng GDP; biên độ dao động lạm phát giữa các năm rất lớn chứng tỏ tính ổn định chưa cao.

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 3 năm 2011-2013 tuy thể hiện sự cố gắng lớn, nhưng Chính phủ cho rằng, nếu vẫn duy trì tốc độ này thì khó đạt được so với mục tiêu kế hoạch tăng trưởng GDP của giai đoạn 2011-2015. Việc chủ động điều chỉnh mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, dẫn đến phải điều chỉnh đầu tư, thắt chặt tín dụng, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP giảm, nên tuy đạt được mục tiêu về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, nhưng tăng trưởng kinh tế thấp sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến việc tụt hậu ngày càng xa của Việt Nam so với các nền kinh tế trong khu vực.