Nhu cầu và mức độ tham gia của cộng đồng trong hoạt động du lịch tại khu vực hồ Hoà Bình
Từ việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng, tỉnh Hòa Bình đã khai thác được những thế mạnh để phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững cho cư dân địa phương. Tuy nhiên, trong thời gian qua, mô hình du lịch cộng đồng của Hòa Bình phát triển chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của Tỉnh. Bài viết này phân tích hiện trạng nhu cầu và mức độ tham gia của cộng đồng trong hoạt động du lịch tại khu vực hồ Hòa Bình, qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở khu vực hồ Hòa Bình nói riêng và trên địa bàn Tỉnh nói chung.
Đặt vấn đề
Hòa Bình là một tỉnh miền núi, cửa ngõ Tây Bắc của Tổ quốc. Nơi đây có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng dồi dào cùng nền văn hóa bản xứ độc đáo, tạo nên sức hấp dẫn thu hút khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá.
Vì vậy, hoạt động du lịch được phát triển và mang lại nguồn lợi lớn cho kinh tế địa phương và kinh tế khu vực. Ngoài những giá trị tự nhiên, Hòa Bình còn là nơi cư trú của nhiều đồng bào dân tộc như: Mường, Kinh, Thái, Tày, Mông, Dao… Đây là yếu tố tạo nên nét độc đáo, thu hút khách du lịch, nhất là khách quốc tế. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có khá nhiều bản làng đang khai thác tiềm năng phục vụ mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ).
Nhu cầu và mức độ tham gia của cộng đồng trong hoạt động du lịch tại khu vực hồ Hoà Bình
Sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch
Hình 1: Nhu cầu của người dân tham gia hoạt động Du lịch

Cộng đồng dân cư có quyền tham gia và hưởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch; có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường.
Cộng đồng dân cư được tạo điều kiện để đầu tư phát triển du lịch, khôi phục và phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, ngành, nghề thủ công truyền thống, sản xuất hàng hóa của địa phương phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Nhu cầu và mong muốn của cộng đồng dân cư
Nhu cầu của người dân
Theo kết quả khảo sát nhu cầu tham gia vào hoạt động DLCĐ của người dân ở khu vực hồ Hoà Bình, có 71,25% người dân mong muốn cung cấp các dịch vụ du lịch như: lưu trú, ăn uống, vận chuyển, hướng dẫn du lịch, bán hàng lưu niệm, đặc sản địa phương cũng như tham gia họp bàn về phát triển du lịch địa phương.
Có 82,5% đồng tình với việc tham gia bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, tuy nhiên, nhu cầu tham gia hướng dẫn du khách trải nghiệm đời sống lao động, sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc chỉ khoảng 36,25%, chủ yếu là do những rụt rè và băn khoăn về cách thức tham gia, thực hiện. Bên cạnh đó, hoạt động này còn được triển khai rất hạn chế tại các bản DLCĐ.
Như vậy, có thể thấy, hầu hết người dân ở các điểm DLCĐ khu vực hồ Hoà Bình đều có nhu cầu và sẵn lòng tham gia vào phát triển mô hình du lịch này. Nhìn chung, người dân địa phương đã nhận thấy những lợi ích về kinh tế, văn hoá, xã hội của du lịch, do đó, họ cũng có nhu cầu tham gia trong các hoạt động du lịch tại nơi mình sinh sống.
Mong muốn của cộng đồng dân cư
Với nhu cầu sẵn sàng tham gia vào hoạt động du lịch, cộng đồng dân cư khu vực hồ Hoà Bình đều mong muốn du lịch tại địa phương phát triển và khách du lịch đến khu vực này ngày càng tăng và ổn định hơn. Cộng đồng cũng có mong muốn ở mức cao với việc được hỗ trợ cơ sở hạ tầng tại địa phương (97,5%); hỗ trợ vốn, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch (90%); được tập huấn các kỹ năng phục vụ khách du lịch (83,75%); được quyền quyết định trong việc phát triển DLCĐ tại địa phương (88,75%) và được chia sẻ lợi ích công bằng giữa các bên tham gia vào hoạt động du lịch (91,25%).
Ngoài ra, người dân cũng mong muốn được hỗ trợ tập huấn quảng bá DLCĐ tại địa phương (63,75%); hỗ trợ, hướng dẫn về quản lý kinh doanh du lịch (60%); tập huấn xây dựng phát triển sản phẩm du lịch (58,75%); hỗ trợ liên kết phát triển DLCĐ trong vùng (55%) và thấp nhất là hỗ trợ nâng cao năng lực lập kế hoạch thực thi và giám sát phát triển du lịch tại địa phương (55%).
