Nhu cầu và khả năng áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam
Cùng với xu hướng toàn cầu hóa về hợp tác và phát triển kinh tế, kế toán không còn là vấn đề mang tính nội tại, riêng biệt của từng quốc gia. Để phù hợp với yêu cầu đa dạng của doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư, các quốc gia thường cho phép doanh nghiệp lựa chọn Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc gia hoặc Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) khi lập và trình bày báo cáo tài chính. Việc nhiều doanh nghiệp đánh giá tính cấp thiết của việc áp dụng IFRS tại Việt Nam thông qua các khảo sát của Bộ Tài chính cho thấy, nhu cầu và khả năng áp dụng IFRS của doanh nghiệp ngày càng tăng.
Nhu cầu và khả năng áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam
Để đáp ứng yêu cầu quản lý của nền kinh tế trong giai đoạn mới, Chính phủ có chủ trương đẩy nhanh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới cũng như công cuộc cải cách thể chế tại Việt Nam. Thực hiện Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 tại Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2016 đến nay, Bộ Tài chính đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức một số cuộc hội thảo và khảo sát về nhu cầu và khả năng áp dụng IFRS của các DN tại Việt Nam.
Cụ thể, ngày 21 và 23/12/2016, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo “IFRS- Định hướng và lộ trình áp dụng tại Việt Nam” và ngày 28, 30/5/2018, tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm áp dụng IFRS của một số quốc gia, định hướng của Việt Nam”. Tại 2 hội thảo, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến thăm dò của đại diện từ các công ty niêm yết, các DNNN, các đơn vị có lợi ích công chúng khác thuộc lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, các trường đại học, các công ty dịch vụ kế toán và kiểm toán. Tại hội thảo năm 2016, có 190/198 ý kiến cho rằng, việc áp dụng IFRS là vấn đề cấp thiết và rất cấp thiết. Trong khi đó, tại hội thảo năm 2018, có 190/191 ý kiến cho rằng đây là vấn đề cấp thiết và rất cấp thiết.
Hiện nay, dù Việt Nam đã ban hành được hệ thống chuẩn mực kế toán, tuy nhiên do còn nhiều hạn chế và khác biệt với thông lệ quốc tế nên Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS) chưa được thừa nhận rộng rãi, đặc biệt chưa đáp ứng được yêu cầu của các định chế quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các quốc gia trên thế giới đang chuyển dần từ việc áp dụng Chuẩn mực quốc gia sang Chuẩn mực quốc tế để đảm bảo các DN có một tiếng nói chung phục vụ các nhà đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Kết quả khảo sát của Cục Quản lý Giám sát Kế toán, Kiểm toán (Bộ Tài chính) cho thấy, nhiều DN niêm yết lớn chịu áp lực từ nhà đầu tư nước ngoài hoặc các định chế tài chính quốc tế, đặc biệt là khối DN FDI chịu áp lực từ công ty mẹ ở nước ngoài có nhu cầu áp dụng IFRS. Do Việt Nam hiện chưa cho phép áp dụng IFRS nên các đối tượng này đang phải thực hiện chuyển đổi BCTC lập theo VAS sang IFRS để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, chủ nợ nước ngoài.
Tuy nhiên, các DN vẫn gặp nhiều khó khăn khi lập BCTC theo IFRS vì chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng chi tiết của cơ quan có thẩm quyền, nhiều DN phải thuê các công ty kiểm toán trợ giúp trong quá trình chuyển đổi BCTC sang IFRS. Trong khi đó, hiện nay, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài là công ty con của các tập đoàn xuyên quốc gia nước ngoài như: SamSung, Intel, P&G, Cocacola… đang phải lập BCTC theo chuẩn quốc tế để hợp nhất với BCTC của công ty mẹ trên toàn cầu. Việc áp dụng IFRS cũng sẽ giúp các DN FDI tại Việt Nam là công ty con của các tập đoàn đa quốc gia giảm chi phí chuyển đổi BCTC từ VAS sang IFRS như hiện nay, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam để thu hút nhiều hơn dòng vốn FDI trong tương lai.
Đồng thời, tại Việt Nam hiện có rất nhiều DN có nhu cầu phát hành các công cụ nợ, công cụ vốn trên thị trường quốc tế nên việc áp dụng IFRS sẽ giúp các DN có cơ hội huy động và thu hút được các nguồn vốn giá rẻ trên thị trường quốc tế, gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, nhiều DN như: Tập đoàn Vingroup, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam- Vinamilk… có nhu cầu phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế hoặc dự kiến niêm yết trên sàn giao dịch quốc tế hoặc nhận được sự tài trợ dưới hình thức vốn vay của các định chế tài chính quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)… Để thực hiện được điều này, theo quy định của hầu hết các nhà tài trợ quốc tế và cơ quan quản lý chứng khoán nước ngoài, thì việc trình bày thông tin tài chính theo chuẩn quốc tế là điều kiện bắt buộc, do đó việc triển khai IFRS sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN có thể thu hút được các nguồn lực tài chính phù hợp với chi phí thấp hơn, đem lại hiệu quả cao hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 700 công ty niêm yết trên 02 sàn giao dịch Hà Nội (HNX) và TP. Hồ Chí Minh (HOSE), cùng với gần 700 công ty niêm yết trên sàn UPCOM (chưa kể một số lượng lớn công ty đại chúng quy mô lớn như các công ty bảo hiểm, chứng khoán và DN chưa niêm yết khác). Các DN này có ảnh hưởng đáng kể đến công chúng và nền kinh tế nên việc cho phép áp dụng IFRS sẽ góp phần công khai, minh bạch thông tin tài chính theo chuẩn quốc tế, bảo vệ lợi ích công chúng và các nhà đầu tư, đảm bảo an toàn cho kinh tế vĩ mô…
Như vậy, nhu cầu áp dụng IFRS tại Việt Nam là thực tế khách quan, chủ yếu tập trung vào khối DN niêm yết quy mô lớn và các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, do chưa được đào tạo về IFRS, nên phần lớn các DN này chưa sẵn sàng áp dụng mà cần thời gian để chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, vật lực, nâng cấp hệ thống thông tin, phần mềm. Theo kinh nghiệm của các DN Nhật Bản và châu Âu thì để đảm bảo tính khả thi, DN cần phải có một khoảng thời gian chuẩn bị cần thiết khoảng từ 2-3 năm kể từ thời điểm công bố để chuyển đổi từ việc áp dụng Chuẩn mực quốc gia sang IFRS.
Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và những tác động đối với doanh nghiệp
- Về báo cáo tài chính của DN
IFRS yêu cầu BCTC của các DN phải được trình bày cho mục đích chung một cách trung thực và hợp lý về tình hình tài chính của DN mà không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Ban giám đốc hoặc Ban Lãnh đạo DN (nhằm mục đích đi vay, đẩy giá cổ phiếu hoặc che giấu những khoản lợi nhuận để hưởng lợi về thuế). Bên cạnh đó, IFRS yêu cầu trình bày và thuyết minh chi tiết về những rủi ro mà DN có thể gặp phải như rủi ro kinh doanh, rủi ro tín dụng, rủi ro chính sách… nhằm cung cấp thông tin đầy đủ hơn cho các nhà đầu tư, chủ nợ khi quyết định đầu tư vào DN. Ngoài ra, IFRS cũng yêu cầu thuyết minh rất chi tiết các khoản mục quan trọng của BCTC để giúp người sử dụng có được những thông tin tài chính hữu ích nhất trước khi đưa ra các quyết định kinh tế. Như vậy, việc BCTC được lập và trình bày theo IFRS sẽ giảm thiểu tác động của hình thức giao dịch đến phương pháp kế toán từ đó làm tăng khả năng so sánh giữa BCTC của DN tại Việt Nam với các DN khác trong khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, IFRS hướng đến việc trình bày thông tin tài chính một cách thận trọng, đề cao sự ổn định và an toàn tài chính lên trên mục tiêu lợi nhuận. Với cách tiếp cận trên, IFRS yêu cầu các DN phải ghi nhận ngay các khoản tổn thất do suy giảm giá trị tài sản, do biến động về giá trị hợp lý, do giá trị thuần có thể thực hiện được hoặc giá trị có thể thu hồi của tài sản thấp hơn giá trị ghi sổ… Vì vậy, khi ban hành và đưa IFRS vào áp dụng, kết quả kinh doanh trình bày trên BCTC của nhiều DN có khả năng bị suy giảm do nguyên tắc thận trọng, có thể ảnh hưởng đến việc huy động vốn và tín dụng của một số DN có tình hình tài chính yếu kém.
