Ổn định chính sách thuế đối với công nghiệp ô tô

Theo tapchithue.com.vn

Sau hơn 20 năm đầu tư và phát triển, công nghiệp ô tô của Việt Nam có những bước chuyển đáng kể. Nhiều tập đoàn ô tô thế giới đã mở nhà máy tại Việt Nam, các doanh nghiệp ô tô trong nước cũng tích cực mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Sau hơn 20 năm đầu tư và phát triển, công nghiệp ô tô của Việt Nam có những bước chuyển đáng kể.
Sau hơn 20 năm đầu tư và phát triển, công nghiệp ô tô của Việt Nam có những bước chuyển đáng kể.

Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể, sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô chưa xứng với tiềm năng. Gần đây, chính sách thuế liên quan đến việc sản xuất và tiêu thụ ô tô trong nước có nhiều thay đổi, tác động tới hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp ô tô.

Thay đổi về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô nhập khẩu

Đối với xe ô tô nói riêng và xe nhập khẩu nói chung, giá tính thuế giữ vai trò quan trọng để xác định giá thành của sản phẩm. Do ô tô nhập khẩu bị đánh thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế giá trị gia tăng (GTGT) được tính bao gồm giá tính thuế cộng với các loại thuế đã đánh trước đó. Chính vì vậy, giá tính thuế là một nhân tố quan trọng để xác định giá bán ô tô.

Theo Nghị định 108/2016/NĐ-CP ngày 1/1/2016 của Chính phủ quy định giá tính thuế TTĐB sẽ chuyển từ giá vốn sang giá bán buôn. Trước đây, giá tính thuế TTĐB đối với ô tô nhập khẩu là giá CIF (giá tại cửa khẩu của bên nhập, bao gồm chi phí bảo hiểm, vận chuyển hàng hoá tới cửa khẩu của bên nhập) nhập tại cảng kèm thuế nhập khẩu.

Sau Nghị định 108, giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở nhập khẩu nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu. Giá vốn xe nhập khẩu gồm: Giá tính thuế nhập khẩu + thuế nhập khẩu (nếu có) + thuế TTĐB tại khâu nhập khẩu. Nếu giá bán của cơ sở nhập khẩu thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu thì giá tính thuế TTĐB là giá do cơ quan thuế ấn định.

Đối với xe lắp ráp trong nước, trước đây giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở sản xuất, nhưng không được thấp hơn 10% so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại bán ra. Còn theo Nghị định 108, giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở sản xuất nhưng không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.  

Giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại để so sánh, là giá bán chưa bao gồm các lựa chọn về trang thiết bị, phụ tùng mà cơ sở kinh doanh thương mại lắp đặt thêm theo yêu cầu khách hàng.Nếu giá bán của cơ sở sản xuất, lắp ráp thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại bán ra, thì giá tính thuế TTĐB là giá do cơ quan thuế ấn định.

Mục đính của cách tính này nhằm đảm bảo công bằng và thống nhất giữa các doanh nghiệp xuất khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước.

Thay đổi thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt

Luật sửa đổi bổ sung số 106/QH13 có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 đã thay đổi thuế TTĐB đối với xe ô tô. Theo đó, dòng xe có dung tích xi lanh dưới 1.500 cm3: thuế suất trước đây là 45%, thuế suất từ 1/7/2016 tới 1/1/2018 là 40%; sau 1/1/2018 là 35%.

Dòng xe dung tích xi lanh trên 1.500 cm3 - 2000 cm3: thuế suất trước đây là 45%, thuế suất từ 1/7/2016 tới 1/1/2018 là 45%; sau 1/1/2018 là 40%. Dòng xe dung tích xi lanh trên 2.000cm3 - 2.500cm3: thuế suất trước đây là 50%, thuế suất 1/7/2016 tới 1/1/2018 là 50%, sau 1/1/2018 là 50%.

Dòng xe dung tích xi lanh trên 2.500cm3 - 3.000cm3: thuế suất trước đây là 50%, thuế suất từ 1/7/2016 tới 1/1/2018 là 55%, sau 1/1/2018 là 60%. Dòng xe dung tích xi lanh trên 3.000cm3 - 4.000cm3: thuế suất trước đây là 60%, thuế suất từ 1/7/2016 tới 1/1/2018 là 90%, sau 1/1/2018 là 90%.

