Những đổi mới về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập

pv.

(Tài chính) Xuất phát từ tầm quan trọng của việc đổi mới khu vực sự nghiệp công, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Nghị định 43 theo hướng ban hành một Nghị định khung quy định các vấn đề chung về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập với nhiều điểm mới so với Nghị định 43 trước đây.

Nghị định số 16/2015/NĐ-CP có nhiều điểm mới về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Nguồn: internet
Nghị định số 16/2015/NĐ-CP có nhiều điểm mới về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Nguồn: internet
Tự chủ thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và nhân sự

Nghị định 16 quy định, đơn vị sự nghiệp công lập được quyết định các biện pháp thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch của đơn vị, kế hoạch của cơ quan cấp trên giao, đảm bảo chất lượng, tiến độ; tham dự đấu thầu các hoạt động dịch vụ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đơn vị sự nghiệp công được cấp có thẩm quyền giao; liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội theo quy định của pháp luật...

Đơn vị được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị không thuộc cơ cấu tổ chức các đơn vị cấu thành theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, khi đáp ứng các tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; xây dựng phương án sắp xếp lại các đơn vị cấu thành trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Riêng đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên phải xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của đơn vị trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. 

Đồng thời, đơn vị diện này sẽ xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và quản lý viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật; thuê hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ. Đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên quyết định số lượng người làm việc; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên đề xuất số lượng người làm việc của đơn vị trình cơ quan có thẩm quyền quyết định; đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên đề xuất số lượng người làm việc trên cơ sở định biên bình quân 05 năm trước và không cao hơn số định biên hiện có của đơn vị, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định (đối với các đơn vị sự nghiệp mới thành lập, thời gian hoạt động chưa đủ 05 năm thì tính bình quân cả quá trình hoạt động).

Về giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp  

Giá, phí là vấn đề hết sức quan trọng để đơn vị sự nghiệp công lập có thể tiến tới hạch toán đầy đủ, từ đó chuyển sang cơ chế tự chủ ở mức cao hơn, từ đó nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công một cách bền vững; đồng thời, đây cũng là điểm quan trọng thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, tạo điều kiện thu hút thêm các nhà đầu tư từ các thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên, đây lại là nội dung mà Nghị định 43 chưa giải quyết.

Để khắc phục, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP đã quy định cụ thể về giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, danh mục dịch vụ sự nghiệp công; đồng thời phân định dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN và dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí NSNN. Theo đó, đối với loại dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí NSNN thì đơn vị sự nghiệp được tự xác định giá dịch vụ theo nguyên tắc thị trường. Đối với loại dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN thì Nhà nước ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công và Nhà nước định giá; đồng thời quy định lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công để phù hợp với khả năng của NSNN và thu nhập của người dân. Để tạo điều kiện cho các đơn vị có điều kiện vươn lên nhanh hơn, Nghị định cũng quy định, căn cứ vào tình hình thực tế, các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện trước lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công. Đối với một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục phí được thu phí theo các quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập

Nghị định 16 đã quy định tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp theo các mức độ khác nhau trên nguyên tắc đơn vị tự chủ cao về nguồn tài chính thì được tự chủ cao về quản lý, sử dụng các kết quả tài chính và ngược lại. Quy định này nhằm khuyến khích các đơn vị tự chủ thấp phấn đấu tăng nguồn thu để được mức tự chủ cao hơn.

Theo đó, Nghị định quy định tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp theo các mức độ: Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (do giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa kết cấu đủ chi phí, được Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá, phí chưa tính đủ chi phí); Tự chủ tài chính đối với đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp).

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định chi tiết về quyền tự chủ trong chi đầu tư và chi thường xuyên; về chi tiền lương và thu nhập tăng thêm; về trích lập các Quỹ; tự chủ trong giao dịch tài chính và cho phép đơn vị sự nghiệp công lập được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp.

Cơ cấu và phương thức đầu tư của NSNN

Theo Nghị định 16, với dịch vụ công không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thì các đơn vị cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công không nằm trong danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước do Nhà nước quy định, phải tự cân đối thu, chi; NSNN không hỗ trợ.

Đối với dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thì việc hỗ trợ từ NSNN gắn với số lượng, chất lượng sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công được cung cấp thông qua phương thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị. Đối với đơn vị được Nhà nước giao cung cấp dịch vụ công theo giá, phí chưa tính đủ chi phí: sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chi phí chưa kết cấu trong giá, phí dịch vụ sự nghiệp công. Ngân sách nhà nước chỉ đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên đối với đơn vị được Nhà nước giao dự toán theo nhiệm vụ, trên cơ sở số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt và định mức phân bổ dự toán được cấp có thẩm quyền quyết định.

Đồng thời Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách (người có công, người nghèo...) sử dụng dịch vụ sự nghiệp công, phù hợp với lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công. Theo đó sẽ từng bước thu hẹp đối tượng, phạm vi các đơn vị sự nghiệp công lập được hỗ trợ chi thường xuyên từ NSNN so với hiện nay; chỉ có dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN mới được Nhà nước hỗ trợ kinh phí.

Công tác quản lý nhà nước đối với dịch vụ sự nghiệp công và đơn vị sự nghiệp công lập

Nghị định quy định giao các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực căn cứ các quy định tại Nghị định này để xây dựng và trình Chính phủ sửa đổi, ban hành các Nghị định về cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập ở 7 lĩnh vực (y tế; giáo dục đào tạo; dạy nghề; văn hóa, thể thao và du lịch; khoa học và công nghệ; thông tin truyền thông và báo chí; sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác).

Giao các Bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản: (i) Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc lĩnh vực quản lý; (ii) Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; (iii) Định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành các dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước quản lý; (iv) Tiêu chí, tiêu chuẩn dịch vụ sự nghiệp công; (v) Cơ chế đặt hàng, đấu thầu dịch vụ sự nghiệp công... Đồng thời có trách nhiệm tổ chức, sắp xếp, chuyển đổi, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp trực thuộc...