Nhu cầu tài chính để áp dụng mô hình phát triển thích ứng biến đổi khí hậu
Theo Ngân hàng Thế giới, tổng nhu cầu tài chính tăng thêm của Việt Nam để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon, hướng tới mô hình phát triển mới thích ứng biến đổi khí hậu có thể lên tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022–2040, hay xấp xỉ 6,8% GDP mỗi năm.
Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam (CCDR) của Ngân hàng Thế giới công bố tháng 7/2022 cho rằng, từ vị thế là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới vươn lên thành một thị trường mới nổi năng động, Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro ngày một nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, đe dọa mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Biến đổi khí hậu không chỉ đặt ra thách thức ngày càng nghiêm trọng đối với ngành nông, lâm, ngư nghiệp của Việt Nam mà còn làm giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu của quốc gia trên trường quốc tế trong cả công nghiệp chế biến, chế tạo và nông nghiệp.
Để đối phó với những xu hướng này, theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần áp dụng mô hình phát triển mới dựa trên hai lộ trình: Thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng khả năng chống chịu; Giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách khử carbon trong quá trình tăng trưởng (bằng cách cắt giảm lượng phát thải và hướng nền kinh tế theo hướng giảm dần các nguồn năng lượng thâm dụng carbon).
Nếu được thiết kế hiệu quả thì hai lộ trình này không chỉ giúp đất nước đạt được các mục tiêu về khí hậu mà còn thúc đẩy GDP bình quân đầu người tăng hơn 5% một năm - tỷ lệ trung bình cần thiết để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới, tổng nhu cầu tài chính tăng thêm của Việt Nam để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon có thể lên tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022–2040, hay xấp xỉ 6,8% GDP mỗi năm.
Riêng lộ trình xây dựng khả năng chống chịu sẽ chiếm khoảng 2/3 số tiền này vì cần huy động lượng vốn đáng kể để bảo vệ tài sản và cơ sở hạ tầng cũng như những người dân dễ bị tổn thương. Chi phí của lộ trình khử carbon sẽ chủ yếu phát sinh từ ngành năng lượng - chi phí đầu tư vào năng lượng tái tạo và quản lý quá trình chuyển dịch ra khỏi năng lượng than có thể tiêu tốn khoảng 64 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2040. Tất cả các số liệu đều được tính theo giá trị hiện tại ròng với tỷ lệ chiết khấu là 6%.
Việc bù đắp thiếu hụt kinh phí liên quan đến thực hiện lộ trình xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon sẽ đòi hỏi có sự phân bổ lại tiết kiệm từ khu vực tư nhân trong nước sang các dự án liên quan đến khí hậu, tăng tiết kiệm từ khu vực công và huy động hỗ trợ tài chính từ bên ngoài.
Theo Ngân hàng Thế giới, nỗ lực mạnh mẽ có thể giúp huy động nguồn vốn tư nhân tương đương khoảng 3,4% GDP mỗi năm. Điều này có thể đạt được bằng cách huy động tín dụng xanh từ các ngân hàng, phát triển công cụ dựa trên thị trường như cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh, cũng như áp dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro.
Tài chính xanh ở Việt Nam đang trong giai đoạn sơ khai, và chính sách công có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các ngân hàng vượt qua những nút thắt bên trong và bên ngoài thông qua các cải cách quy định và ưu đãi cho cả bên cung cấp tín dụng và bên đi vay.
Báo cáo CCDR này chỉ ra rằng, khoảng 2,4% GDP mỗi năm có thể được tài trợ bởi doanh thu tăng thêm từ thuế carbon (1,4–1,5% GDP mỗi năm) và đi vay trên thị trường trong nước. Duy trì nợ công trong giới hạn để tránh áp lực nợ trong tương lai cho Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng. Nguồn vốn nước ngoài có thể đến từ các nhà đầu tư tổ chức hoặc các nhà tài trợ đa phương và song phương, bên cạnh việc khai thác đầu tư trực tiếp nước ngoài và nguồn kiều hối.
Việc thiết lập một quỹ khí hậu nhằm huy động các nhà tài trợ công và tư quốc tế tiềm năng để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý đầu tư.