Tác động của FDI, độ mở thương mại và di cư đến bất bình đẳng thu nhập tại các quốc gia đang phát triển

Tô Thị Hồng Gấm, Nguyễn Mậu Bá Đăng, Nguyễn Vũ Duy - Trường Đại học Tài chính – Marketing

Nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), độ mở thương mại và di cư đến bất bình đẳng thu nhập ở các nền kinh tế đang phát triển thông qua dữ liệu mẫu 36 quốc gia đang phát triển trong giai đoạn 2008-2020 theo cách tiếp cận Bayes. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, FDI di cư có tác động cùng chiều với bất bình đẳng thu nhập trong khi mối quan hệ giữa độ mở thương mại và bất bình đẳng thu nhập là ngược chiều. Từ đó, nghiên cứu đưa ra một số hàm ý chính sách đối với các quốc gia đang phát triển trong việc cải thiện tình trạng bất bình đẳng thu nhập khi theo đuổi chính sách thu hút vốn FDI.

Giới thiệu

Bất bình đẳng thu nhập lâu nay được cho là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy xung đột giai cấp, sắc tộc (Abdullah và cộng sự, 2015). Chính vì thế, việc giải quyết vấn đề này được coi là mối quan tâm xã hội cốt lõi ở tất cả quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển do tính dễ tổn thương của các quốc gia này.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mở cửa thương mại và thúc đẩy nguồn lao động di cư dường như là giải pháp để cải thiện tình trạng trên. Tuy nhiên, các nghiên cứu thực nghiệm lại đưa ra nhiều kết luận khác nhau về tác động của ba yếu tố này đến bất bình đẳng thu nhập.

Vì vậy, nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu này với một cách tiếp cận mới là phương pháp Bayes nhằm kiểm định lại tác động của ba yếu tố FDI, độ mở thương mại và di cư đến bất bình đẳng thu nhập tại các nước đang phát triển.

Mô hình và phương pháp nghiên cứu

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, tác giả đưa ra mô hình hồi quy như sau:

GINIit =β0 + β1*FDIit + β2*TRDit + β3*MIGit + βx*Xit + eit (1)

Trong mô hình nghiên cứu trên, chỉ số i nhận các giá trị 1,2,…,n; t có giá trị là 1,2,…,t (với i là đại diện cho quốc gia và t là thời điểm quan sát trong mô hình theo năm từ 2008 đến năm 2020). Các biến trong mô hình được mô tả ở Bảng 1.

Bảng 1: Tóm tắt các biến trong mô hình nghiên cứu

Tên biến

Ký hiệu

Đo lường

Nguồn

Kỳ vọng

Nghiên cứu kế thừa

Biến phụ thuộc

Bất bình đẳng thu nhập

GINI

Hệ số GINI

WDI, SWIID

+

Nguyen (2021)

Biến độc lập

Đầu tư trực tiếp nước ngoài

FDI

Nguồn vốn FDI ròng/GDP

WDI

+

Song và cộng sự (2021)

Độ mở thương mại

TRD

(Xuất khẩu + Nhập khẩu)/GDP

WDI

   

WITS

-

Mahesh (2016)

     

Di cư

MIG

Di cư ròng/Tổng dân số

WDI

+

Istiqomah và cộng sự (2020)

Biến kiểm soát

Thể chế

GI

Bộ 6 chỉ số của WGI

WGI

+

Xu và cộng sự (2021)

Lực lượng lao động

LAB

Lực lượng lao động/ tổng dân số trên 15 tuổi trở lên

WDI

+

Gopinath & Chen (2003)

Lạm phát

INF

Lạm phát

WDI

-

Kim (2022)

Phát triển tài chính

PRVT

Tín dụng trong nước cho khu vực tư nhân/GDP

WDI

+

Rezk và cộng sự (2022)

Hạ tầng

TEL

Thuê bao điện thoại cố định/Tổng dân số

WDI

-

Mallick và cộng sự (2020)

Thất nghiệp

UNE

Thất nghiệp/Tổng lực lượng lao động

WDI

+

Munir & Bukhari (2019)

Kiều hối

REM

Kiều hối cá nhân, nhận được/GDP

WDI

-

Acosta và cộng sự (2008)

Tự do kinh tế

IEF

Hệ số tự do kinh tế

The Heritage Foundation

+

Zulfiu Alili & Adnett (2018)

Số hóa

NET

Cá nhân sử dụng Internet/tổng dân số

WDI

-

Mohd Daud và cộng sự (2021)

