Những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam và mục tiêu năm 2016
Năm 2015, trong số 200 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có quan hệ thương mại, có 29 thị trường có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, với tổng giá trị 147 tỷ USD, chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Mỹ và EU là hai thị trường lớn nhất 2015
Theo Báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải Quan, hai thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ và Eu đạt trên 30 tỷ USD. Tại 2 thị trường này, Việt Nam đều xuất siêu với giá trị lớn trên 20 tỷ USD. Năm 2015 cũng ghi nhận lần đầu tiên Việt Nam có 29 thị trường xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 2 thị trường so với năm 2014 và năm 2013, hai thị trường gia nhập mới đến từ Châu Mỹ La tinh và Châu Phi.
Theo Tổng cục Hải Quan, từ năm 2010 đến nay Hoa Kỳ đã và đang là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam với kim ngạch tăng trung bình trên 10%/năm. Năm 2015, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu tạo kim ngạch lớn nhất của Việt Nam, trên 33,5 tỷ USD, tăng 16,9% so với năm 2014. Thặng dư thương mại đạt trên 25,7 tỷ USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất vào nước này là: dệt may, giày dép, máy vi tính, linh kiện điện tử...
EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,9 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm: dệt may, da giầy, thực phẩm, nông sản, gỗ và ngũ cốc...
Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của Việt Nam, hiện Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ là ba thị trường lớn nhất của Việt Nam chiếm lần lượt là 49%, 21% và 25%.
Mục tiêu đạt 181,5 tỷ USD năm 2016
Theo thông tin của Bộ Công Thương về Mục tiêu phát triển sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại năm 2016, kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt khoảng 160 tỷ USD; mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 181,5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2015.
Theo Bộ Công Thương, để thực hiện được mục tiêu xuất khẩu năm 2016 tăng 10% so với năm 2015, cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu. Trong đó, tập trung các giải pháp đa dạng hóa thị trường để giảm thiểu rủi ro do sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, tiếp tục tăng cường công tác đàm phán, mở cửa thị trường. Chú trọng các nội dung giảm thuế, dỡ bỏ các rào cản thương mai, kỹ thuật không phù hợp đối với nông, thủy sản Việt Nam, nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển xuất khẩu của nhóm này.
Công tác thông tin, tuyên truyền về các Hiệp định FTA đã ký kết sẽ được đẩy mạnh. Chủ động làm việc với từng ngành hàng để trao đổi, giới thiệu về vấn đề mở cửa thị trường, các hiệp định đang đàm phán, hiệp định đã ký kết để tạo sự chủ động cho các hiệp hội, DN trong nắm bắt những cơ hội mới, góp phần phát triển thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện các giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của DN. Chủ động phối hợp các hiệp hội ngành hàng nông, thủy sản và DN lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, các DN FDI để trao đổi về tình hình xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN.