Những nội dung chủ yếu của chính sách thuế mới năm 2016
Với mục tiêu tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề xuất, xây dựng và triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp về thuế để hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành nhiều chính sách thuế mới.
I. Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật quản lý thuế; Nghị định số 108/2016/NĐ-CP ngày 25/10/2016 của Chính phủ
1. Về thuế GTGT (02 nội dung):
a) Về đối tượng không chịu thuế GTGT:
- Bổ sung quy định: Doanh nghiệp, hợp tác xã mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
- Bổ sung quy định: Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
b) Về hoàn thuế GTGT:
- Bỏ quy định hoàn thuế GTGT đối với trường hợp cơ sở kinh doanh có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ lũy kế sau ít nhất mười hai tháng hoặc ít nhất sau bốn quý, thay vào đó doanh nghiệp được kết chuyển số thuế GTGT chưa khấu trừ hết (không hoàn) để khấu trừ vào số thuế GTGT kỳ sau nhằm bảo đảm phù hợp với bản chất của thuế GTGT, giảm thủ tục trong kê khai khấu trừ và nộp, hoàn thuế GTGT.
- Đối với dự án đầu tư, bổ sung quy định cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế giá trị gia tăng mà được kết chuyển số thuế chưa được khấu trừ của dự án đầu tư theo pháp luật về đầu tư sang kỳ tiếp theo đối với các trường hợp:
+ Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động;
+ Dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư.
Đồng thời, để đồng bộ với quy định này, Luật đã bổ sung quy định sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT để khuyến khích chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng trong nước.
- Hoàn thuế GTGT đối với xuất khẩu, bổ sung quy định cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật hải quan. Thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với người nộp thuế sản xuất hàng hóa xuất khẩu không vi phạm pháp luật về thuế, hải quan trong thời gian hai năm liên tục; người nộp thuế không thuộc đối tượng rủi ro cao theo quy định của Luật quản lý thuế.
2. Về thuế TTĐB (03 nội dung):
a) Quy định về giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở nhập khẩu bán ra nhằm bảo đảm bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước.
b) Bổ sung quy định làm rõ giá tính thuế TTĐB đối với trường hợp cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất bán hàng cho cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có quan hệ công ty mẹ, công ty con hoặc các công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu hoặc cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có mối quan hệ liên kết để đảm bảo minh bạch.
c) Về thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô chở người dưới 24 chỗ:
- Đối với dòng xe ô tô từ 9 chỗ trở xuống, điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB như sau:
+ Loại có dung tích xi lanh từ 1.500 cm3 trở xuống: Từ ngày 01/7/2016 áp dụng thuế suất 40% (giảm 5% so với hiện hành), từ ngày 01/01/2018 áp dụng thuế suất 35% (giảm 10% so với hiện hành);
+ Loại có dung tích xi lanh trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3: Từ ngày 01/01/2018 áp dụng thuế suất 40% (giảm 5% so với hiện hành);
+ Loại có dung tích xi lanh trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3: Từ ngày 01/7/2016 áp dụng thuế suất 55% (tăng 5% so với hiện hành), từ ngày 01/01/2018 áp dụng thuế suất 60% (tăng 10% so với hiện hành);
+ Tăng thuế suất thuế TTĐB ở mức cao và đặc biệt cao đối với các dòng xe có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 cùng với việc phân chia thành 04 (bốn) nhóm nhỏ: (1) Loại có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 đến 4.000 cm3; (2) Loại có dung tích xi lanh trên 4.000 cm3 đến 5.000 cm3; (3) Loại có dung tích xi lanh trên 5.000 cm3 đến 6.000 cm3; (4) Loại có dung tích xi lanh trên 6.000 cm3; vì đây là những dòng xe tiêu hao nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn.
- Đồng thời, một số dòng xe khác được điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB cho đồng bộ.
(Nội dung chi tiết từng mức thuế suất cụ thể đề nghị tham khảo văn bản Luật).