Chi tiêu chính phủ

GEG

Chi tiêu của chính phủ/GDP

WDI

+

Kim (2022)

Giáo dục

EDU

Tỷ lệ ghi danh đi học, tiểu học/Dân số của nhóm tuổi

WDI

+

Zulfiu Alili & Adnett (2018)

Tăng trưởng kinh tế

GDP

Tăng trưởng GDP bình quân đầu người

WDI

-

Brueckner và cộng sự (2015)

Nguồn: Tác giả tự tổng hợp

Để phân tích hồi quy tác động của các biến độc lập lên bất bình đẳng thu nhập, nhóm tác giả tiếp cận bằng phương pháp Bayes do phương pháp này có những ưu điểm sau: i) Không cần phải dựa trên giả định các mẫu quan sát phải lặp lại liên tục, các hệ số hồi quy trong mô hình Bayes là một đại lượng ngẫu nhiên (Briggs và Nguyen, 2019); ii) Có thể khắc phục được các khuyết tật mô hình như tự tương quan, phương sai thay đổi, nội sinh (Ramírez Hassan và Montoya Blandón, 2019).

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Phân tích Bayes được mô phỏng thông qua chuỗi MCMC do vậy, để đảm bảo tính vững của hồi quy Bayes thì chuỗi MCMC phải hội tụ. Nikolay Balov (2017) đề xuất kiểm định tính hội tụ thông qua tỷ lệ chấp nhận, hiệu quả nhỏ nhất. Từ Bảng 2 có thể thấy, tỷ lệ chấp nhận của mô hình đạt 1, hiệu quả nhỏ nhất là 0,2173 vượt xa mức cho phép là 0,01 do đó mô hình trên đạt yêu cầu về hội tụ.

Bảng 2: Kết quả Hồi quy Bayes

 

Giá trị trung bình

Xác suất trung bình hậu nghiệm

FDI

0.141456

0.568167

TRD

-0.079243

0.773667

MIG

1.584512

0.586867

GI

0.002568

0.546370

LAB

0.282413

0.729857

INF

-0.010605

0.506600

PRVT

0.049163

0.665767

TEL

-0.255938

0.728833

UNE

0.339021

0.716833

REM

-0.161321

0.594733

IEF

0.023493

0.614900

NET

-0.057862

0.626167

GEG

0.732319

0.722733

EDU

0.258172

0.749700

GDP

-0.050848

0.525900

_cons

-0.219422

0.614233

var

0.446596

 

Tỷ lệ chấp nhận

1

Hiệu quả nhỏ nhất

0.2173

Nguồn: Tính toán của tác giả

Kết quả hồi quy các biến độc lập tác động đến bất bình đẳng thu nhập đúng với kỳ vọng ban đầu, và đã được chứng minh trong các nghiên cứu kế thừa tại Bảng 1. Ngoài ra, xác suất trung bình xảy ra các biến cố đều lớn hơn 50%, nên chiều hướng tác động của các biến độc lập và biến kiểm soát đến bất bình đẳng thu nhập có xác suất xảy ra lớn hơn so với chiều hướng ngược lại. Trong đó, tác động của 3 biến độc lập cụ thể như sau:

- Hệ số hồi quy của FDI mang dấu dương với xác suất 56.82%, nghĩa là FDI làm gia tăng GINI. Điều này xảy ra có thể là do FDI tập trung vào một ngành hoặc khu vực cụ thể, nơi nó chỉ mang lại cơ hội việc làm cho lao động có kỹ năng, do đó, dòng vốn FDI có thể làm tăng chênh lệch thu nhập ở các nền kinh tế đang phát triển này. Ngoài ra, các doanh nghiệp có vốn FDI thường trả lương cao lơn cho nhân công so với các doanh nghiệp địa phương nhằm giữ chân người lao động, làm cho chênh lệch thu nhập của người lao động cũng tăng lên. Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu của Song và cộng sự (2021).

- Độ mở thương mại (TRD) tác động âm đến sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập với xác suất là 77.37%. Kết quả này phù hợp với định lý Stolper - Samuelson, vốn là định lý bắt nguồn từ mô hình thương mại Hecksher - Ohlin (HO), theo đó việc mở rộng ngoại thương sẽ cải thiện phân phối thu nhập ở các nước đang phát triển vì nó sẽ làm tăng tiền lương của những người lao động không có kỹ năng trong khi nó sẽ làm giảm tiền lương của những người lao động có kỹ năng. Định lý này đã được chứng minh ở nghiên cứu của Mahesh (2016).

