Những kết quả tích cực trong tái cơ cấu nền kinh tế

Hồng Nhung

(Tài chính) Tái cơ cấu nền kinh tế là một trong những ưu tiên quan trọng nhất nhằm đưa nền kinh tế phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển ổn định. Với những chính sách quyết liệt và mạnh mẽ của Nhà nước cùng với sự quyết tâm của các bộ ban ngành, trong thời gian qua, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.

Những kết quả tích cực trong tái cơ cấu nền kinh tế
Hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước đã được cải thiện rõ rệt. Nguồn: internet

Theo đó, trong thời gian qua, Chính phủ đã tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện Đề án tổng thể đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương đã tích cực xây dựng và triển khai các đề án, chương trình hành động; rà soát nâng cao chất lượng quy hoạch; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, sản phẩm, thị trường.

Về tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công: Đã điều chỉnh cơ cấu và cơ chế phân bổ vốn đầu tư; tập trung vốn cho các công trình, dự án quan trọng, cấp thiết và vốn đối ứng cho các dự án ODA. Kiểm soát chặt chẽ các dự án, công trình khởi công mới, khắc phục một bước tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Thực hiện cơ chế quản lý, cân đối vốn đầu tư theo kế hoạch trung hạn. Hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý đầu tư, bảo đảm quản lý thống nhất của trung ương, tăng cường trách nhiệm của địa phương và chủ đầu tư. Đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội. Tỷ trọng vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng từ 61,3% giai đoạn 2006 - 2010 lên 62,6% giai đoạn 2011 - 2013.

Về tái cơ cấu tài chính, tín dụng, trọng tâm là các ngân hàng thương mại: Nhờ có các giải pháp đồng bộ trong việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, hoạt động của hệ thống ngân hàng được kiểm soát và bảo đảm an toàn, các ngân hàng yếu kém được cơ cấu lại.

Theo báo cáo, trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013, đã có 3 chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị rút giấy phép, 5 tổ chức tín dụng được sáp nhập, hợp nhất và giải thể, cổ phần hóa 4 ngân hàng thương mại nhà nước; Chuyển Quỹ Tín dụng Nhân dân Trung ương thành Ngân hàng Hợp tác xã. Nhờ vậy, thanh khoản trong các tổ chức tín dụng được cải thiện rõ rệt, sức cạnh tranh của nhiều ngân hàng thương mại được nâng lên.

Bên cạnh đó, các quy định về an toàn và tăng cường giám sát, thanh tra hoạt động của các tổ chức tín dụng đã được hoàn thiện. Ngoài ra, nhờ sự chủ động tích cực trong việc xử lý, kiềm chế nợ xấu, chỉ tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2013, tốc độ tăng nợ xấu bình quân là 2,52%/tháng, giảm đáng kể so với tốc độ tăng bình quân 3,91%/tháng cùng kỳ năm 2012. Hoạt động rà soát, ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng và hực hiện cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty chứng khoán, bảo hiểm cũng được Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Nhiều văn bản pháp luật về quản lý doanh nghiệp nhà nước đã được hoàn thiện và triển khai (Nghị định 50 về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng; Nghị định 51 về chế độ tiền lương đối với viên chức quản lý; Nghị định 61 về quy chế giám sát tài chính, đánh giá kết quả hoạt động và công khai thông tin tài chính…).

Tính đến hết tháng 8/2013, Chính phủ đã phê duyệt 100/101 đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước của các bộ, ngành, địa phương. Đã dừng thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế đối với 2 tập đoàn trong ngành xây dựng, chuyển đổi Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam thành Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy.  

Bên cạnh đó, gần 30 đề án, văn bản quy phạm pháp luật nghiên cứu, soạn thảo trong đó một số quy định thiết lập thể chế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại doanh nghiệp nhà nước đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty; tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước… theo hướng tăng cường quản lý nhà nước và xác định rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp; đề cao trách nhiệm, phát huy tính tự chủ và công khai minh bạch của doanh nghiệp trong kinh tế thị trường theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 đã được triển khai tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt và cung ứng các dịch vụ công thiết yếu, quốc phòng an ninh. Đã có 68 tập đoàn, tổng công ty nhà nước được phê duyệt đề án tái cơ cấu, trong đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 19/21 đề án, các bộ, ngành phê duyệt 39 đề án, các địa phương phê duyệt 10 đề án.

Theo đề án được phê duyệt, tái cơ cấu từng tập đoàn và tổng công ty, phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động, xác định nhiệm vụ và ngành nghề kinh doanh chính, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đẩy mạnh cổ phần hóa. Năm 2011, cổ phần hóa được 16 doanh nghiệp; năm 2012 cổ phần hóa được 13 doanh nghiệp, 9 tháng đầu năm 2013 được 41 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước giảm từ 5.655 doanh nghiệp năm 2001 đến nay còn 1.254 doanh nghiệp), đổi mới quản trị doanh nghiệp, tăng cường kiểm soát nội bộ và công tác quản lý cán bộ.

Hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước đã được cải thiện rõ rệt. Hiện nay, khoảng 80% doanh nghiệp nhà nước hoạt động có lãi. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2010 và năm 2011 đều đạt trên 18%, năm 2012 đạt 17,4%. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu dưới 2 lần, nằm trong giới hạn cho phép. Doanh nghiệp nhà nước đóng góp trên 33% GDP.

Doanh nghiệp nhà nước cơ bản thực hiện được vai trò nhiệm vụ được giao. Quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản trong GDP giảm từ 20,6% năm 2010, xuống còn khoảng 19,3% năm 2013. Tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm từ 49,5% năm 2010 xuống còn 48,4% năm 2011, còn 47,4% năm 2012 và ước 47% năm 2013. Tỷ trọng dân số nông thôn giảm từ 69,5% năm 2010 xuống còn 68,25% năm 2011, còn 68,06% năm 2012 và ước 67,6% năm 2013.

Trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, đã tập trung phát triển các ngành có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 60,2% năm 2010 lên khoảng 78% năm 2013. Quản lý nhà nước về đô thị được tăng cường. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 30,5% năm 2010 lên 33,4% năm 2013.

Đề án tái cơ cấu nông nghiệp được triển khai theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các vùng chuyên canh, sản xuất quy mô lớn, khu nông nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều mô hình tổ chức sản xuất mới phù hợp với năng lực sản xuất, yêu cầu của thị trường và bảo đảm hài hòa lợi ích được hình thành và từng bước nhân rộng.

Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch tích cực; tỷ trọng nông lâm ngư nghiệp trong kinh tế nông thôn giảm từ 40,9% năm 2011 xuống còn 39% năm 2012; tỷ trọng lao động nông nghiệp trên địa bàn nông thôn giảm từ 49,5% năm 2010 xuống còn 47% năm 2013. Nông nghiệp và nông thôn luôn đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Trong lĩnh vực dịch vụ, từng ngành và doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và tập trung phát triển các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao như công nghệ thông tin, truyền thông, tài chính - ngân hàng, vận tải, logistics, du lịch, thương mại, phân phối... Tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khá cao liên tục trong 3 năm qua: Tăng trưởng khu vực dịch vụ năm 2011 đạt 6,8%, năm 2012 đạt 5,9%, năm 2013 ước đạt 6,56%, cao hơn mức tăng của các khu vực khác và cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP.