Nhóm “Bộ tứ” liên kết tạo chuỗi cung ứng bán dẫn, đối đầu Trung Quốc

Theo Bảo Nhi/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia mong muốn gắn kết chặt chẽ trong lĩnh vực công nghệ để giảm sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương.

4 quốc gia tăng cường liên kết để duy trì chuỗi cung ứng bán dẫn trước sự bành trướng của Trung Quốc
4 quốc gia tăng cường liên kết để duy trì chuỗi cung ứng bán dẫn trước sự bành trướng của Trung Quốc

Bản dự thảo tuyên bố chung vừa được Nikkei công bố cho thấy các nhà lãnh đạo từ Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đồng thuận xây dựng chuỗi cung ứng bán dẫn. Những phát biểu sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh QUAD ở Washington vào tuần tới. Đây là tín hiệu cho thấy liên minh 4 bên muốn đáp trả Trung Quốc khi quốc gia này đang ngày càng gia tăng sức ảnh hưởng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. QUAD là liên minh của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, được lập nên để tạo đối trọng trước sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc ở khu vực.

Bộ tứ coi “chuỗi cung ứng công nghệ linh hoạt, đa dạng và an toàn cho phần cứng, phần mềm và dịch vụ rất quan trọng đối với lợi ích quốc gia”. Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chủ trì cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo của 4 quốc gia. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Modi sẽ tham gia.

Dự thảo tuyên bố chung về các nguyên tắc phát triển công nghệ của QUAD cho rằng “cách thức công nghệ được thiết kế, phát triển, quản lý và sử dụng phải được định hình bởi các giá trị dân chủ chung và tôn trọng các quyền con người toàn cầu”. Không nhắc đến những cáo buộc chiếm đoạt công nghệ của Trung Quốc, nhưng dự thảo nhấn mạnh rằng “chuyển giao bất hợp pháp hoặc đánh cắp công nghệ là thách thức phổ biến làm xói mòn nền tảng của sự phát triển công nghệ toàn cầu và cần được giải quyết”.

Về kế hoạch cụ thể, Bộ tứ dự kiến khởi động sáng kiến chung để lập bản đồ năng lực, xác định các lỗ hổng và tăng cường bảo mật chuỗi cung ứng về chất bán dẫn và các thành phần quan trọng khác trong chuỗi. 

Mỹ và Nhật Bản chỉ chiếm dưới 30% năng lực sản xuất chip của thế giới. Nhật Bản chủ yếu cung cấp chip nhớ và cảm biến trong khi Mỹ có các tập đoàn sản xuất vi xử lý lớn như Intel và Qualcomm. Hiện tại, xưởng đúc hàng đầu thế giới là TSMC của Đài Loan, dẫn đầu về công nghệ sản xuất chất bán dẫn mới nhất. Các nhà sản xuất chip Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh để tăng năng lực sản xuất.

Australia và Ấn Độ không có các công ty sản xuất chip hàng đầu trong nước nhưng có khả năng đóng góp vào chuỗi cung ứng. Ấn Độ là quốc gia có ngành công nghệ thông tin phát triển mạnh nhưng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về chip. Quốc gia này kêu gọi tăng cường mạng lưới cung cấp thông qua liên minh.

Tài liệu cho biết Bộ tứ hy vọng các nguyên tắc về phát triển công nghệ sẽ dẫn dắt khu vực và cả thế giới theo hướng “đổi mới có trách nhiệm, cởi mở, tiêu chuẩn cao, kêu gọi tuân theo các nguyên tắc được cộng đồng quốc tế áp dụng rộng rãi”.

Dự thảo khuyến nghị “không nên lạm dụng công nghệ cho các hoạt động độc hại như giám sát và áp bức” với lo ngại về việc sử dụng các hệ thống giám sát được hỗ trợ bởi trí thông minh nhân tạo đang được Trung Quốc áp dụng. Các quốc gia thuộc nhóm Bộ tứ cũng sẽ hợp tác ngăn chặn rò rỉ công nghệ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng an ninh quốc gia. Tài liệu cho biết: “Chúng tôi đang thúc đẩy sự phát triển của các mạng 5G an toàn, công khai và minh bạch”.

QUAD cũng sẽ hướng tới việc sử dụng “RAN mở”, cho phép các hãng viễn thông chia sẻ cơ sở hạ tầng truyền thông bằng cách kết nối thiết bị với các thông số kỹ thuật khác nhau. Đây được cho là cách Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia chống lại sự phát triển nhanh chóng về công nghệ 5G của Huawei, công ty nắm giữ 30% thị phần toàn cầu về trạm gốc 5G.