Những rủi ro cận kề kinh tế Đông Nam Á trong năm 2019
Chiến tranh thương mại và việc tăng lãi suất chính là những nguyên nhân kéo tụt tăng trưởng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á.
Theo nhận định từ các ngân hàng tại châu Á, Mỹ và châu Âu, cuộc đình chiến 90 ngày giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phần nào làm dịu đi những lo ngại trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tranh chấp giữa 2 cường quốc này vẫn là những rủi ro lớn nhất cận kề kinh tế khu vực Đông Nam Á trong năm tới.
Tăng trưởng trong tổng sản phẩm quốc nội tại hầu hết các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á trong quý III đều sụt giảm trong bối cảnh cuộc chiến thương mại bắt đầu đè nặng lên hoạt động xuất khẩu. Tăng trưởng GDP của 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã sụt giảm từ 5,5% xuống còn 4,5% so với quý trước.
Theo dự báo của Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch, sự sụt giảm này sẽ còn tiếp tục ở 5 quốc gia bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, với mức giảm từ 5,1% trong năm 2017, xuống còn 5% trong năm 2018 và 4,8% vào năm 2019.
“Danh sách những yếu tố rủi ro thì quá dài không thể kể hết”, Mohamed Faiz Nagutha, nhà kinh tế Đông Nam Á của ngân hàng Bank of America Merrill Lynch, trả lời báo chí. Theo ông, một số những rủi ro điển hình có thể kể đến là tình hình căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, sự suy thoái kinh tế tại Trung Quốc và khả năng tăng lãi suất ngoài dự báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Ngân hàng của Mỹ này vẫn tin rằng Washington và Bắc Kinh sẽ có thể giải quyết được những mâu thuẫn của họ. Tuy nhiên, trước khi Trung Quốc lấy lại được đà phát triển của mình vào nửa sau của năm tới, thì quý IV năm nay và quý đầu năm sau vẫn sẽ là quãng thời gian không mấy tốt đẹp đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này, ông Nagutha cho biết. Điều này có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng tại khu vực Đông Nam Á.
Vào đầu tuần vừa qua, bà Selena Ling, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và chiến lược tại ngân hàng Oversea-Chinese Banking Corp. (OCBC) của Singapore, cho rằng rủi ro lớn nhất đối với khu vực Đông Nam Á vẫn là chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Mặc dù căng thẳng giữa Mỹ - Trung đã phần nào dịu bớt, những vấn đề cơ cấu trung hạn như sáng kiến sản xuất công nghệ cao “Made in China 2025” của Trung Quốc và cuộc chạy đua giữa hai quốc gia trong ngành công nghệ cao sẽ không sớm mất đi, bà Ling cho biết.
Bà cũng nhấn mạnh rằng, hội nghị G20 năm nay lần đầu tiên không đi đến được tuyên bố chung chống lại chủ nghĩa bảo hộ do sự phản đối của Mỹ.
Ngân hàng trung ương của Singapore cũng dự báo rằng tốc độ tăng trưởng tại Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam trong năm tới sẽ chậm lại.
Suresh Tantia, Phó chủ tịch của ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ chuyên về thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương cũng có chung quan điểm trên. “Cuộc đình chiến 90 ngày này là “một cứu cánh” cho thị trường. Nhưng chúng ta vẫn nên chú ý tới những rủi ro tiềm ẩn”, ông cho biết thêm. “Những nỗi lo ngại của các nhà đầu tư vẫn sẽ kéo dài tới nửa đầu năm sau bởi cuộc ngừng bắn chỉ là tạm thời”.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán tại châu Á vẫn được hy vọng sẽ khởi sắc vào năm tới, sau một năm 2018 đầy thăng trầm, ngân hàng Thụy Sĩ cho biết.
Theo ông John Woods, Giám đốc đầu tư châu Á Thái Bình Dương của Credit Suisse nhận định, trong bối cảnh triển vọng lợi nhuận của các công ty Mỹ ngày càng xấu đi và đồng USD suy yếu, các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm cơ hội ở những thị trường khác. Nhờ đó, thị trường chứng khoán tại Trung Quốc, Singapore và Indonesia sẽ có khả năng tăng trưởng tốt vào năm tới.
Trong khi đó, cũng theo ngân hàng Credit Suisse, những rủi ro chính trị vẫn là đe dọa chính đối với một số quốc gia như Thái Lan, cụ thể là những bất ổn do cuộc bầu cử sắp diễn ra. Nền kinh tế lớn thứ 3 của Đông Nam Á này được dự báo là sẽ trở lại ổn định vào đầu năm sau, nhưng những thông tin về thành phần lãnh đạo của một chính phủ tương lai vẫn đang là dấu hỏi lớn.
Indonesia cũng sẽ có một cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 4 năm sau. Cả ngân hàng của Thụy Sĩ và Mỹ đều tin rằng, Tổng thống Joko Widodo sẽ tái đắc cử. Tuy nhiên, bà Ling của OCBC lại cho rằng, cuộc tranh cử mới chỉ bắt đầu và cảnh báo rằng những bất ổn trong thị trường và kinh tế sẽ theo sau khi cuộc bầu cử tới gần.