Những yếu tố tác động đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam
Nhằm nhận diện những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp niêm yết, bài viết tiến hành thực hiện phân tích 112 doanh nghiệp trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2014 thông qua phương pháp định lượng FEM (Fixed effects model). Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ giới trong bộ phận quản lý doanh nghiệp có mối tương quan dương đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Vai trò của phụ nữ ngày càng được đánh giá cao trong thế giới hiện đại, các nghiên cứu về vai trò của phụ nữ trong bộ phận quản lý doanh nghiệp (DN) cũng ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, mỗi nghiên cứu lại cho một kết quả khác nhau.
Điển hình như nghiên cứu của Terjesen, Sealy, và Singh (2009 cho rằng, tỷ lệ nữ giới không có mối quan hệ rõ ràng với hiệu quả hoạt động DN. Còn nghiên cứu của Lee và James (2007) lại phát hiện ra rằng, việc thuê một giám đốc điều hành nữ sẽ có mối tương quan âm với giá cổ phiếu của công ty niêm yết.
Hay như tại nghiên cứu của Carter, Simpkins và Simpson (2003) cho thấy, việc đa dạng giới tính trong ban lãnh đạo sẽ giúp cho DN đạt được hiệu quả hoạt động tốt hơn… Nhìn chung, dựa trên các lý thuyết này, khi có nữ giới tham gia vào bộ phận quản lý sẽ tốt hơn cho hoạt động của DN.
Ở Việt Nam đến nay chưa có một nghiên cứu thực nghiệm nào kiểm tra mối quan hệ giữa tỷ lệ nữ giới và hiệu quả hoạt động của DN, do đó, việc nghiên cứu mối quan hệ này ở nước ta là cần thiết. Mục tiêu bài viết hướng tới trả lời 2 câu hỏi sau: Tỷ lệ nữ giới trong bộ phận quản lý có mối quan hệ như thế nào đến hiệu quả hoạt động? Mối quan hệ này có bị ảnh hưởng do sự yếu tố đổi mới trong DN hay không?
Thông qua kết quả của việc phân tích mối quan hệ này, một mặt sẽ giúp cho các DN điều chỉnh và cơ cấu bộ phận quản lý một cách hợp lý hơn; mặt khác cung cấp một bằng chứng thực nghiệm mới, bổ sung một yếu tố quan trọng khi nghiên cứu về những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của DN.
Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu
Dữ liệu
Các DN được lựa chọn trong việc thu thập dữ liệu là các DN được niêm yết trên hai sàn chứng khoán Việt Nam (63 DN niêm yết trên sàn HOSE, 49 DN niêm yết trên sàn HSX), việc lựa chọn DN vào mẫu nghiên cứu là theo nguyên tắc ngẫu nhiên. Dữ liệu được tác giả thu thập thông qua báo cáo tài chính, báo cáo thường niên được công bố hàng năm cũng như thông tin công bố trên các website của công ty và sở giao dịch. Dữ liệu được thu thập trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2014.
Phương pháp và mô hình nghiên cứu
Bài nghiên cứu sử dụng phương pháp hồi quy với dữ liệu bảng – phương pháp FEM cho mô hình thực nghiệm với dạng tổng quát như sau:
Phương pháp FEM cho mô hình thực nghiệm
Việc tính toán Tobin’s Q dựa trên nghiên cứu của Bertrand và Schoar (2003), vì thế Tobin’s sẽ bằng giá trị thị trường chia cho giá trị sổ sách tài sản của DN. Trong đó, giá trị thị trường sẽ bằng giá trị sổ sách tài sản của DN cộng với giá trị thị trường của cổ phần thường trừ đi giá trị sổ sách của cổ phần thường và thuế hoàn lại. Bài viết đã sử dụng hàm log của Tobin’s Q để giảm độ lệch.
Đối với biến tỷ lệ nữ giới, bài nghiên cứu xác định giá trị này thông qua tỷ lệ giữa số lượng nữ trong bộ phận quản lý một DN trên toàn bộ số lượng nhân viên ở cấp bậc quản lý. Số lượng nữ trong bộ phận quản lý được tính cho toàn bộ ban giám đốc và trưởng các phòng ban.