Mức độ tham gia hoạt động du lịch của cộng đồng địa phương
Về số lượng lao động, theo số liệu của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hoà Bình, từ năm 2005 đến nay, số lượng lao động du lịch ở khu vực hồ Hoà Bình có sự gia tăng đáng kể, tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2005 đến 2015 là 14,2%. Đối với các bản DLCĐ ở khu vực hồ Hoà Bình, số lượng người dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch cũng ngày càng tăng.
Kết quả khảo sát và tổng hợp của tác giả cho thấy, số lượng lao động du lịch trực tiếp ở các bản hiện nay khoảng 430 người. Sở dĩ người dân tham gia vào hoạt động du lịch tăng lên đáng kể là do sự phát triển của các dự án DLCĐ, tiêu biểu là các dự án du lịch của tổ chức AFAP phối hợp với UBND huyện Đà Bắc, dự án DLCĐ của Công ty Cổ phần du lịch Hoà Bình ở bản Ngòi, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc. Các dự án tạo ra việc làm phù hợp, thu hút sự tham gia của các hộ gia đình. Điển hình như ở bản Sưng thu hút được 50 hộ tham gia trên 75 hộ của bản, bản Đá Bia là 25/40 hộ, xóm Ngòi là 15 hộ trên tổng số 91 hộ dân.
Những gia đình có điều kiện, nhu cầu và được dự án lựa chọn sẽ được hỗ trợ vốn, đào tạo, nguồn khách để kinh doanh homestay. Những hộ khác tại các bản DLCĐ ở khu vực hồ Hoà Bình sẽ tham gia vào các tổ nhóm dịch vụ như: đón tiếp, lưu trú, và ăn uống, hướng dẫn viên, thuyền kayak, thuyền du lịch, thăm lồng cá và kéo vó tôm, trông xe, văn nghệ, xe ôm. Các công việc phù hợp với điều kiện, khả năng cũng như kiến thức, kỹ năng sẵn có của các cá nhân và hộ gia đình.
Vì vậy, số lượng lao động tham gia vào hoạt động DLCĐ ở các bản có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là các bản có sự hỗ trợ của các dự án và công ty du lịch. Đơn cử như huyện Đà Bắc, chỉ tính riêng năm 2019, số lượng người tham gia lao động trong lĩnh vực du lịch ở các bản tăng lên là 103 người (74%). Với các bản DLCĐ tác giả khảo sát ở các huyện khu vực hồ Hoà Bình, số lượng lao động du lịch tăng 128 người (42,3%) trong năm 2019.
Về cơ cấu theo lĩnh vực lao động, lao động du lịch ở các bản DLCĐ chủ yếu là lao động trực tiếp. Trong đó, số lao động nhiều nhất là lĩnh vực vận chuyển (xe ôm, thuyền), tiếp đến là số lượng người tham gia vào các đội văn nghệ, hướng dẫn viên, lưu trú, ăn uống và các hoạt động trải nghiệm. Điều này cho thấy, DLCĐ đã “chiêu mộ” được nhiều lao động trong các công việc kỹ năng khác nhau.
Chất lượng lao động
Lao động du lịch tại các bản DLCĐ phần lớn là đồng bào dân tộc Mường, Thái, Dao, Tày… tại địa phương. Họ có trình độ văn hóa chưa cao, đa phần là trình độ phổ thông. Cụ thể tại 3 địa điểm khảo sát (Đá Bia, Ngòi Hoa và Giang Mỗ), trong số các hộ kinh doanh homesty có 42,1% chủ các homestay có trình độ cấp 2, 26,3% có trình độ cấp 1 và cấp 3, còn lại 5,26% chủ các homestay có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học (nhưng đa phần không phải là chuyên ngành du lịch).
Khảo sát những lao động tham gia vận chuyển, hướng dẫn du lịch địa phương, các hoạt động trải nghiệm... có 42,9% là trình độ cấp 1, 14,2% lao động có trình độ cấp 3. Nhìn chung, đa số lao động du lịch ở các bản DLCĐ đều là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo tay nghề và kỹ năng du lịch. Tuy nhiên, các hộ dân lại có sự nhanh nhạy trong thích ứng với hoàn cảnh của địa phương và những biến đổi của thị trường khách du lịch.
Do chất lượng lao động còn thấp nên để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung ứng, các dự án và các công ty du lịch đã phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương đào tạo và bồi dưỡng kiến thức kỹ năng về lưu trú, nấu ăn, ngoại ngữ, cứu hộ… Như công ty Cổ phần đầu tư du lịch Hoà Bình đã hợp tác với Trường cao đẳng Du lịch Hà Nội đào tạo tại chỗ 50 thanh niên trong bản cách cứu hộ, 15 nữ nhân viên buồng phòng, 20 gia đình học kỹ năng nghiệp vụ đón khách. Đào tạo kỹ năng buồng phòng trong thời gian 1 tuần vào năm 2017 (tại Hà Nội).
