Xuất siêu có bền vững?
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu hai tháng đầu năm 2016 đạt 23,7 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó đáng chú ý là xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 4,2%, còn của khu vực FDI chỉ tăng 2,3%.
Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu chỉ là 22,8 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước (riêng khu vực kinh tế trong nước giảm 4,8% còn khu vực FDI giảm tới 7,7%).
Do đó, thay vì nhập siêu 61 triệu USD như cùng kỳ năm 2015 thì hai tháng đầu năm 2016 lại xuất siêu 865 triệu USD. Hiện tượng xuất siêu quay trở lại những tháng đầu năm 2016 liệu có báo hiệu triển vọng thặng dư cán cân thương mại cả năm tương tự như suốt giai đoạn 2012-2014?
Trước hết, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu so cùng kỳ năm 2016 không cao - chỉ bằng khoảng một phần ba so với tốc độ tăng tương ứng của hai tháng đầu năm 2015.
Hơn nữa, khu vực FDI - chiếm trên dưới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu - thậm chí lại có tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu chưa bằng một phần năm so với tốc độ tăng cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực tuy vẫn tăng song tốc độ tăng thấp xa so với cùng kỳ năm 2015, điển hình như xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện chưa bằng 1/9 hay điện thoại và linh kiện chỉ bằng 1/6, còn giày dép chưa bằng 1/4,... trong khi một số mặt hàng chủ lực khác lại có kim ngạch giảm mạnh, như: Dầu thô giảm 63%, sắt thép giảm 21,3%, sắn và sản phẩm của sắn giảm 28,8%, hạt tiêu giảm 21,1%.
Vì vậy, mặc dù xuất khẩu thủy sản tăng 7,7% hay gạo tăng tới 92,5% và rau quả cũng tăng 39% song nhìn chung xuất khẩu năm 2016 có thể sẽ khó khăn hơn nhiều so với năm 2015 và mục tiêu tăng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm rất khó đạt được, thậm chí ngay cả đạt mức tăng như năm trước cũng không hề dễ dàng.
Nếu hai tháng đầu năm 2015, khu vực FDI tăng nhập khẩu so cùng kỳ năm trước tới 23,4% thì năm 2016 lại giảm 7,7%, cho nên tổng kim ngạch nhập khẩu có xu hướng giảm.
Hơn nữa, hàng loạt hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất kinh doanh sau khi đã tăng mạnh đầu năm 2015 lại giảm vào đầu năm 2016, như: Máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 13,6%; điện thoại và linh kiện giảm 7,6%; sắt thép giảm 8,2%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép giảm 9,6% hoặc chỉ tăng nhẹ, như: Điện tử, máy tính và linh kiện tăng 5,7%; vải tăng 2%; sản phẩm chất dẻo tăng 14,4%.
Do cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu nói riêng chưa có thay đổi lớn, cho nên kim ngạch nhập khẩu trong những tháng tiếp theo năm 2016 có thể sẽ đảo chiều tăng lên, nhằm tạo cơ sở thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn so với năm trước. Theo đó, quy mô xuất siêu sẽ giảm xuống, thậm chí tình trạng nhập siêu sẽ quay trở lại như năm 2015.
Bên cạnh đó, hai tháng đầu năm 2016, quy mô nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước không thay đổi so với cùng kỳ năm trước, đứng ở mức 2,1 tỷ USD, cho nên chính khu vực FDI quyết định trạng thái cán cân thương mại của Việt Nam.
Nếu loại trừ dầu thô, xuất khẩu của khu vực FDI đầu năm 2016 tăng 5,2%, thấp xa so với mức tăng tương ứng năm 2015 tới 16,5%. Chính vì vậy, muốn duy trì thặng dư cán cân thương mại càng lâu càng tốt hay ít nhất là hạn chế quy mô nhập siêu cả năm 2016 thì biện pháp chủ yếu là kích thích xuất khẩu hàng hóa phi dầu thô của khu vực FDI, đồng thời kiểm soát nhập khẩu hàng tiêu dùng, đặc biệt là hạn chế nhập khẩu ô-tô nguyên chiếc (kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đã lên tới ba tỷ USD năm 2015).