Những giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển trong năm 2014 (*)
(Tài chính) Để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và thị trường chứng khoán (TTCK), trên cơ sở tăng quy mô, chất lượng hoạt động thị trường, góp phần phát triển ổn định, công khai, minh bạch, bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cần đưa ra các giải pháp hoàn thiện khung pháp lý, thể chế, chính sách đối với TTCK trong năm 2014.
Nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN: Xem xét tháo gỡ khó khăn cho việc phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá trên cơ sở ý kiến của đại hội đồng cổ đông về giá phát hành dưới mệnh giá, đồng thời DN vẫn phải tuân thủ các điều kiện phát hành ra công chúng và một số điều kiện quy định khác; Xem xét tháo gỡ cho DN trong vấn đề huy động vốn qua phát hành trái phiếu; Sớm xây dựng tổ chức định mức tín nhiệm, triển khai sản phẩm quỹ hưu trí và các sản phẩm mới về trái phiếu;
Nhóm giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thay thế Quyết định 55/TTg theo hướng: đối với công ty niêm yết cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tối đa 60% cổ phiếu không có quyền biểu quyết của công ty niêm yết có nhu cầu huy động vốn nước ngoài được đại hội đồng cổ đông thông qua, ngoại trừ các trường hợp quy định quy định pháp luật chuyên ngành hoặc các cam kết quốc tế Việt Nam chưa cho phép.
Đối với cổ phiếu không có quyền biểu quyết phát hành theo Luật DN thì không hạn chế sở hữu nước ngoài, hướng tới cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ các chứng chỉ lưu ký cổ phiếu không có quyền biểu quyết (NVDR).
Đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán thì bên cạnh việc cho phép tổ chức đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm được tham gia góp vốn, mua cổ phần để thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài dưới hình thức TNHH hoặc cổ phần tại Việt Nam theo cam kết WTO và Nghị định 58/2012/NĐ-CP, cần hướng tới cho phép tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài mua, nắm giữ cổ phần trên 49% đến 100% đối với các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ hiện nay;
Nhóm các giải pháp hỗ trợ thanh khoản và thuế: Xem xét triển khai các ưu đãi thuế đối với các loại hình quỹ đầu tư mới (quỹ mở, quỹ đầu tư bất động sản), công ty đầu tư chứng khoán, quỹ hưu trí tự nguyện nhằm phát triển loại hình đầu tư có tổ chức, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; Kéo dài thời gian giao dịch đến trong phiên buổi chiều, đưa vào áp dụng một số loại lệnh giao dịch mới nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và góp phần tăng thanh khoản;
Nhóm giải pháp về tạo hàng hóa, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước: Tiếp tục thúc đẩy cổ phần hóa, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tổ chức có nhu cầu đầu tư lâu dài; xây dựng cơ chế chào bán theo nhiều phương thức linh hoạt và cơ chế thoái vốn linh hoạt của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong các công ty cổ phần;
Nhóm giải pháp triển khai các sản phẩm mới: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về thuế, phí lệ phí, hệ thống giao dịch, chế độ tài chính, kế toán nhằm thúc đẩy các loại hình quỹ mới như quỹ mở, quỹ ETF, quỹ bất động sản, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ hưu trí nhằm thu hút đầu tư và tăng thanh khoản, tăng sức cầu; Triển khai áp dụng có lộ trình chế độ kế toán áp dụng cho các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; Xây dựng các chuẩn mực về kế toán và báo cáo tài chính áp dụng cho thị trường vốn;
Nhóm các giải pháp về tái cấu trúc thị trường: Xây dựng Đề án TTCK phái sinh và Nghị định hướng dẫn tổ chức và hoạt động TTCK phái sinh trình Thủ tướng Chính phủ; Xây dựng Đề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Việt Nam trên cơ sở hợp nhất các SGDCK TP.Hồ Chí Minh và SGDCK Hà Nội.
(*) Bài đăng trên Đặc san Đối ngoại Kinh tế - Tài chính 2013 của Bộ Tài chính. Tít bài do FinancePlus.vn đặt.