Viễn cảnh thị trường tái bảo hiểm 2016

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Tăng trưởng xuất khẩu của châu Á được dự báo chưa có sự khởi sắc rõ rệt, nhu cầu tiêu dùng nội địa vẫn đóng góp chính cho tăng trưởng GDP của các quốc gia trong châu lục.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Lãi suất được giữ thấp ở hầu hết các nước châu Á để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhìn chung, kinh tế châu Á sẽ sụt giảm do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại. Ngoài Trung Quốc, các nước châu Á khác có tăng trưởng kinh tế tốt hơn.

Trong bối cảnh lạm phát tăng nhẹ và lãi suất thấp, thị trường bảo hiểm được dự báo sẽ có mức tăng trưởng phí bảo hiểm được tiếp tục, hỗ trợ bởi phát triển về hoạt động kinh tế. Lợi nhuận từ hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm dự báo sẽ tiếp tục giảm, lợi nhuận từ hoạt động khai thác bảo hiểm vẫn được coi là trọng điểm.

Thập niên châu Á đang đến, phí bảo hiểm của châu Á dự kiến vượt châu Âu và châu Mỹ từ năm 2017. Động lực cho tăng trưởng của thị trường bảo hiểm châu Á, đó là những tăng trưởng của nền kinh tế châu lục và sự phát triển của thành phần trung lưu và đô thị hóa cùng tăng trưởng GDP/năm.

Tuy nhiên, tại các thị trường đã phát triển, doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng khiêm tốn do sức ép cạnh tranh về phí. Doanh thu và lợi nhuận khai thác tốt trong hai năm vừa qua do ít tổn thất thiên tai. Các thị trường mới nổi ở châu Á tiếp tục tăng trưởng cao do sự tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ phí giảm vào năm 2014 và 2015, sau khi tăng mạnh vào năm 2011 và 2012.

Để gia tăng lợi nhuận, các công ty bảo hiểm đang tìm kiếm lợi nhuận từ tổ chức hoạt động hiệu quả hơn nhiều lĩnh vực. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ cải tiến mô hình hoạt động và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; sử dụng công nghệ để có hệ thống phân phối hiệu quả hơn và lấy khách hàng làm trung tâm; ứng dụng mô hình phân tích và thẩm định rủi ro để nâng cao kết quả khai thác; mua bán và sáp nhập doanh nghiệp.

Liên quan đến viễn cảnh tái tục, sức ép cạnh tranh về phí sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, điều chỉnh giá tái bảo hiểm được thực hiện ở các chương trình tái bảo hiểm hoặc ở các phân khúc không tạo ra lợi nhuận khai thác. Để phát triển bền vững, công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm cần nhạy bén trong tổ chức hoạt động kinh doanh và kỷ luật trong hoạt động khai thác.

Đối với thị trường bảo hiểm Việt Nam, những điểm cần quan tâm, đó là thẩm định khai thác kinh doanh và tái bảo hiểm cần được thực hiện dựa trên kết quả kinh doanh theo năm khai thác. Áp dụng dự phòng bồi thường cho các tổn thất đã phát sinh nhưng chưa được thông báo (IBNR) trong việc thiết lập dự trữ và dự đoán bồi thường đối với dịch vụ có thời hạn kinh doanh dài (bảo hiểm kỹ thuật, thân tàu và và trách nhiệm).

Ngoài ra, Việt Nam cần điều chỉnh về phí, điều khoản và điều kiện đối với dịch vụ có tần suất và quy mô tổn thất tăng và dịch vụ có tỷ lệ kết hợp (combined ratio) cao; áp dụng thống nhất phương thức thu thập, báo cáo và trình bày số liệu tích tụ đối với rủi ro thiên tai; gia tăng sự chắc chắn của hợp đồng bảo hiểm/tái bảo hiểm thông qua sử dụng mẫu hợp đồng bảo hiểm thống nhất của thị trường.