3. Về Luật quản lý thuế (02 nội dung):
a) Về mức thuế được miễn nộp NSNN
Bổ sung quy định miễn thuế đối với hộ gia đình, cá nhân có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hàng năm từ 50.000 đồng trở xuống để cải cách thủ tục hành chính.
b) Về tỷ lệ tính tiền chậm nộp
Sửa đổi quy định về tỷ lệ tính tiền chậm nộp thuế tại Luật quản lý thuế theo mức bằng 0,03%/ngày (thay cho mức 0,05%/ngày) tính trên số tiền thuế chậm nộp để phù hợp với thực tế sản xuất kinh doanh của người nộp thuế, giảm áp lực cho người nộp thuế.
II. Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13
Những nội dung sửa đổi cơ bản theo 4 nhóm vấn đề.
1. Nhóm vấn đề sửa đổi, bổ sung để khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước phù hợp định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước và các cam kết quốc tế đã ký kết, như:
- Bổ sung một số nội dung quy định về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ (từ Điều 12 đến Điều 15);
- Sửa đổi nguyên tắc ban hành Biểu thuế, thuế suất (Điều 10);
- Sửa đổi thẩm quyền ban hành Biểu thuế XK, thuế NK và Biểu Khung thuế xuất khẩu theo hướng: (i) Danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất thuế xuất khẩu đối với từng nhóm hàng được quy định ngay trong Luật; (ii) Chính phủ quy định mức thuế suất cụ thể đối với từng mặt hàng trong biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu (Điều 11).
- Sửa đổi, bổ sung quy định về miễn thuế hàng nhập khẩu của dự án ưu đãi đầu tư để thống nhất với quy định tại Luật đầu tư số 67/2014/QH13. Đồng thời, quy định việc miễn thuế nhập khẩu quy định tại khoản này không áp dụng đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản; dự án sản xuất sản phẩm có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên; dự án sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (khoản 11, khoản 13 Điều 16),
- Bổ sung quy định về miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nước chưa sản xuất được nhằm góp phần hỗ trợ lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp phát triển (khoản 12, Điều 16).
- Bổ sung quy định về miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu là máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư linh kiện, bộ phận, phụ tùng nhập khẩu phục vụ hoạt động in, đúc tiền (khoản 17, Điều 16).
- Bổ sung quy định ưu đãi thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để thống nhất với một số luật chuyên ngành như: để sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số; hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ môi trường… (khoản 18, khoản 19).
2. Nhóm vấn đề sửa đổi, bổ sung để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, thống nhất với văn bản pháp luật liên quan; đồng thời khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế XNK hiện hành, như:
- Sửa đổi quy định về đối tượng chịu thuế, người nộp thuế (Điều 2):
- Sửa đổi quy định về thuế suất thông thường (khoản 3, Điều 5).
- Sửa đổi quy định về trị giá tính thuế và thời điểm tính thuế (Điều 8).
- Sửa đổi quy định miễn thuế đối với hàng hóa mua bán trao đổi của cư dân biên giới (khoản 3, Điều 16).
3. Nhóm vấn đề sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thông lệ quốc tế, như:
- Bổ sung quy định về áp dụng thuế xuất khẩu đối với trường hợp có hàng hóa xuất khẩu sang nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi về thuế xuất khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam (khoản 2, Điều 5).
- Bổ sung quy định về áp dụng thuế suất đối với hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường nội địa đáp ứng các điều kiện về xuất xứ thì được áp dụng theo mức thuế suất ưu đãi tương ứng (điểm a, b, khoản 3, Điều 5).
- Bổ sung quy định thời hạn nộp thuế đối với người nộp thuế được áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của Luật hải quan theo hướng được thực hiện nộp thuế cho các tờ khai hải quan đã thông quan hoặc giải phóng hàng hóa chậm nhất vào ngày 10 của tháng kế tiếp (Điều 9).
- Bổ sung quy định về miễn thuế đối với hàng hóa có trị giá hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới mức tối thiểu; miễn thuế đối với hàng hóa không nhằm mục đích thương mại trong các trường hợp: hàng mẫu; phim, ảnh, mô hình để làm mẫu; ấn phẩm quảng cáo số lượng nhỏ (khoản 5, khoản 10 Điều 16).
