Nhu cầu vốn xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội khoảng 12.500 tỷ đồng

PV.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Văn Tuấn cho biết, nhu cầu và tổng nhu cầu sàn nhà ở xã hội đến 2030 trên địa bàn toàn TP.Hà Nội là khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương 113.000 căn hộ và vốn xây dựng nhà ở xã hội khoảng 12.500 tỷ đồng.

Nhu cầu nhà ở trên địa bàn TP. Hà Nội sẽ tiếp tục tăng

Phát triển nhà ở được TP. Hà Nội xác định là một trong những nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với định hướng phát triển đô thị. Trong giai đoạn 2016-2020, TP. Hà Nội đã hoàn thành 25 dự án với khoảng 1,25 triệu m2 sàn; và 52 dự án đang triển khai với khoảng 4,14 triệu m2 sàn.

Nhà ở xã hội của thành phố được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch, gắn với phát triển đô thị, chỉnh trang đô thị; được đầu tư với nhiều hình thức đa dạng từ các nguồn lực xã hội. Hiện nay, có 05 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) hiện đại với quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ đang được thành phố triển khai.

113.000 căn hộ được xác định là nhu cầu nhà ở xã hội tại Hà Nội tính đến năm 2030.
113.000 căn hộ được xác định là nhu cầu nhà ở xã hội tại Hà Nội tính đến năm 2030.

Phát biểu về định hướng phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Văn Tuấn cho biết, TP. Hà Nội ban hành Chương trình phát triển nhà giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch Phát triển nhà ở 5 năm 2021-2025 được HĐND TP. Hà Nội thông qua. Trên cơ sở đó xác định nhu cầu và tổng nhu cầu sàn nhà ở xã hội đến 2030 trên địa bàn toàn Thành phố là khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương 113.000 căn hộ và vốn xây dựng nhà ở xã hội khoảng 12.500 tỷ đồng.

Phân tích chi tiết về kế hoạch phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương cho biết, kế hoạch này xác định vị trí, khu vực, diện tích đất phát triển nhà ở, nguồn vốn huy động; đồng thời, làm cơ sở để kiểm soát thị trường bất động sản, phát triển đô thị văn minh, hiện đại.

Theo đó, Thành phố đặt chỉ tiêu phát triển 44 triệu m2 sàn nhà ở giai đoạn 2021-2025. Trong đó, nhà ở xã hội 1,25 triệu m2, nhà ở tái định cư 560.000m2; nhà ở thương mại 19,69 triệu m2; nhà ở riêng lẻ 22,5 triệu m2. Thành phố cũng xác định nâng diện tích nhà ở bình quân toàn Thành phố đạt 29,5m2 sàn/người; tỷ lệ diện tích nhà ở cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội phải đạt tối thiểu 30% tổng diện tích sàn tại dự án.

Nhằm phát triển nhà ở theo Chương trình phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch Phát triển nhà ở 5 năm 2021-2025, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, giải pháp phát triển các loại hình nhà ở cần thực hiện đó là bổ sung về chính sách nhà ở với người có công và hộ thu nhập thấp. Đồng thời, xác định mục tiêu xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng để tránh hiện tượng không thu hút người ở, chuyển nhượng tùy tiện và phải điều chỉnh như thực tế diễn ra vừa qua. Đối với nhà ở xã hội trong các khu công nghiệp, cần xác định giao quyền cho Thành phố điều chỉnh quy hoạch.

Dự báo về nhu cầu nhà ở của TP. Hà Nội có thể gia tăng, nhất là khi vùng Thủ đô được mở rộng.  
Dự báo về nhu cầu nhà ở của TP. Hà Nội có thể gia tăng, nhất là khi vùng Thủ đô được mở rộng.  

Ông Phạm Ngọc Thảo - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội) nhấn mạnh về vấn đề làm rõ phân khúc nhà ở và giá bán. Ông cho rằng, số đông người lao động còn hạn chế trong thu nhập, do mức lương nhìn chung còn thấp. Vì vậy, Thành phố cần định hướng và có giải pháp chỉ đạo phù hợp để hạ thấp giá thành căn hộ, giúp người dân có nhu cầu mua nhà đủ khả năng chi trả.

"Vừa qua, do giá nhà còn rất cao, lệch pha, nên nhà ở xây dựng nhiều, nhưng sức mua của người lao động còn thấp, dẫn đến tình trạng có hàng chục nghìn nhà bỏ hoang, lãng phí lớn về đất đai và tiền của, gây bức xúc trong xã hội.", ông Phạm Ngọc Thảo chia sẻ.

Tiếp tục triển khai đồng bộ và hiệu quả

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đề ra trong thời gian tới, TP. Hà Nội đã đưa ra hàng loạt giải pháp trọng tâm để thực hiện. Theo đó, đẩy mạnh các khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật xã hội. Rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, khu vực giáp ranh các khu công nghiệp, rà soát các khu đô thị mới, khu nhà ở chưa dành quỹ đất 20% (với Hà Nội là 25%) để xác định vị trí, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch phát triển đặt ra.

Bố trí nguồn tiền các chủ đầu tư nhà ở thương mại đã nộp tương đương giá trị quỹ đất 20%, 25% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.

Đồng thời, kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội - độc lập, nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở xã hội phục vụ tái định cư; cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chuẩn bị đầu tư phục vụ đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật hiện hành. Thực hiện cho vay ưu đãi (qua Quỹ Đầu tư phát triển, Ngân hàng chính sách) để hỗ trợ nhà ở xã hội cho các đối tượng theo quy định tại Điều 49, 50 Luật Nhà ở.

TP. Hà Nội cũng khuyến khích nhà đầu tư đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ các thiết chế công đoàn theo quy hoạch phục vụ công nhân và người lao động trong quá trình hình thành các khu công nghiệp mới...