Những chiêu thức "lùa gà" trên thị trường chứng khoán
Thời gian qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, các hiện tượng lừa đảo ngày càng nở rộ và trở nên tinh vi hơn.
Tuyệt chiêu "lùa gà" trong nhóm chứng khoán
Thời gian qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán các hiện tượng lừa đảo ngày càng nở rộ và trở nên tinh vi hơn.
Người dân liên tục nhận được các cuộc gọi từ các số lạ để chào mời khách hàng quan tâm về đầu tư tham gia các nhóm trên mạng xã hội để chia sẻ miễn phí về kiến thức kinh tế, đầu tư chứng khoán...
Đặc biệt, trong thời gian thị trường chứng khoán lao dốc, rất nhiều nhà đầu tư đã bị mất tiền lớn. Các đối tượng lừa đảo đã nắm bắt được tâm lý này nên thường xuyên lên mạng xã hội chia sẻ bài viết, livestream khoe lãi và tỏ ra mình là người am hiểu, đi ngược thị trường và có thể kiếm được lợi nhuận trong khi thị trường đang trong xu hướng giảm điểm.
Các nhóm đối tượng lừa đảo thường sử dụng các chiêu thức đánh vào lòng tham của các nhà đầu tư như: Khoe số tài khoản ngân hàng với số dư khủng nhờ đầu tư cổ phiếu, trái phiếu; lan truyền sự giàu có như nhiều tiền, đi xe sang, mua sắm đồ hiệu, đi ăn, đi chơi tại những nơi đắt tiền và mong muốn truyền lửa, năng lượng tích cực đến cộng đồng.
Tiếp đến, các đối tượng thường xây dựng mạng lưới, cộng đồng trên mạng xã hội để dụ dỗ người tham gia chia sẻ kiến thức và chia sẻ cơ hội. Các đối tượng thường lập nhóm trên zalo, thậm chí là Telegram (có chức năng mã hóa đầu cuối cuộc trò chuyện) để hoạt động bí mật.
Trong các nhóm này, các đối tượng lừa đảo xây dựng lên một hình tượng người thầy tài giỏi (ví như vừa học ở Mỹ về) lên livestream chia sẻ về thị trường tài chính. Tuy nhiên, người thầy này cũng chỉ xào xáo các thông tin trên báo chí, mạng xã hội và thiết lập thành bản trình chiếu "slide powerpoint" chia sẻ và dự đoán thị trường và đưa ra khuyến nghị cho các nhà đầu tư trong những buổi livestream vào các buổi tối. Điều đặc biệt là vị thầy này không bao giờ lộ diện hình ảnh thật mà thay vào đó chỉ là hình ảnh bài giảng.
Hằng ngày, các đối tượng "chim mồi" liên tục khoe tài khoản lãi (thậm chí dùng photoshop) trong nhóm và cảm ơn thầy như "thánh sống". Ước tính, số lượng chim mồi cũng chiếm quá nửa thành viên.
Để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, một số đối tượng đóng vai là khách hàng mới chơi sẽ kết bạn với người mới để dò hỏi thông tin như: đã chơi lâu chưa, đầu tư mã nào, đang lãi hay lỗ... Những đối tượng này sẽ ngầm nói tốt về thầy như: bạn mình vừa được thầy giúp nên mới "về bờ" được; đang phân vân chưa biết chọn mã nào.
Trong nhóm sẽ có vài đối tượng đóng vai là trợ lý của thầy để hỗ trợ, giúp đỡ "con gà" mới lùa được. Những trợ lý này sẽ "phím hàng" theo kiểu là tin nguồn, tin mật, tin nội bộ hay những những chính sách ưu ái chỉ riêng cho mối quan hệ của thầy. Theo tìm hiểu, hình ảnh zalo, thông tin cá nhân, thậm chí cả clip cũng được làm ảo hoặc ăn cắp từ tài khoản mạng xã hội người khác.
Sau khi đã tạo được niềm tin với khách hàng, những trợ lý này sẽ đưa ra các cơ hội đầu tư. Ví dụ như cơ hội mua cổ phiếu ESOP (cổ phiếu được các doanh nghiệp lớn phát hành dành cho người lao động hoạt động) mà chỉ vị thầy này có mối quan hệ mới được mua. Các đối tượng tạo ra sự khan hiếm và thời gian gấp rút như: số lượng chỉ có hạn, thời gian ngắn nếu không mua sớm sẽ hết.
Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo còn ngang nhiên mạo danh các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Họ sử dụng hình ảnh logo, website có tên miền giống hệt với tổ chức bị mạo danh, chỉ khác một số ký tự nên khách hàng không có kinh nghiệm sẽ rất dễ bị lừa. Những phương thức, thủ thuật "lùa gà" cũng tương tự như trên.