- Bổ sung quy định về miễn thuế đối với hàng hóa thuộc chế độ tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập có thời hạn, không mang mục đích thương mại (khoản 9, Điều 16).
4. Nhóm vấn đề sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; góp phần thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, như:
- Chuyển hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập để sản xuất hàng xuất khẩu từ đối tượng phải nộp thuế khi nhập khẩu, được hoàn thuế khi xuất khẩu sang đối tượng miễn thuế để khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu, đơn giản thủ tục hành chính, phù hợp với thông lệ quốc tế (khoản 7, Điều 16).
- Chuyển hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất từ đối tượng chịu thuế ở khâu nhập khẩu và thực hiện hoàn thuế khi xuất khẩu sang đối tượng miễn thuế có điều kiện về bảo lãnh, đặt cọc phù hợp với thông lệ quốc tế (điểm e, khoản 9, Điều 16).
III. Luật phí và lệ phí số 95/2015/QH13 và Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017
1. Về phạm vi điều chỉnh
Để đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực tham gia cung cấp dịch vụ công, Luật phí và lệ phí quy định Danh mục các khoản phí và lệ phí gắn với dịch vụ công do cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp; trường hợp dịch vụ đó do doanh nghiệp cung cấp thực hiện giá dịch vụ theo quy định của Luật Giá.
2. Danh mục và thẩm quyền quy định phí, lệ phí
Phí, lệ phí liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân; để đảm bảo rõ ràng, minh bạch về quyền và trách nhiệm của công dân, Danh mục chi tiết các khoản phí, lệ phí được ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí. Theo đó, quy định cụ thể thẩm quyền của 04 cơ quan đối với từng khoản phí, lệ phí trong Danh mục: Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh.
- Thẩm quyền của Ủy ban TVQH: quyết định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí vào Danh mục giữa 02 kỳ họp Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.
- Thẩm quyền của Chính phủ: thống nhất quản lý nhà nước về phí, lệ phí; quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí được giao trong Danh mục; trình UBTVQH sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí trong Danh mục và mức thu, miễn, giảm án phí, lệ phí tòa án.
- Thẩm quyền của Bộ Tài chính: Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với các loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền; hướng dẫn thực hiện chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền phí, lệ phí thu được.
- Thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh: Quyết định mức thu; miễn, giảm; chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí được phân cấp, do UBND cùng cấp trình theo quy định.
Luật đã quy định chi tiết Danh mục phí, lệ phí gồm: 212 khoản phí, 107 khoản lệ phí và giao thẩm quyền quyết định cho 04 cơ quan: UBTVQH, Chính phủ, Bộ Tài chính và HDND cấp tỉnh quy định cụ thể từng khoản phí, lệ phí. Theo đó đã bãi bỏ, đưa ra khỏi Danh mục phí, lệ phí trước đó 70 khoản phí (bãi bỏ 26 khoản phí và chuyển 44 khoản phí sang thực hiện theo cơ chế giá) và 68 khoản lệ phí.
3. Về nguyên tắc xác định mức thu phí
Hiện các khoản phí trong Danh mục kèm dự thảo Luật đều do cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp. Tuy nhiên, trong tương lai một số khoản phí có khả năng XHH cao, có thể chuyển giao cho doanh nghiệp cung cấp, do đó, tại Điều 8 Luật phí và lệ phí quy định nguyên tắc xác định mức thu phí như sau: Mức thu phí được xác định cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân.
4. Về miễn, giảm phí, lệ phí
Mỗi loại phí, lệ phí đối tượng chịu phí, đối tượng sử dụng và phương thức tính phí rất khác nhau; chính sách của nhà nước trong từng giai đoạn khác nhau, vì vậy, Điều 10 Luật phí và lệ phí quy định: Các đối tượng thuộc diện miễn, giảm phí, lệ phí bao gồm trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số đối tượng đặc biệt theo quy định của pháp luật.
UBTVQH quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm án phí và lệ phí tòa án; Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, HĐND cấp tỉnh quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền.