Ngoài ra, các hộ homestay ở Đá Bia, Ké, Sưng, Ngòi Hoa cũng được học các kỹ năng như đón tiếp khách, làm buồng phòng... 2 lần/năm do cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giảng dạy; tập huấn môi trường 1 lần/1năm. Ở xóm Đá Bia còn được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Hoà Bình dạy bồi dưỡng về văn nghệ trong 5 ngày và đầu tư nhạc cụ (cồng, chiêng, đàn nhị); tập huấn nấu ăn cho người lao động 5 ngày ở đảo Dừa.
Theo đánh giá của khách du lịch về chất lượng lao động tại các bản DLCĐ, ưu điểm nổi bật là tinh thần và thái độ phục vụ. Các lao động du lịch ở đây đều là người đồng bào dân tộc rất chất phác, vô tư và nhiệt tình với khách du lịch, chưa có hiện tượng thương mại hoá. Vì vậy, đem đến cho du khách những cảm nhận tốt và các thông tin cơ bản về đời sống, văn hoá, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư. 70% khách du lịch đánh giá người dân có hiểu biết về văn hoá, truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, điểm yếu của lao động du lịch ở các bản DLCĐ là ở các kỹ năng, nghiệp vụ du lịch, kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ. Có 45% khách du lịch đánh giá kỹ năng phục vụ của lao động du lịch địa phương ở mức trung bình, 15% đánh giá ở mức kém và 30% đánh giá ở mức tốt. 47% du khách đánh giá cao kỹ năng giao tiếp với khách ở mức trung bình và chỉ có 23% đánh giá ở mức tốt. Bên cạnh đó, vào thời vụ du lịch, số lượng lao động chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng DV.
Mức độ đồng thuận của cộng đồng trong hoạt động du lịch cộng đồng
Theo kết quả điều tra của tác giả, ngoài Giang Mỗ là bản hoạt động du lịch lâu đời nhất, có số hộ chính thức làm homestay chiếm gần 30% tổng số hộ của bản. Các bản còn lại như Bản Ngòi, bản Đá Bia, Sưng, Ké, Suối Lốn có tỷ lệ hộ tham gia kinh doanh homestay dao động từ 3% đến 10%. Hoạt động DLCĐ ở các bản ít nhiều đều có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Tuy nhiên cũng có bản phát triển DLCĐ mang tính tự phát như bản Suối Lốn.
Ngoài dịch vụ homestay, ở nhiều bản còn phát triển các hoạt động bổ trợ cho du lịch như thành lập đội văn nghệ (biểu diễn ca hát, múa, kể chuyện truyền thống địa phương), đội nấu ăn, đội xe ôm, đội hướng dẫn viên như ở bản Giang Mỗ, Sưng, Ké, Đá Bia. Bản Sưng và Giang Mỗ đều có 2 hộ/bản chuyên dệt và bán đồ thổ cẩm cho khách. Bản Ngòi có đội văn nghệ riêng, nhưng chưa có đội chuyên trách nấu ăn hay hướng dẫn viên cho các homestay. Cả bản chỉ có khoảng 2-3 lao động được đào tạo và tuyển dụng làm nấu ăn cho Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Hoà, 2 người làm bảo vệ ở công viên nước và 1 người làm lái tàu cho công ty.
Xét theo tỷ lệ thì số hộ có thành viên tham gia du lịch ở Đá Bia cao nhất, với 34,4%, ở Giang Mỗ là 24,5% và ở Ngòi chỉ có 20,9%. Lao động tham gia du lịch ở bản Ngòi thực tế phần lớn đều làm cho Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Hoà Bình, trong đó một số lao động làm việc ở điểm du lịch khác (như cảng Thung Nai, đảo Sưng...) chứ không làm ở trong bản. Do du lịch ở bản Ngòi mới trong giai đoạn đầu hình thành và phát triển, Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Hoà Bình cũng còn gặp nhiều khó khăn trong gọi vốn đầu tư và triển khai hoạt động, trong khi đó trình độ học vấn của người dân bản không cao, nên công ty chưa thể tạo cơ hội cho nhiều lao động trong bản tham gia.
Trên toàn khu vực, tỷ lệ hộ biết đến quy hoạch Khu du lịch quốc gia vùng lòng hồ Hoà Bình chiếm 23,13%, trong khi tỷ lệ hộ trả lời họ được tham vấn trong quy hoạch chỉ đạt 6,02%. Tương tự, tỷ lệ hộ biết đến quy hoạch ở các bản Đá Bia, Ngòi và Giang Mỗ lần lượt chiếm 21,8%, 20,3% và 27,3%. Trong khi tỷ lệ hộ cho biết họ được tham vấn trong quy hoạch ở các bản này chỉ chiếm 9,4% ở Đá Bia, 2,55% ở Ngòi và 6,1% ở Giang Mỗ. Ngay cả với các hộ kinh doanh homestay, cũng có rất ít hộ được tham vấn trong quá trình xây dựng quy hoạch.
