Những chiến lược mới trong chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế

Theo Khánh An/qdnd.vn

Ngày 26/5, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Những chiến lược mới trong chống dịch và phát triển kinh tế”.

Các đại biểu tham gia tọa đàm.
Các đại biểu tham gia tọa đàm.

Tham dự tọa đàm có Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc; Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng; nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng và ông Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV.

Nhấn mạnh tại tọa đàm, các ý kiến đều cho rằng, cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo diễn ra sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII được kỳ vọng sẽ tiếp tục đưa đất nước phát triển, nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế, hiện thực hóa khát vọng "Việt Nam hùng cường" vào giữa thế kỷ 21.

Phân tích rõ điều này, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Sự chuyển giao các thế hệ lãnh đạo từ sau Đại hội Đảng đã diễn ra trong bối cảnh mà như Tổng Bí thư nói rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được vị thế như hiện nay”. Có thể nói rằng vận nước của chúng ta đang lên, niềm tin của nhân dân đang được củng cố và nước ta đã kế thừa được những thành quả phát triển, tăng trưởng của những năm đổi mới.

“Dịch Covid-19 cũng một lần nữa cho thấy sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm của toàn dân. Một lần nữa, khả năng chống chịu của nền kinh tế đã khẳng định và Việt Nam trở thành một trong những điển hình thành công của phòng chống Covid-19, điển hình thành công tăng trưởng trong khó khăn. Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, tin cậy, sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư kinh doanh nước ngoài….Tôi cho rằng, đó là bối cảnh hết sức thuận lợi cho các thế hệ lãnh đạo, cho Chính phủ mới trong chặng đường sắp tới”, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ.

Bổ sung vào nhận định này, ông Nguyễn Sỹ Dũng khẳng định: Sự ổn định, đó là một thế mạnh rất lớn của mô hình thể chế chính trị của đất nước ta. Không một đất nước nào có thể phát triển kinh tế vững mạnh, hùng cường được nếu không có sự ổn định. “Trong sự ổn định đó có ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng quan trọng hơn là ổn định chính trị-xã hội. Đó là nền tảng mà chúng ta có được trong một thời gian rất dài, nền tảng để kinh tế phát triển và tiếp tục là nền tảng rất quan trọng”- ông Nguyễn Sỹ Dũng nêu rõ.

Nhìn ở khía cạnh khác, các đại biểu cho rằng, việc chuyển tiếp, tiếp quản công tác chỉ đạo điều hành về kinh tế-xã hội giữa hai nhiệm kỳ Chính phủ diễn ra và hoàn thành đúng lúc dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Điều này đặt ra những thách thức rất lớn cho Chính phủ hiện nay. Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, niềm tin rất lớn của người dân dành cho Chính phủ và cho các bộ, ngành địa phương hiện này là làm thế nào để bảo đảm nhịp điệu tăng trưởng; để người dân tiếp tục tin tưởng, đồng lòng trong cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19…

Nói nhiều hơn về thách thức, ông Nguyễn Sỹ Dũng đề cập tới việc cần có được một chương trình tiêm chủng đat hiệu quả càng nhanh càng tốt. Đây là điều kiện tiên quyết nhất để bảo vệ sức khỏe, đời sống của nhân dân, tạo khuôn khổ, tạo môi trường phát triển kinh tế. Cái đó rất quan trọng và phải là ưu tiên số 1 của Chính phủ vào thời điểm này.

Đề cập tới các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới, các đại biểu cũng nhấn mạnh tới nhiệm vụ thúc đẩy cải cách thể chế, coi thể chế là nền tảng. Cùng với đó, theo đại biểu Lê Thanh Vân phải xem xét khả năng kiểm soát dịch bệnh. Nếu chúng ta kiểm soát được dịch Covid-19, mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2021 đạt 6,7% có cơ sở khả thi.

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng cho rằng, thời gian tới, Quốc hội và Chính phủ cần rà soát lại thể chế về tổ chức, làm sao đột phá được khâu bộ máy, liên thông, xuyên suốt, hệ thống cấu trúc phải chặt chẽ để không có tình trạng “trên bảo dưới không nghe, trên nóng dưới lạnh”.

Cùng với đó, rà soát lại các quy định về đầu tư công; rà soát lại các điểm nghẽn trong chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để khơi thông các dòng vốn, huy động tối đa nguồn lực cho xây dựng và phát triển đất nước; rà soát lại các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là đề cao trách nhiệm người đứng đứng đầu trong việc trọng dụng hiền tài, bảo vệ người dám nghĩ dám làm…