5. Về quản lý và sử dụng phí, lệ phí
Để đảm bảo quản lý thống nhất nguồn thu từ phí, lệ phí; đồng bộ với quy định tại Luật NSNN vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Điều 10 Luật phí và lệ phí quy định: Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào NSNN, trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ, phần còn lại nộp NSNN.
Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí trên cơ sở dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, phần còn lại nộp NSNN.
Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí; phần còn lại nộp NSNN; việc quản lý và sử dụng phí thu được theo quy định của pháp luật.
IV. Các giải pháp đã và đang được Bộ Tài chính thực hiện và trình cấp có thẩm quyền nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ
1. Dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp, dự kiến trình Quốc hội khóa 14 tại kỳ họp thứ 3 (tháng 10/2016).
(i) Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (05 nội dung) gồm:
- Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, kể cả hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 17% kể từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 31/12/2020.
- Doanh nghiệp khởi nghiệp áp dụng thuế suất 17% kể từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 31/12/2020.
- Doanh nghiệp có lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư (trừ chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản) được bù trừ với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh (trừ hoạt động sản xuất kinh doanh đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp) kể từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 31/12/2020.
- Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số, một số dịch vụ phần mềm quan trọng từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 31/12/2020 được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
- Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ thuộc sở hữu Nhà nước đã bán cho người đang thuê, bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sụp đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng để bán, cho thuê, cho thuê mua theo quy định của Luật Nhà ở được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% kể từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 31/12/2020.
(ii) Ưu đãi thuế thu nhập cá nhân (01 nội dung) gồm:
Giảm 50% thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân là nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin thuộc lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản kể từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 31/12/2020.
(iii) Xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt (03 nội dung) gồm:
- Xóa nợ tiền chậm nộp thuế đối với doanh nghiệp cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn chi từ ngân sách nhà nước nhưng chưa được Nhà nước thanh toán.
- Xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với doanh nghiệp, tổ chức thực tế đã giải thể, phá sản hoặc bỏ kinh doanh trước ngày 01/01/2014 và khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với doanh nghiệp, tổ chức thực tế đã giải thể, phá sản hoặc bỏ kinh doanh trong giai đoạn từ 01/01/2014 đến 31/12/2015.
- Xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh trước ngày 01/01/2014 và khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh trong giai đoạn từ ngày 01/01/2014 đến ngày 31/12/2015.
2. Dự án Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế dự kiến trình Chính phủ trong quý IV/2016
a) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (08 nội dung) gồm:
- Về xác định thu nhập từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản được ưu đãi thuế không bao gồm thu nhập từ thu mua nguyên liệu nông sản, thủy sản và thực hiện sơ chế thông thường, chưa chế biến thành sản phẩm khác;
- Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước chiếm tỷ lệ chi phối không được tính vào chi phí được trừ đối với khoản chi phúc lợi cho người lao động.
- Khoản chi của doanh nghiệp cho các hoạt động nâng cao năng lực, tư vẫn hỗ trợ thủ tục cho doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi các định thu nhập chịu thuế.
- Tăng mức tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp khi mua các loại bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động từ 01 triệu đồng/tháng/người lên mức 03 triệu đồng/tháng/người.
- Tổ chức tín dụng thực hiện xác định chi phí được trừ đối với khoản trích lập dự phòng rủi ro nợ phải thu khó đòi như đối với các loại hình doanh nghiệp khác.
- Bổ sung phương pháp tính thuế đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nước ngoài: số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được tính bằng thu nhập chịu thuế từng lần chuyển nhượng nhân với thuế suất.
- Bổ sung quy định dự án quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng không đăng ký tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng trở lên tại thời điểm được phép đầu tư lần đầu nhưng thực tế thực hiện giải ngân được từ 6.000 tỷ đồng trở lên trong thời gian 03 năm kể từ thời điểm được phép đầu tư lần đầu, được ưu đãi thuế.
