Nhìn lại thị trường bảo hiểm năm 2015
Năm 2015 tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng ổn định của thị trường bảo hiểm, trong đó có sự quản lý, giám sát và hỗ trợ thị trường của cơ quan quản lý.
Tăng trưởng tích cực
Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2015, thị trường bảo hiểm vẫn tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng khá tích cực.
Theo đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 68.024 tỷ đồng, tăng 21,43% so với cùng kỳ năm 2014. Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 31.374 tỷ đồng (tăng 14%); doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 36.650 tỷ đồng (tăng 29,5%).
Tổng số tiền đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 152.543 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt khoảng 33.406 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt khoảng 119.137 tỷ đồng.
Tổng nguồn vốn chủ sở hữu toàn thị trường ước đạt 42.388 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 19.072 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 23.316 tỷ đồng. Tổng tài sản toàn thị trường ước đạt 201.141 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 69.473 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 131.668 tỷ đồng.
Năm 2015, tổng số tiền thực bồi thường và trả tiền bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 21.160 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước là 13.177 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước là 7.983 tỷ đồng.
Nhiều giải pháp phát triển thị trường
Có thể khẳng định, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực như vậy phải kể đến những nỗ lực quản lý, giám sát và hỗ trợ thị trường của cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Tài chính.
Theo đó, năm 2015, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai nhiều giải pháp quan trọng nhằm phát triển thị trường bảo hiểm, thể hiện qua việc tiếp tục hoàn thiện chế độ chính sách trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tạo thuận lợi cho sự phát triển của thị trường như: Trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết về bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng; Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh bảo hiểm (Nghị định số 45/2007/NĐ-CP; Nghị định số 46/2007/NĐ-CP; Nghị định số 123/2013/NĐ-CP, Nghị định số 68/2014/NĐ-CP)...
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng ban hành một số văn bản pháp luật nhằm khuyến khích phát triển sản phẩm mới: bảo hiểm thủy sản (Thông tư số 97/2014/TT-BTC ngày 23/6/2015 sửa đổi Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 115/2014/TT-BTC của BTC hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm và tiếp tục bám sát tình hình triển khai tại từng địa phương để có giải pháp kịp thời); bảo hiểm hưu trí tự nguyện (Thông tư số 130/2015/TT-BTC ngày 25/8/2015 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 115/203/TT-BTC ngày 20/8/2013 của BTC hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện).
Bộ Tài chính cho biết, hiện đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chính sách phát triển sản phẩm bảo hiểm như: bảo hiểm nông nghiệp (đang trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định tiếp tục thí điểm bảo hiểm nông nghiệp); bảo hiểm thiên tai (đang nghiên cứu thí điểm mô hình bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với công trình thủy lợi); bảo hiểm tài sản công (đang nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào dự thảo Luật Tài sản công); bảo hiểm năng lượng nguyên tử (đang nghiên cứu xây dựng mô hình triển khai bảo hiểm năng lượng nguyên tử tại Việt Nam); bảo hiểm vi mô (xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn triển khai bảo hiểm vi mô)...
Đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát thị trường
Trong công tác quản lý giám sát thị trường, trong năm 2015, Bộ Tài chính cũng đã tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát, tập trung vào việc phát hiện, ngăn ngừa và hạn chế các rủi ro trong quá trình hoạt động kinh doanh, đồng thời chủ động xử lý kịp thời các tình huống bất thường, đột xuất.
Theo đó, Bộ Tài chính đã chủ động, thường xuyên bám sát thực tế, kịp thời phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường nhanh chóng trong các sự kiện cấp bách, đột xuất trong thời gian qua đã góp phần khẳng định vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm, quyết tâm của Chính phủ trong việc đảm bảo môi trường đầu tư an toàn và thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Điển hình, vụ tai nạn sập giàn giáo đặc biệt nghiêm trọng tại công trường cảng nước Sơn Dương thuộc Khu kinh tế Formosa Vũng Áng, Hà Tĩnh làm 13 người chết và 29 người bị thương ngày 25/3/2015, các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện chi trả số tiền bồi thường bảo hiểm là 650 triệu đồng.
Bộ Tài chính cũng đã tiến hành 06 cuộc thanh tra và 13 cuộc kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Qua thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện các sai phạm và kiến nghị, xử lý các vấn đề sau thanh tra nhằm giữ vững sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm.
Trong công tác quản lý, giám sát thường xuyên, Bộ Tài chính cũng đã triển khai chủ động, tích cực, sát sao với nhiều phương pháp, cách thức đổi mới và hiệu quả, trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa giám sát từ xa (phân tích báo cáo tài chính định kỳ quý, năm), trao đổi, làm việc trực tiếp và kiểm tra tại chỗ.
Trong đó, đã trực tiếp trao đổi, làm việc với các doanh nghiệp bảo hiểm nhằm rà soát việc tuân thủ pháp luật và công tác quản trị doanh nghiệp. Kết quả làm việc đã giúp BTC có đánh giá cụ thể, sâu sát hơn thực trạng quản trị và năng lực điều hành của Ban giám đốc, điều hành của từng doanh nghiệp, đồng thời nắm được những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động để tháo gỡ kịp thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm phát triển hoạt động kinh doanh...
Đặc biệt, trong năm qua, căn cứ Quyết định số 1826/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo tiến hành một bước tiến trình cơ cấu các doanh nghiệp bảo hiểm.
Theo đó, tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát và kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm; Chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy hoạt động khai thác tại các mảng thị trường tiềm năng, cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, tăng cường hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm; Yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm đẩy mạnh công tác quản trị DN; Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách, khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai các sản phẩm bảo hiểm mới nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội...
Tính đến nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 47 doanh nghiệp bảo hiểm (không kể doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tái bảo hiểm). Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ có 29 doanh nghiệp và 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ có 17 doanh nghiệp.