Nhìn lại thành công thị trường vàng năm 2013
(Tài chính) Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều, song không thể phủ nhận những thành công đáng ghi nhận trong việc quản lý thị trường vàng trong năm 2013.
Khuôn khổ pháp lý và công tác quản lý thị trường vàng được triển khai quyết liệt. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cụ thể hóa và sử dụng công cụ quản lý, can thiệp của Nhà nước vào thị trường vàng một cách hữu hiệu, hợp lý và hiệu quả. Việc phát huy quyền lực tuyệt đối của Nhà nước đối với các thành viên tham gia thị trường như: Tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư nước ngoài... giúp giảm thiểu tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước và người dân. NHNN đã nỗ lực thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng, qua đó giảm mạnh tâm lý nắm giữ, đầu cơ vàng, ngăn ngừa rủi ro cho các TCTD thông qua việc thực hiện các quy định tại Thông tư số 22/2010/TT-NHNN ngày 29/10/2010, Thông tư số 11/2011/TT-NHNN ngày 29/4/2011 và Thông tư số 12/2012/TT-NHNN ngày 27/4/2012. NHNN cũng nghiêm cấm các TCTD cho vay để kinh doanh vàng miếng, đồng thời yêu cầu các TCTD không được giữ trạng thái vàng vượt quá 2% so với vốn tự có và không được duy trì trạng thái âm vàng… Bên cạnh đó, việc quyết liệt triển khai các quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cũng đã giúp cho thị trường vàng ổn định hơn.
Ổn định cung - cầu trên thị trường, góp phần tăng thu ngân sách qua các phiên đấu thầu. Tính từ cuối tháng 3 đến nay, NHNN đã tổ chức 74 phiên đấu thầu vàng, qua đó cung ứng ra thị trường 1.785.200 lượng vàng, tương đương hơn 68,6 tấn vàng, trên tổng số 1.897.000 lượng chào thầu. Lượng cung vàng này vào thị trường đã hạn chế được tình trạng mất cân đối cung - cầu, qua đó góp phần ổn định thị trường vàng. Lượng tiền thu về từ hoạt động đấu thấu vàng được cân đối với các công cụ chính sách tiền tệ để mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối nhà nước và điều hòa lượng tiền cung ứng theo mục tiêu đề ra. Lợi nhuận thu được từ hoạt động đấu thấu vàng đã hỗ trợ cho ngân sách nhà nước, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện nguồn thu ngân sách nhà nước năm 2013 gặp nhiều khó khăn. Được biết, nguồn thu từ đấu thầu vàng tính đến ngày 30/8/2013 là hơn 6.000 tỷ đồng. Sau khi trích quỹ, khoản này được chuyển vào ngân sách nhà nước. Rõ ràng, trong bối cảnh ngân sách đang khó khăn, đây là sự bù đắp đáng kể, góp phần cân đối số giảm thu từ chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế cho hàng trăm nghìn DN trong năm 2013.
Đẩy lùi được tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và kinh tế vĩ mô. Sự mất cân đối về cung cầu vàng miếng trong nước đã được thu hẹp đáng kể, từ đó đã ngăn chặn được ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và kinh tế vĩ mô. NHNN đã tách vai trò người huy động và cho vay vàng ra khỏi các NHTM, bởi bản thân các NHTM cũng thua lỗ nặng nề, hiện tượng đầu cơ vàng đã giảm. Việc ổn định được giá vàng trong nước một cách tương đối, làm cho động cơ đầu cơ vào vàng khi giá thế giới biến động không còn hấp dẫn như trước đây và tránh được tác động lên xuống thất thường của giá vàng nước ngoài, từ đó tránh ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và thị trường ngoại hối. Có thể nói, năm 2013 với những nỗ lực quản lý của mình, NHNN đã có thêm những bước tiến trong cuộc chiến chống “vàng hóa” nền kinh tế...
Thị trường vàng đã được sắp xếp lại một cách cơ bản; trật tự, kỷ cương trên thị trường từng bước được xác lập. Theo đó, thay vì một mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng nhằng nhịt với hơn 12.000 điểm giao dịch trên cả nước, đến nay đã được thu hẹp chỉ còn khoảng 2.500 điểm và 38 TCTD, DN được cấp phép kinh doanh. Mặc dù số lượng các điểm giao dịch giảm đi khá nhiều, song đã không xảy ra tình trạng bất cập hay xáo trộn trên thị trường vàng. Các địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng được cấp phép đã niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng; chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ và thường xuyên được thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, qua sự kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng của NHNN cũng đã ngăn chặn tình trạng sản xuất vàng miếng từ vàng nguyên liệu nhập lậu, cũng như góp phần chống nhập lậu vàng.
Tạo sự ổn định về tâm lý, không còn tình trạng xếp hàng mua bán. Không còn cảnh thị trường vàng hoảng loạn, người dân đua nhau đi mua vàng, xếp hàng lũ lượt, chấp nhập lấy phiếu hẹn rồi nhận vàng sau... khi mỗi lần xảy ra đoản cung. Vàng cũng không còn trở thành câu chuyện nóng hổi trong các công sở, quán nước, trong bữa cơm gia đình… Có thể nói, việc tăng cung, giải cơn khát cho nhu cầu đã giúp thị trường ổn định, ít nhất về mặt tâm lý, từ đó không có sự hỗn loạn khi giá biến động. Trong thời gian vừa qua, mặc dù giá vàng thế giới có biến động, nhưng trong nước vẫn giữ được sự ổn định, không còn những cơn sốt vàng; giới đầu cơ không có cơ hội tạo sóng, làm giá, thao túng thị trường để kiếm lời như trước đây. Đương nhiên, mục tiêu bình ổn thị trường vàng mà NHNN đưa ra đã từng bước được thực hiện...