- Về công tác quản trị, điều hành DN
Theo Bộ Tài chính, IFRS yêu cầu áp dụng nhiều mô hình tài chính để xác định giá trị tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý, giá trị có thể thu hồi, giá trị sử dụng, giá trị thời gian, giá trị nội tại… Vì vậy, thông tin tài chính được cung cấp trên nền tảng IFRS sẽ giúp DN đánh giá được tình hình tài chính tại thời điểm báo cáo cũng như giúp Ban giám đốc có được những thông tin phục vụ tốt hơn cho việc dự báo kết quả hoạt động và dòng tiền trong tương lai, từ đó có căn cứ và công cụ để thực hiện công tác quản trị, điều hành phù hợp với tình hình thực tiễn.
- Về chi phí đầu tư ban đầu của DN
Khi áp dụng IFRS, các DN sẽ phát sinh một số chi phí đầu tư ban đầu phục vụ cho việc đào tạo lại nguồn nhân lực cũng như thay đổi hệ thống thông tin, phần mềm kế toán. Mặc dù, các chi phí đầu tư ban đầu là tương đối lớn nhưng xét về lâu dài thì những lợi ích từ việc minh bạch hóa thông tin, thu hút nhà đầu tư không những sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn các chi phí ban đầu mà còn giúp DN phát triển ổn định, bền vững. Ở một góc nhìn khác, việc áp dụng IFRS sẽ giúp các DN FDI tại Việt Nam là công ty con của các tập đoàn đa quốc gia giảm chi phí chuyển đổi BCTC từ VAS sang IFRS như hiện nay.
Một số khuyến nghị
Từ yêu cầu đổi mới của nền kinh tế, có thể thấy, việc xây dựng chuẩn mực BCTC Việt Nam theo thông lệ quốc tế thay thế cho 26 chuẩn mực kế toán hiện nay là rất cần thiết và mang tính tất yếu, khách quan. Việc đưa IFRS hay xây dựng ban hành chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế có điều chỉnh phù hợp với Việt Nam VFRS vào áp dụng ở Việt Nam sẽ tạo bước ngoặt căn bản cho công tác tài chính, kế toán tại DN, mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế, phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước trong việc phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững. Tuy nhiên, việc xây dựng và áp dụng IFRS cần sự đồng hành vào cuộc của các bên liên quan, đặc biệt đối tượng ảnh hưởng trực tiếp là các DN. Do vậy, các DN cần chú ý một số vấn đề sau:
Một là, thay đổi nhận thức về việc áp dụng IFRS: Khi áp dụng IFRS, thông tin tài chính của DN sẽ được trình bày sát thực hơn, thận trọng hơn nhưng điều này có thể làm cho BCTC của DN không được khả quan như hiện nay. Ngoài ra, hiện nay, vẫn có một số DN hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt là DN nhà nước với tâm lý e ngại việc áp dụng IFRS có thể ảnh hưởng đến xếp hạng; việc phân loại DN cũng như đánh giá về người đại diện phần vốn nhà nước tại DN, Ban lãnh đạo DN hoặc đối với các DN niêm yết nếu kết quả kinh doanh liên tục bị lỗ có thể ảnh hưởng đến việc duy trì điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Như vậy, nếu lãnh đạo DN không có ý thức tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, không sẵn sàng công khai tình hình tài chính thì đây sẽ là lực cản đối với quá trình tiếp cận với thông lệ quốc tế.
Hai là, các DN chủ động tự tổ chức đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực, hệ thống công nghệ thông tin để triển khai áp dụng IFRS theo lộ trình công bố của Chính phủ. Hiện nay, đại bộ phận kế toán viên tại các DN là những người trực tiếp lập BCTC đều chưa được đào tạo và tiếp cận IFRS, trong khi đó, hầu như các trường đại học chưa triển khai việc đào tạo IFRS cho sinh viên, dẫn đến sinh viên khi ra trường chưa có hiểu biết về IFRS. Do vậy, DN cần chủ động hợp tác với các cơ sở đào tạo, các tổ chức nghề nghiệp để tổ chức đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán tại DN, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/3/2013 phê duyệt Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
2. Bộ Tài chính (2020), Quyết định số 345/QĐ-BTC ngày 16/3/2020 phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam;
3. Đào Duy Hà (2019), Áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam và những yêu cầu đặt ra, Tạp chí Tài chính;
4. Trần Tiến Hoàng (2019), Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và định hướng của Việt Nam: Lộ trình và kinh nghiệm quốc tế, Tạp chí Công Thương.