Nghiên cứu sự tham gia của cộng đồng địa phương về mặt kinh tế cho thấy, sự phát triển của DLCĐ tại các bản làng trong khu vực hồ Hoà Bình đã đem đến sinh kế mới cho đồng bào nơi đây góp phần cải thiện, nâng cao đời sống kinh tế, xã hội. Bên cạnh các hộ gia đình, cá nhân lao động trực tiếp phục vụ khách du lịch còn có rất nhiều hộ gia đình tham gia gián tiếp vào hoạt động du lịch bằng cách cung cấp lương thực, thực phẩm, nông sản, đặc sản địa phương cho các cơ sở kinh doanh phục vụ khách du lịch. Theo khảo sát thực tế của tác giả luận án, số lượng cung cấp này từ các hộ ở các bản không đồng đều, do đặc điểm riêng của mỗi bản. Với bản Ngòi (xã Ngòi Hoa, Tân Lạc) do số lượng khách chưa nhiều, chưa ổn định và phần lớn khách ăn tại homesaty do Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Hoà Bình tổ chức. Do đó thực phẩm được chở từ cảng Thung Nai vào, chỉ có một số ít mua trong dân. Nên mức độ tiêu thụ nông sản, thực phẩm ở đây khá thấp chỉ khoảng 1,7%, 3,4% và 5,1%. Còn lại các bản khác mức độ tiêu thụ các loại hàng nông sản, thuỷ sản và thực phẩm cao hơn nhiều. Như bản Đá Bia có 43,8% hộ cung cấp thuỷ sản, 18,8% hộ cung cấp thịt và 21,9% hộ cung cấp rau cho các homestay. Trong khi đó, số hộ cung cấp rau và thịt cho các homestay ở xóm Mỗ cũng có tới 21,8% và 18,2%, nhưng số hộ tham gia đánh bắt và cung cấp thuỷ sản chỉ có 1,8% (Vì bản không gần hồ).
Giải pháp nâng cao mức độ tham gia của cộng đồng trong hoạt động du lịch tại khu vực hồ Hoà bình
Để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của Tỉnh, trong thời gian tới cần triển khai một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
Thứ nhất, tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật tại các Khu, điểm du lịch cộng đồng đang hoạt động và các điểm đã được phê duyệt trong quy hoạch, đề án phát triển du lịch của Tỉnh và các địa phương. Lập Quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các Điểm du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn kiến trúc nhà, phong tục tập quán, nghề truyền thống để quản lý khai thác phát triển du lịch. Công nhận các Điểm du lịch cộng đồng và thành lập Ban Quản lý để ban hành Nội quy, Quy chế nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý tại các điểm Du lịch cộng đồng cũng như có quy định phân chia lợi nhuận nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích chung của cộng đồng.
Thứ hai, xây dựng và ban hành chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; tạo cơ chế để hộ gia đình, cá nhân bà con dân tộc thiểu số tại các xóm có tiềm năng phát triển du lịch có thể trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng. Lồng ghép các chương trình có nguồn vốn như chương trình nông thôn mới, chương trình hỗ trợ giảm nghèo, các dự án phi chính phủ để có nguồn lực hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, kỹ năng nghề thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển. Hỗ trợ cải tạo cảnh quan, bảo tồn kiến trúc nhà ở, mua sắm các trang thiết bị đón tiếp phục vụ khách du lịch; hỗ trợ kinh phí mua sắm bổ sung, thay thế, sửa chữa các trang, thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn của thiết chế văn hóa cho các xóm, bản du lịch cộng đồng; hỗ trợ xây dựng các đội văn nghệ dân tộc để biểu diễn phục vụ khách du lịch…
Thứ ba, triển khai Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình gắn với phát triển du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng; xây dựng các chương trình du lịch mới gắn kết giữa trải nghiệm văn hóa bản địa với hoạt động nông nghiệp tạo thành các tour, tuyến cho khách du lịch được khám phá, trải nghiệm tại địa phương. Xây dựng các điểm du lịch cộng đồng có những sản phẩm mang bản sắc riêng biệt không bị trùng lắp cho du khách đến khám phá, trải nghiệm.
Tài liệu tham khảo:
- Chính phủ (2016), Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường (2013), Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT - BVHTTDL - BTNMT hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch , tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích;
- Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình (2020), Địa chí tỉnh Hòa Bình. Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.17;
- Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình (2016), Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 10 - NQ/TU, ngày 30/12/2016 về phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Trường Đại học Luật Hà Nội, (2013), Tập bài giảng pháp luật môi trường trong kinh doanh, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Hà Nội;