- Di cư (MIG) có tác động thuận chiều với GINI với xác suất là 58.69%, nghĩa là việc di cư có thể đẩy bất bình đẳng thu nhập lên cao hơn. Điều này được lập luận là do chi phí di cư ban đầu cao ở những cộng đồng thiếu kinh nghiệm di cư nên chỉ những gia đình có mức thu nhập tương đối cao mới có khả năng gửi các thành viên ra nước ngoài. Sau này cũng chính những gia đình này mới được hưởng lợi từ kiều hối, nên sự bất bình đẳng sẽ gia tăng. Điều này đã được chứng minh ở các nghiên cứu thực nghiệm của Istiqomah và cộng sự (2020).

Hàm ý chính sách

Kết quả nghiên cứu cho thấy FDI là nhân tố có tác động đến việc làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập tại các nước đang phát triển. Do vậy, hàm ý chính sách đặt ra đối với các quốc gia đang phát triển là cần phải có chiến lược cụ thể liên quan đến việc cải thiện tình trạng bất bình đẳng thu nhập khi theo đuổi chính sách thu hút FDI. Theo đó các giải pháp thu hút FDI cần gắn liền với mục tiêu giảm bất bình đẳng.

Thứ nhất, độ mở thương mại được chứng minh có tác động làm giảm bất bình đẳng thu nhập nên các quốc gia đang phát triển có thể đẩy mạnh triển khai những chính sách khuyến khích xuất nhập khẩu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, do chi phí di cư cao nên việc lựa chọn di cư thường ở các hộ gia đình có thu nhập trung bình cao, từ đó dẫn đến những hộ này mới nhận được nguồn kiều hối nên càng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập. Như vậy, các quốc gia đang phát triển cần có những biện pháp nhằm mở rộng mạng lưới di cư hợp pháp. Một mặt có thể bảo vệ được quyền lợi của người di cư, mặt khác nhằm giảm bớt chi phí di cư (trong đó có chi phí di chuyển, chi phí thông tin…). Điều này sẽ tạo cơ hội cho người lao động thuộc gia đình có thu nhập thấp có thể ra nước ngoài làm việc và gửi kiều hối về sau này, từ đó sẽ cải thiện được tình trạng bất bình đẳng thu nhập.

Tài liệu tham khảo:

  1. Abdullah, A., Doucouliagos, H., & Manning, E. (2015), Does Education Reduce Income Inequality? A Meta-Regression Analysis. Journal of Economic Surveys, 29(2), 301–316. https://doi.org/10.1111/joes.12056;
  2. Briggs, W. M., & Nguyen, H. T. (2019), Clarifying ASA’s View on P-Values in Hypothesis Testing;
  3. Brueckner, M., Dabla Norris, E., & Gradstein, M. (2015). National income and its distribution. Journal of Economic Growth, 20(2), 149–175. https://doi.org/10.1007/s10887-015-9113-4;
  4. Istiqomah, I., Purnomo, S. D., Rahmawati, G. P., & Rahmawan, P. G. (2020), Does Migration Outflow Reduce Income Inequality in the Sending Province? Economics Development Analysis Journal, 9(2), Article 2. https://doi.org/10.15294/edaj.v9i2.38430;
  5. Kim, H. (2022), The Effects of Globalization and Democratization on Inequality in South Korea The Effects of Globalization and Democratization on Inequality in South Korea. Korea Observer - Institute of Korean Studies, 53. https://doi.org/10.29152/KOIKS.2022.53.3.471;
  6. Mahesh, M. (2016), The Effect of Trade Openness on Income Inequality: Evidence from Developing Countries (SSRN Scholarly Paper No. 2736721). https://doi.org/10.2139/ssrn.2736721;
  7. Munir, K., & Bukhari, M. (2019), Impact of globalization on income inequality in Asian emerging economies. International Journal of Sociology and Social Policy, 40(1/2), 44–57. https://doi.org/10.1108/IJSSP-08-2019-0167;
  8. Rezk, H., Amer, G., Fathi, N., & Sun, S. (2022), The impact of FDI on income inequality in Egypt. Economic Change and Restructuring, 55(3), 2011–2030. https://doi.org/10.1007/s10644-021-09375-z;
  9. Song, Y., Paramati, S. R., Ummalla, M., Zakari, A., & Kummitha, H. R. (2021), The effect of remittances and FDI inflows on income distribution in developing economies. Economic Analysis and Policy, 72, 255–267. https://doi.org/10.1016/j.eap.2021.08.011.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 7/2023