- Bổ sung quy định: Trường hợp doanh nghiệp có dự án đầu tư trước ngày 01/01/2015 nhưng không thuộc diện được hưởng ưu đãi theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về thuế TNDN trước thời điểm Nghị định số 12/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành nhưng thuộc diện hưởng ưu đãi theo quy định của Luật số 71/2014/QH13 thì được chuyển sang áp dụng ưu đãi theo quy định của Nghị định số 12/2015/NĐ-CP cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế năm 2015.
b) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (03 nội dung):
- Bổ sung quy định để cá nhân hành nghề độc lập, có đăng ký kinh doanh được áp dụng thuế suất từ kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Tăng mức được trừ đối với khoản lợi ích do người sử dụng lao động đóng vào Quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động từ 01 triệu đồng/tháng lên 03 triệu đồng/tháng.
- Bổ sung quy định về các khoản thu nhập của cá nhân thực hiện thu thuế theo hình thức tổ chức chi trả khấu trừ gồm: thu nhập từ hoa hồng, thưởng đạt doanh số của cá nhân kinh doanh là đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng.
c) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 7 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (01 nội dung), gồm:
- Bãi bỏ quy định về thời gian áp dụng ổn định phương pháp tính thuế là hai năm liên tục để tạo điều kiện thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính cho người nộp thuế.
3. Về tình hình rà soát giảm phí BOT
Theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó giao: Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT; đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) rà soát mức thu phí các trạm BOT và xây dựng phương án giảm phí các trạm đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Do quan hệ giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ GTVT) và các Nhà đầu tư dự án BOT là quan hệ hợp đồng; bất kỳ thay đổi nào khác so với nội dung Hợp đồng đã ký kết phải được các bên đồng thuận. Do vậy, nguyên tắc điều chỉnh mức phí phải đảm bảo hạn chế ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của dự án và phải được sự đồng thuận của Nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng cho dự án. Do vậy, Bộ GTVT đề nghị chỉ có thể xem xét điều chỉnh mức phí đối với các dự án có các yếu tố sau:
- Có tổng mức đầu tư giảm so với phương án duyệt: do rút ngắn tiến độ, không sử dụng hoặc sử dụng không hết chi phí dự phòng, lãi vay giảm ... .
- Có doanh thu thực tế cao hơn dự kiến trong phương án tài chính của Hợp đồng BOT.
- Giảm chi phí đầu tư dự án do được hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).
Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ GTVT đề xuất phương án điều chỉnh giảm phí đối với các Trạm có các yếu tố nêu trên như sau: (i) Giảm 10%-15% mức thu đối với phương tiện nhóm 4 và nhóm 5 của các Trạm có mức thu tối đa Khung tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC; (ii) Giảm 10%-20% mức phí nhóm 1 và nhóm 2 của 05 trạm có mức thu cao nhất. Phương án đề xuất này đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thống nhất (tại công văn số 6370/VPCP-KTTH ngày 02/8/2016 của Văn phòng Chính phủ)
Thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã ban hành 10 Thông tư điều chỉnh giảm mức thu phí của 19 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ (1, 19, 20, 21B, đường HCM). Trong đó, 18 trạm giảm mức thu phí đối với 02 nhóm phương tiện (Nhóm 4 từ 140.000 đồng/lượt xuống 120.000 đồng/lượt; Nhóm 5 từ 200.000 đồng/lượt xuống 180.000 đồng/lượt) và 01 trạm (trạm thu phí tại Km604+700, tỉnh Quảng Bình - là 1 trong 5 trạm thu phí có mức thu cao nhất hiện nay) điều chỉnh mức thu phí đối với 04 nhóm phương tiện (Nhóm 1 giảm từ 45.000 xuống 35.000 đồng/vé; Nhóm 2: giảm từ 60.000 xuống 50.000 đồng/vé; Nhóm 4 từ 140.000 đồng/lượt xuống 120.000 đồng/lượt; Nhóm 5 từ 200.000 đồng/lượt xuống 180.000 đồng/lượt).
Hiện nay, Bộ GTVT đang tiếp tục rà soát, thống nhất với các nhà đầu tư giảm mức thu phí đường bộ các dự án BOT và đề xuất gửi Bộ Tài chính ban hành Thông tư điều chỉnh giảm phí các trạm tiếp theo.