Nhức nhối hàng giả, hàng nhập lậu

PV.

Tại Hội thảo Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa doanh nghiệp và lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do Cục Quản lý thị trương (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ thẳng thắn về việc hàng hóa của họ đang bị làm giả, nhập lậu và bày bán tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng không nhỏ tới thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp.

Hàng hóa đang bị làm giả, nhập lậu và bày bán tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng không nhỏ tới thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp. Nguồn: Internet
Hàng hóa đang bị làm giả, nhập lậu và bày bán tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng không nhỏ tới thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp. Nguồn: Internet

Nhận thức về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế

Trong thời gian qua, công tác chống hàng giả, hàng nhái nói chung và chống xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ (QSHTT) nói riêng ở Việt Nam luôn là mối quan tâm rất lớn của nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng ở Việt Nam. Ngoài nguồn hàng giả, hàng xâm phạm QSHTT sản xuất nội địa, nguồn hàng giả này từ Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam là rất lớn.

Dù Nhà nước đã áp dụng nhiều giải pháp, biện pháp phòng, chống tuy nhiên diễn biến của tình trạng này vẫn còn rất phức tạp. Một trong những nguyên nhân là nhận thức của đông đảo người dân về QSHTT còn rất hạn chế.

Đánh giá về thực trạng này, Cục Quản lý thị trường cho biết, thời gian gần đây, nhiều vụ việc quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng đã bị điều tra, phát hiện, chủ yếu liên quan đến hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài thẩm lậu vào thị trường nội địa tiêu thụ.

Năm 2017, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành phối hợp với các lực lượng chức năng, hiệp hội và doanh nghiệp tiến hành kiểm tra và xử lý trên 19.000 vụ vi phạm. Trong đó, có 278 vụ giả về chất lượng, công dụng; 3.518 vụ giả mạo chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì; 395 vụ giả về tem, nhãn, bao bì hàng hóa; 608 vụ xâm phạm quyền SHTT; 15.067 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa.

Theo bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh - đại diện Công ty TNHH LOréal Việt Nam, hiện nay khoảng 75% thị phần mỹ phẩm là hàng nhập lậu và hàng giả. Đặc biệt, việc bán hàng trực tuyến dễ dàng đang khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát kinh doanh các loại hàng giả và hàng nhập lậu. Các trang thương mại điện tử phát triển vượt bậc mang lại sự tiện lợi, đồng thời cũng kéo theo hệ quả xấu là hàng loạt sản phẩm bị làm giả xuất hiện công khai trên các trang mạng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin của người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp nước ngoài muốn sản xuất, đầu tư và bán hàng tại Việt Nam.

Đồng thuận quan điểm trên, bà Phạm Thị Ngọc Dung - Văn phòng Luật Baker Mckenzie Việt Nam, đại diện Công ty Lacoste cũng cho rằng, hiện nay, vi phạm QSHTT có xu hướng chuyển sang trên các trang thương mại điện tử do hàng hóa không trực tiếp bày bán, khó bị phát hiện và xử lý. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày một lớn, con số thiệt hại đối với các doanh nghiệp chân chính ngày một tăng lên, khó có thể tính toán hết. 

Làm gì để phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm QSHTT?

Hiện nay, công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng xâm phạm QSHTT vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn về cơ chế, chính sách, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe; Cơ chế phối hợp vẫn chưa đồng bộ, chặt chẽ; Kinh nghiệm giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài còn thiếu…

Ngoài ra, việc phối hợp giữa hiệp hội với doanh nghiệp và cơ quan quản lý còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chưa tích cực hợp tác với lực lượng chức năng vì tâm lý cho rằng, phát hiện hàng giả đối với sản phẩm của mình sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm và doanh thu.

Để giải quyết tồn tại trên, việc sử dụng tổng hợp các giải pháp và việc phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc phòng chống các loại hàng giả, hàng nhái và hàng xâm phạm QSHTT là rất cần thiết và cấp bách. Theo đó, phải áp dụng cả các giải pháp, biện pháp về tuyên truyền phổ biến luật pháp về SHTT, nâng cao nhận thức của cả người sản xuất và người tiêu dùng, tăng cường các biện pháp xử lý về luật pháp, về kinh tế, về dân sự, hành chính để công tác phòng ngừa, đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm QSHTT ngày một đạt hiệu quả tốt.

Đồng thời, nâng cao nhận thức của công chúng về quyền và yêu cầu thực thi QSHTT, những lợi ích xã hội về việc tôn trọng và thực thi QSHTT, quyền tác giả, bản quyền, nhãn hiệu hàng hóa…cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan như thanh tra chuyên ngành, quản lý thị trường, hải quan, tòa án…, để thực thi các biện pháp hành chính, các biện pháp tư pháp về dân sự, hình sự, kinh tế.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý chặt chẽ về quy trình sản xuất hàng hóa và hệ thống phân phối để chủ động phát hiện, ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm QSHTT; Thường xuyên cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng khi phát hiện hàng giả, hàng xâm phạm QSHTT để kịp thời kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.