Đối với dòng xe có dung tích xi lanh trên 4.000cm3 - 5.000cm3: thuế suất trước đây là 60%, thuế suất 1/7/2016 tới 1/1/2018 là 110%, sau 1/1/2018 là 110%. Dòng xe dung tích xi lanh trên 5.000cm3 - 6.000cm3: thuế suất trước đây là 60%, thuế suất 1/7/2016 tới 1/1/2018 là 130%, sau 1/1/2018 là 130%. Dòng xe dung tích xi lanh trên 6.000cm3: thuế suất trước đây là 60%, thuế suất 1/7/2016 tới 1/1/2018 là 150%, sau 1/1/2018 là 150%.

Theo biểu thuế mới, chính sách thuế đã giảm nhẹ đối với các loại xe ô tô có dung tích động cơ nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu và tăng rất mạnh đối với các loại xe ô tô có dung tích động cơ lớn (có loại tăng gấp 2,5 lần so với mức thuế suất cũ). Mục tiêu điều tiết chủ yếu hướng tới dòng xe có dung tích động cơ lớn đều là xe sang, xe nhập khẩu; 

Giảm thuế nhập khẩu ô tô từ Asean

Thuế nhập khẩu xe ô tô từ Asean được quy định theo Thông tư 165/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính theo các cam kết của Hiệp định thương mại hàng hoá AFTA. Với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN sẽ giảm thuế nhập khẩu từ 50% năm 2015, xuống còn 40% năm 2016; tới năm 2017 là 30% và về 0% vào năm 2018. Như vậy, Việt Nam đang tiến dần tới lộ trình mở cửa thị trường ô tô với các quốc gia Đông Nam Á.

Việc mở cửa thị trường với các nước ASEAN khiến các doanh nghiệp ô tô trong nước phải chịu áp lực cạnh tranh với làn sóng nhập khẩu ô tô từ Thái Lan, Indonesia,.. các quốc gia được coi là công xưởng mới của các hãng xe hàng đầu thế giới.

Khuyến nghị về chính sách

Có thể thấy, chính sách thuế nói riêng và chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô nói chung của Việt Nam trong thời gian qua có nhiều biến động. Để ngành công nghiệp ô tô trong nước có thể phát triển và cạnh tranh với làn sóng nhập khẩu, các chuyên gia đưa ra một số khuyến nghị có liên quan đến chính sách thuế.

Thứ nhất, chính sách thuế với công nghiệp ô tô nói riêng và các ngành nghề nói chung cần ổn định. So với các quốc gia trong khu vực như Indonesia hay Thái Lan, thì Việt Nam là một quốc gia ổn định về chính trị, nhưng thiếu ổn định về chính sách.

Chính điều này đã làm cho các doanh nghiệp ô tô hàng đầu thế giới không dám mạnh dạn đầu tư theo chiều sâu tại Việt Nam, mà chỉ xây dựng các dây chuyền lắp ráp, nhằm tránh thuế nhập khẩu ở mức cao.

Thứ hai, các mức thuế suất cần quan tâm tới tỷ lệ nội địa hoá nhằm khuyến khích đầu tư theo chiều sâu của các hãng sản xuất trên thế giới. Nếu như hiện nay, Việt Nam đang đánh thuế TTĐB theo dung tích động cơ, thì Thái Lan hay Indonesia lại lựa chọn đánh thuế theo tỷ lệ nội địa hoá. Theo đó, tỷ lệ nội địa hoá càng cao, thuế suất càng giảm và ngược lại.

Thứ ba, chính sách thuế đối với công nghiệp ô tô cần gắn chặt với ngành công nghiệp hỗ trợ. Sản xuất ô tô luôn đi kèm các ngành nghề sản xuất phụ trợ. Do đó, chính sách thuế không chỉ quan tâm tới sản xuất, lắp ráp ô tô mà còn phải hướng tới các doanh nghiệp phụ trợ.

Nhiều quốc gia đang phát triển, do hạn chế về quy mô ngân sách mà không thể trợ cấp cho những ngành nghề ưu tiên, đã sử dụng thuế như một công cụ hữu hiệu nhằm phát triển các lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.

Trong phạm vi ngân sách còn hạn chế, thời gian thực hiện các cam kết trong thương mại quốc tế về nhập khẩu ô tô đang đến gần, Chính phủ cần nỗ lực hơn nữa trong việc ban hành các chính sách có tính chất ổn định và đủ sức nâng đỡ phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước sao cho hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.