Khôi phục hoạt động du lịch trong giai đoạn bình thường mới
Hơn hai tuần qua, Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã tạo tâm thế mới cho các địa phương thống nhất với nhau điều kiện, tiêu chuẩn trong mở cửa phục hồi kinh tế nói chung, du lịch nói riêng. Khôi phục hoạt động du lịch trong giai đoạn bình thường mới cũng là quyết tâm của chính quyền nhiều địa phương có thế mạnh du lịch, có các điểm đến hấp dẫn.
Gần đây nhất, việc thí điểm suôn sẻ một số tua du lịch liên tỉnh xuất phát từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh theo hình thức “tua khép kín”, đi về trong ngày, đã cho thấy dấu hiệu tích cực của việc khởi động lại du lịch nội địa. Điển hình là đoàn 17 du khách đầu tiên từ Hà Nội đi Bắc Giang (ngày 23/10); và hai đoàn du khách là các y, bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch của TP Hồ Chí Minh tới núi Bà Đen, Tây Ninh (ngày 18/10 và 21/10).
Để triển khai các “tua khép kín”, mỗi công ty du lịch đã chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt. Đội ngũ phục vụ, hướng dẫn viên đều được tiêm đủ vaccine, xét nghiệm định kỳ, tập huấn kỹ quy trình phục vụ khách an toàn… Khách du lịch tham gia các chương trình khép kín được khảo sát kỹ thông tin dịch tễ, lịch sử di chuyển, bảo đảm tiêm đủ liều vaccine, xét nghiệm… trước ngày khởi hành. Phía địa phương cũng ưu tiên sử dụng các khu phức hợp, khu du lịch có tính biệt lập, cách xa khu dân cư để đón khách du lịch nội địa; có phương án xử lý sự cố y tế nếu xảy ra...
Nhưng việc mở cửa khôi phục du lịch tại không ít nơi trên thực tế vẫn rất dè dặt, do một số địa phương vẫn có tiêu chuẩn riêng. Nhiều hiệp hội du lịch địa phương và các công ty du lịch phản ánh tình trạng chưa thống nhất giữa các địa phương trong thực hiện Nghị quyết 128. Khó nhất chính là sự thiếu thống nhất về tiêu chí an toàn chung giữa các địa phương. Hiện mỗi địa phương vẫn tự mình đưa ra các phương án an toàn riêng trong đón khách du lịch, cũng như điều kiện dành cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phục hồi chung của du lịch.
Chi hội lữ hành TP Hồ Chí Minh cho biết, qua khảo sát một số tỉnh, có tình trạng mỗi nơi làm một kiểu; cá biệt có địa phương không thừa nhận kết quả test COVID của địa phương khác; dù là “vùng xanh” nhưng nhiều nơi vẫn chưa sẵn sàng mở cửa; hoặc sẵn sàng rồi nhưng chưa thể đón khách vì nhân viên các công ty du lịch, cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch chưa tiêm đủ hai mũi vaccine...
Hai yếu tố được xem là quan trọng nhất để mở cửa du lịch là: địa phương bảo đảm độ phủ vaccine cho người dân sở tại (trong đó có nhân viên cơ sở du lịch) và có phương án, cơ sở vật chất để xử lý các ca nhiễm phát sinh từ du khách. Các công ty lữ hành du lịch mong muốn các tỉnh, thành phố lập đường dây nóng cung cấp thông tin cho công ty du lịch và du khách, để khách biết được hỗ trợ ra sao, test COVID ở đâu, được hướng dẫn cụ thể trong trường hợp xảy ra sự cố trong đoàn khách có người nghi nhiễm COVID-19; điều kiện y tế để xử lý cách ly một người hay cả đoàn, cách ly tại cơ sở lưu trú hay cách ly tập trung… Bởi vì, để thu hút khách, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển và đơn vị cung ứng dịch vụ khác tại địa phương phải có sự hợp tác chặt chẽ mới có thể đưa ra những gói sản phẩm an toàn, hấp dẫn, giá cả hợp lý, điều khoản linh hoạt…
Hiện nay, tình trạng thiếu thông tin, thiếu hướng dẫn cụ thể từ các địa phương khiến doanh nghiệp lữ hành rất lúng túng trong xây dựng các sản phẩm du lịch liên tỉnh cụ thể. Doanh nghiệp du lịch ở địa phương thì dè dặt, cân nhắc việc mở cửa do chi phí vận hành trở lại rất tốn kém. Nếu mở cửa mà không có khách hoặc ít khách thì sẽ càng khó khăn hơn.
Thời điểm 1/11- mốc thời gian mà nhiều địa phương cho phép mở lại du lịch liên tỉnh đã đến, nhưng các doanh nghiệp du lịch vẫn còn phải chờ những hướng dẫn thống nhất giữa địa phương. Mấy ngày gần đây, một số địa phương xuất hiện các ổ dịch mới trong cộng đồng do người di chuyển về từ các tỉnh từng là trung tâm dịch phía nam, khiến các địa phương này cảnh giác hơn. Diễn biến dịch bệnh phức tạp có thể khiến các địa phương này quay lại các biện pháp chống dịch cứng nhắc hoặc đặt ra các quy định hạn chế khác nhau, gây khó khăn cho việc mở cửa du lịch.
Để việc mở cửa du lịch nội địa không còn dè dặt, các địa phương cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine để đạt độ phủ cần thiết. Đồng thời, sớm có các hướng dẫn và quy định chủ động, kịp thời, nhất quán giữa các địa phương trong việc kiểm soát đi lại, phương án xử lý sự cố y tế trong vận hành du lịch, để giúp các khâu vận tải, lưu trú, dịch vụ nhà hàng, địa điểm tham quan, mua sắm… hoạt động đồng bộ.