Vector biến kiểm soát Z trong mô hình bao gồm các biến được đề xuất trong các nghiên cứu trước đây, đặc biệt là nghiên cứu của Margaritis và Psillaki (2010), Dezso và Ross (2012). Các biến này bao gồm:
(i) Hệ số đổi mới –IIN được đo lường bằng tỷ lệ chi phí nghiên cứu và phát triển trên tổng tài sản năm trước đó, các khoản chi phí nghiên cứu phát triển được sử dụng là khoản lập dự phòng hàng năm cho mục tiêu này;
(ii) Tuổi DN –AGE là số năm hoạt động của DN từ khi hoạt động đến thời điểm nghiên cứu tính đến hết năm 2014;
(iii) Đòn bẩy – LEV được đo bằng tỷ lệ nợ trên tổng tài sản;
(iv) Hệ số CapEx – CE được đo lường bằng tỷ lệ chi phí sử dụng vốn trên tổng tài sản kỳ trước;
(v) Hệ số quảng bá – MI được đo bằng tỷ lệ chi phỉ quản cáo tiếp thị trên tổng tài sản kỳ trước;
(vi) Lợi nhuận quá khứ của DN – PR được đo bằng lợi nhuận trước thuế và lãi vay trên tổng tài sản kỳ trước;
(vii) Quy mô DN – Size đo lường bằng giá trị sổ sách tài sản năm trước đó.
Tất cả các biến kiểm soát trừ biến tuổi DN sẽ được lấy log đồng thời để giảm tính biến động. Với phương pháp FEM và lấy độ trễ các biến, bài viết sẽ giải quyết vấn đề đồng thời và nội sinh trong mô hình nghiên cứu thông qua 4 bước:
(1) Thực hiện mô hình hồi quy cho các biến kiểm soát nhằm nhằm đánh giá, kiểm chứng một số yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động DN;
(2) Thực hiện lại mô hình với biến FEM nhằm xem xét yếu tố giới tính của bộ phận quản lý ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả hoạt động
(3) Tiếp tục thực hiện mô hình với biến FEM điều chỉnh nhằm xem xét yếu tố đổi mới có ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa yếu tố giới tính của bộ phận quản lý và hiệu quả hoạt động DN hay không;
(4) Thực hiện kiểm tra tính phù hợp của mô hình nhằm đảm bảo tính tin cậy của kết quả nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu
Kết quả mô hình được thể hiện qua Bảng “kết quả mô hình hồi quy theo phương pháp FEM”, cột đầu tiên thể hiện kết quả hồi quy theo phương pháp FEM đối với biến phụ thuộc EFF và các biến kiểm soát, chưa bao gồm biến tỷ lệ nữ giới trong bộ phận quản lý. Kết quả cho thấy, hầu hết các biến kiểm soát đều có mối tương quan xác định với hiệu quả hoạt động của DN, các hệ số ước lượng đều có ý nghĩa thống kê từ 1%-10% ngoại trừ biến quy mô DN và hệ số quảng bá không có ý nghĩa thống kê. Các biến tuổi DN, hệ số CapEx và lợi nhuận tương quan dương với hiệu quả hoạt đồng, kết quả này có thể được giải thích bằng mối tương quan dương giữa Tobin’s Q và các cơ hội tăng trưởng (Lang, Ofek, and Stulz, 1996). Biến đòn bẩy có tương quan dương với hiệu quả hoạt động. Kết quả này chứng minh được một số yếu tố có ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả hoạt động mà DN cần xem xét.
Sau khi thêm biến tỷ lệ nữ giới trong bộ phận quản lý, kết quả mô hình được thể hiện qua cột 2, hệ số ước lượng thể hiện mối tương quan giữa tỷ lệ nữ giới trong bộ phận quản lý và hiệu quả DN là dương và bằng 0.0375 với mức ý nghĩa 1%. Hệ số này có ý nghĩa rằng, nếu tỷ lệ nữ trong DN tăng thêm 1% thì hiệu quả hoạt động hay hệ số Tobin’s Q tăng lên 0.0375%.
