Những “nạn nhân” đầu tiên của chiến tranh thương mại
Nhiều công ty đã và đang cảm nhận sức mạnh từ đòn tấn công của Mỹ và Trung Quốc trong tuần qua.
Huadong Tô Châu - một trong những nhà nhập khẩu thịt lớn nhất Trung Quốc - là một trong những nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump châm ngòi hồi đầu tháng.
Chỉ có 3 kiện hàng từ California thông qua hải quan Thượng Hải trước khi thuế quan mới trị giá 500.000 nhân dân tệ (75.000 USD)/kiện có hiệu lực với 6 kiện còn lại. Công ty đã tạm ngưng nhập hàng từ các cảng của Mỹ.
Bắc Kinh gọi đây là cuộc chiến thương mại "lớn nhất trong lịch sử kinh tế", kích hoạt ngày 6/7 khi Mỹ áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc như máy cày nông nghiệp và các bộ phận máy bay. Cường quốc châu Á ngay lập tức có đòn trả đũa tương đương đối với đậu tương, thịt và xe của Mỹ.
Bên cạnh Huadong, các hãng sản xuất ô tô và rượu whiskey cùng các công ty dọc chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang vật lộn với chi phí cao hơn.
Mức thuế 25% đối với whiskey có thể chấm dứt 8,9 triệu USD giá trị xuất khẩu hàng năm đồng thời làm tổn thương người tiêu dùng Trung Quốc và nông dân Mỹ, Hội đồng Rượu Chưng cất Mỹ dự báo.
Khả năng chống chọi của các công ty phụ thuộc vào lượng hàng nhập trước khi thuế có hiệu lực. Một khi nguồn hàng hết, các hãng sẽ phải chịu thuế hoặc đẩy sang cho khách hàng.
Chỉ vài tuần trước, cả 2 nhà sản xuất ô tô Ford và Tesla đều thông báo giảm giá tại Trung Quốc khi nước này hạ thuế nhập khẩu xe ngoại xuống 15%. Bắt đầu từ ngày 6/7, những xe được sản xuất tại Mỹ phải chịu 40% thuế. Tesla đã tăng giá Model S và Model X thêm từ 150.000 nhân dân tệ lên 250.000 nhân dân tệ. Sau lần tăng mới nhất, giá của Tesla S có thể sẽ lên đến 1,47 triệu nhân dân tệ.
Những hãng xe của nước khác như BMW và Daimler cũng phải đối mặt với chi phí cao hơn vì nhập hàng từ nhà máy lắp ráp ở Mỹ. BMW Trung Quốc cho biết công ty không thể "gánh" hết các khoản thuế cao hơn và đang tính toán mức tăng giá cần thiết.
Ông Trump đang cân nhắc đánh thuế thêm 16 tỷ USD hàng của đối thủ trong tuần tới và có thể nhắm tới 500 tỷ USD sau đó.
Sự hung hăng của nhà lãnh đạo Mỹ chỉ gây hại cho công ty khi Trung Quốc mở cửa, tờ Nhân dân Nhật báo nhận định hôm 9/7. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế và thương mại giữa 2 nước mà còn mang lại bất ổn cho nền kinh tế thế giới.
Khi không bên nào chịu lùi bước, viễn cảnh thuế đánh vào hầu hết sản phẩm Trung Quốc nhập vào Mỹ và ngược lại có nghĩa là số doanh nghiệp chịu thiệt hại sẽ tăng lên.
"Ở giai đoạn này, tác động lớn nhất có lẽ là bất ổn. Các doanh nghiệp ghét sự không chắc chắn. Nếu bạn không chắc chắn, bạn không đầu tư, nếu bạn không chắc chắn, bạn không tuyển dụng", Jacob Parker - Phó chủ tịch phụ trách Trung Quốc tại Hội đồng kinh doanh Mỹ - Trung.
Hemp Fortex - nhà sản xuất quần áo và vải tự nhiên của Trung Quốc cho các thương hiệu Mỹ và châu Âu - đang tìm cách chuyển sản xuất ra nước ngoài. Với hơn một nửa doanh thu đến từ Mỹ, công ty rất dễ bị tổn thương vì bất kỳ mức thuế nào của Mỹ trong tương lai đối với hàng Trung Quốc.
Just Play, một nhà sản xuất đồ chơi cho các thương hiệu như Disney Princess, cũng đang cân nhắc việc đưa sản xuất ra khỏi Trung Quốc. GMM - công ty sản xuất lớp phủ không dính cho nhiều hãng của Mỹ - gần như dừng tuyển nhân viên vì nhiều khách hàng Mỹ không mở rộng sản xuất ở quốc gia châu Á.
Những mặt hàng gây thâm hụt thương mại cho Mỹ. Nguồn: Bộ Thương mại Mỹ/Bloomberg.
Năm ngoái, Trung Quốc nhập 130 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ, chưa bằng 1/3 giá trị nhập khẩu chiều ngược lại. Điều đó có nghĩa là trong một cuộc chiến thương mại toàn diện, Trung Quốc có thể phải trả đũa bằng các biện pháp khác ngoài thuế quan.
Một trong những vũ khí lớn nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể là kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay các thương hiệu Mỹ. Trong những lần xung đột trước đó với nước khác, người dân nước này từng "quay lưng" với nhiều nhãn hàng cao cấp như Toyota và Hyundai.
Tuy nhiên, lúc này có lẽ còn quá sớm để chiến tranh thương mại ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày. Vào chiều thứ bảy (7/7) tại quận Sanlitun nổi tiếng của Bắc Kinh, các cửa hàng bán lẻ của Mỹ như Abercrombie & Fitch và Nike vẫn rất đông khách mua sắm với hàng dài người đợi trước quầy thanh toán.
"Đây là cuộc thách đấu chính trị hàng đầu giữa 2 quốc gia và những người bình thường vẫn tiếp tục cuộc sống. Tôi không chắc liệu căng thẳng có tác động hữu hình đến cuộc sống của tôi trong tương lai hay không. Cho đến nay thì không", Adison Zhou, một thanh niên Bắc Kinh 20 tuổi, chia sẻ trong một quán cà phê Starbucks.