Theo tìm hiểu, đã nhiều nhà đầu tư F0 chưa có kinh nghiệm đầu tư, chưa tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường, sàn, công ty sở hữu mã cổ phiếu đã nhanh chóng xuống tiền. Nguy hại nhất là việc nhà đầu tư không phân biệt được đâu là website của công ty chứng khoán hay nhân viên chứng khoán nên cứ nghe theo các đối tượng lừa đảo, dẫn đến mất số tiền rất lớn.
Chị L.T.H (Ninh Bình) là một nạn nhân của phương thức lừa đảo này. Nhóm đối tượng lừa đảo đã sử dụng hình ảnh Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI Securities) và mời khách hàng vào trang website csi-securities.vip/wap. Sau đó, nhóm đối tượng này lập nhóm Telegram và trao đổi kiến thức về chứng khoán cũng như cơ hội đầu tư.
Nhóm này đưa ra các gói cổ phiếu thưởng để khách hàng lựa chọn đầu tư như: TCB, CSI, VNM. Theo đó, mã TCB mức vốn tối thiểu là 10 triệu đồng, mã CSI mức vốn để tham gia là 80 triệu đồng, mã VNM mức vốn tối thiểu là 300 triệu đồng. Các đối tượng liên tục hứa lợi nhuận có thể đạt đến 30%.
Trước những lời dụ dỗ hấp dẫn, chị H. đã nạp vào tổng số tiền 200 triệu qua nhiều đợt, qua nhiều tài khoản người nhận khác nhau. Khi đầu tư một thời gian, chị H. muốn rút tiền về thì không thể thực hiện được. Sau đó các đối tượng đã xóa nhóm Telegram và tắt liên lạc.
Hiện nay, số lượng nạn nhân bị lừa đảo như chị H. là rất lớn. Tuy nhiên, đây là những hình thức lừa đảo qua mạng xã hội, các đối tượng giấu mặt và xóa dấu vết nhanh chóng nên nhà đầu tư đã xuống tiền gần như sẽ bị mất trắng. Trong khi đó, các đối tượng lừa đảo tiếp tục biến hình và tiếp tục đi lùa những "con gà" khác.
Liên tục cảnh báo
Vấn đề lừa đảo đã trở thành vấn nạn và đã được các công ty chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lên tiếng cảnh báo.
Cụ thể, Công ty cổ phần chứng khoán Đà Nẵng (DSC) đã phải đăng tải trên website dsc.com.vn về việc bị các đối tượng lừa đảo mạo danh.
"Thời gian gần đây, DSC đã nhận được nhiều thông tin phản hồi của quý khách hàng về việc một số cá nhân, tổ chức mạo danh/lừa đảo, thường thông qua các ứng dụng nhắn tin/mạng xã hội Telegram, Facebook, Website, các trang mạng xã hội khác…. liên hệ, kêu gọi đầu tư, tham gia khóa học liên quan đến chứng khoán nhằm mục đích trục lợi bất hợp pháp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng và hình ảnh của DSC", DSC cảnh báo.
Bên cạnh đó, hàng loạt các công ty chứng khoán khác cũng bị các đối tượng khác mạo danh như Công ty Cổ phần Kinh doanh Chứng khoán Sài Gòn (SSI); Công ty Cổ phần Chứng khoán Hòa Bình (HBS).
Bên cạnh đó, các công ty quỹ cung bị mạo danh. Sự việc nghiêm trọng đến mức Ủy ban Chứng khoán đã phải lên tiếng cảnh báo rằng, thời gian qua, thị trường chứng khoán đã nổi lên hàng loạt các hình lừa đảo. Cụ thể các đối tượng đã sử dụng tên, logo, thông tin của một số công ty quản lý quỹ (Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam, Công ty Cổ phần Quản lý quỹ VinaCapital…) để lập các website, tài khoản facebook, telegram… nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tháng 1/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cảnh báo tới nhà đầu tư về hoạt động cung cấp dịch vụ về chứng khoán trên không gian mạng. Theo đó, một số doanh nghiệp có dấu hiệu thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến và dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán thông qua hệ thống website và các app giao dịch (Công ty Cổ phần Đầu tư Con Đường Xanh (Greenway Investment) với website “www.greenstock.vn” và ứng dụng “Greenstock”,…), khi không được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Trước đó, đợt tháng 10/2022, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng khuyến cáo nhà đầu tư về việc một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch (Passion Invest, Tikop, Infina, Savenow, BUFF…) quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ để huy động vốn của nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tin tưởng rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có một năm 2023 trở lại mạnh mẽ và phát triển cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô hiệu quả của Chính phủ...
Để thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, thiết nghĩ cần có những biện pháp mạnh tay hơn nữa để ngăn chặn những sai phạm và vấn nạn lừa đảo trên thị trường chứng khoán.