Để kiểm tra mối quan hệ giữa tỷ lệ nữ giới trong bộ phận quản lý và hiệu quả hoạt động có bị ảnh hưởng do sự đổi mới trong DN hay không, mô hình được thực hiện lại với tỷ lệ nữ giới trong bộ phận quản lý được điều chỉnh bằng cách nhân thêm hệ số đổi mới. Cột 3, hệ số ước lượng của biến FEM thể hiện mối tương quan “đơn” giữa tỷ lệ nữ giới trong bộ phận quản lý và hiệu quả hoạt động DN, tức là mối tương quan này được xem xét khi chiến lược DN không liên quan đến yếu tố đổi mới vì lúc này hệ số đổi mới bằng 0 như nghiên cứu của Jaccard và Turrisi (2003) hay Echambadi và Hess (2007). Kết quả hồi quy cho thấy, hệ số này khác 0 không có ý nghĩa thống kê. Nhưng ngược lại, hệ số ước lượng của biến FEM điều chỉnh lại thể hiện mối tương quan dương và có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 5%. Vì thế, bài viết nhận thấy, chiến lược công ty càng tập trung vào yếu tố đổi mới hay nói khác hơn là tập trung nghiên cứu phát triển thì càng nâng cao vai trò của nữ giới trong việc cải thiện hiệu quả hoạt động của DN.
Nhằm kiểm tra độ tin cậy của mô hình, tác giả tiến hành kiểm định các giả định của mô hình hồi quy cho dữ liệu bảng. Thực hiện kiểm định Breusch-Godfrey cho thấy, mô hình không có hiện tượng tự tương quan đến bậc 2. Ngoài ra, bằng phân tích hệ số tương quan giữa các biến, bài viết tìm thấy hệ số tương quan giữa các biến đều nhỏ hơn 0.8 nên có thể bác bỏ giả thuyết cho rằng, mô hình có hiện tượng đa cộng tuyến. Nhìn chung kết quả kiểm định chứng tỏ mô hình đa biến được thực hiện là rất đáng tin cậy. Kết quả nghiên cứu này sẽ góp phần bổ sung vào các nghiên cứu thực nghiệm trước đây, một mặt, củng cố kết quả các nghiên cứu thực nghiệm và các lý thuyết phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các DN ở Việt Nam cũng như trên thế giới; mặt khác, bổ sung một một nhân tố mới, làm cơ sở cho các nghiên cứu sau này để nghiên cứu sâu hơn.
Một số đề xuất và kiến nghị
Với kết quả trên, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN trong thời gian tới, tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, DN cần xây dựng cấu trúc vốn phù hợp, cố gắng duy trì tỷ lệ nợ vì kết quả nghiên cứu cho thấy mối tương quan dương giữa hiệu quả và đòn bẩy. Tuy nhiên, DN cần thực hiện song song các chính sách quản trị rủi ro tài chính tránh để DN rơi vào trạng thái kiệt quệ tài chính. Bên cạnh đó, vì chi phí sử dụng vốn có mối tương quan âm với hiệu quả hoạt động nên DN cần tìm kiếm nguồn tài trợ có chi phí thấp hơn.
Thứ hai, các DN cần bỏ đi quan điểm ưu niên nam giới trong hoạt động quản lý DN, việc cân bằng văn hóa, giới tính độ tuổi trong một DN như các nghiên cứu gần đây là hết sức cần thiết. Kết quả nghiên cứu trên cũng ủng hộ việc sử dụng nhiều nữ giới hơn trong hoạt động quản lý DN nói chung và các DN niêm yết nói riêng.
Thứ ba, DN cần chú trong hơn trong hoạt động nghiên cứu và phát triển, vì DN không ngừng đổi mới và phát triển sẽ giúp DN có cơ sở hoạt động hiệu quả hơn. Mặt khác, khi DN xây dựng chiến lược phát triển DN theo hướng đổi mới sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của nữ giới trong vai trò quản lý DN, giúp DN hoạt động ngày càng hiệu quả hơn nữa.