NHNN chỉ yêu cầu hạch toán vàng với các tổ chức tín dụng
Ngân hàng Nhà nước vừa đưa thông tin cho biết, Thông tư 22 sửa đổi, bổ sung một số một số điều của Hệ thống tài khoản kế toán của tổ chức tín dụng (TCTD) trong đó có quy định hoạch toán vàng tại TCTD chứ không áp dụng điều chỉnh về hoạt động kinh doanh vàng nói chung.
Theo đó, từ 1/4/2018, Thông tư số 22/2017/TT-NHNN ngày 29/12/2017 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sửa đổi, bổ sung một số điều của Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 479/2004/QĐ-NHNN ngày 29/4/2004 và Chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN ngày 18/4/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chính thức có hiệu lực.
Thông tư 22 quy định về hệ thống tài khoản và chế độ báo cáo tài chính áp dụng cho các đơn vị kế toán là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong đó quy định về phương pháp hạch toán kế toán vàng tại tổ chức tín dụng tương tự như hạch toán kế toán đối với ngoại tệ, theo đơn vị là “chỉ” vàng 99,99% (vàng được coi là một loại ngoại tệ trong hạch toán kế toán và khi quy đổi ra đồng Việt Nam để lập báo cáo tài chính). Quy định này được kế thừa từ Quy định hạch toán kế toán đối với vàng tại Quyết định 479/2004/QĐ-NHNN và Thông tư số 10/2014/TT-NHNN.
Tuy nhiên, sau khi Thông tư 22 được ban hành có một số ý kiến lan truyền gây hoang mang cho doanh nghiệp và người dân khi cho rằng Thông tư sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, mua bán và lưu giữ vàng nói chung.
Nhằm làm rõ thông tin liên quan tới các quy định tại Thông tư 22, NHNN khẳng định: Thông tư 22 chỉ hướng dẫn về hạch toán kế toán đối với các Tổ chức tín dụng, không điều chỉnh về hoạt động kinh doanh vàng nói chung. Hoạt động kinh doanh vàng được quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ và các quy định của pháp luật liên quan.