Ninh Bình: Sử dụng nguồn kinh phí khuyến công hiệu quả, đúng hướng, đúng đối tượng
Đồng hành với sự phát triển chung của địa phương, chương trình khuyến công tỉnh Ninh Bình đã phát huy hiệu quả. Nguồn vốn khuyến công đã hỗ trợ đúng hướng, đúng đối tượng, đúng mục đích, qua đó tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến các địa bàn nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm.
Mang lại hiệu quả kinh tế cao
Theo Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình, thời gian qua, các đề án khuyến công đã khuyến khích cơ sở công nghiệp nông thôn thúc đẩy sản xuất, đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ... Nguồn kinh phí khuyến công đã được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế-xã hội tại địa phương.
Năm 2023, khuyến công tỉnh Ninh Bình được phê duyệt triển khai 35 đề án với tổng kinh phí là 7.828 triệu đồng. Trong đó, có 3 đề án khuyến công quốc gia với kinh phí là 3.500 triệu đồng; 32 đề án kinh phí khuyến công địa phương với kinh phí là 4.328 triệu đồng.
Số liệu thống kê cho thấy, khuyến công tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành 10 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất với kinh phí 1.730 triệu đồng; 2 đề án hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn với tổng kinh phí hỗ trợ 400 triệu đồng.
Đánh giá hiệu quả những dự án đã hoàn thành, đại diện Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình cho biết, công tác khuyến công đã bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình khuyến công từng giai đoạn, nội dung cụ thể, rõ ràng, phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của doanh nghiệp, có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các địa bàn nông thôn.
Bên cạnh đó, năm 2023, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 đã phối hợp Trung tâm Khuyến công hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến hàng nông sản xuất khẩu cho Công ty TNHH Thanh An, xã Yên Sơn, TP. Tam Điệp; Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu, phường Nam Sơn, TP. Tam Điệp; Công ty TNHH chế biến nông sản xuất khẩu Vinasam, xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh. Hay ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất mỳ gạo tại Công ty TNHH sản xuất và phân phối thực phẩm An Phú, xã Kim Chính, huyện Kim Sơn...
Qua nghiệm thu các đề án, Trung tâm khuyến công cho biết, các thiết bị đầu tư của các đơn vị thụ hưởng đã giúp tự động hóa một số khâu sản xuất, chế biến giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí và hạ giá thành sản phẩm, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Sử dụng hiệu quả nguồn "vốn mồi"
Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, năm 2024, HĐND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt hỗ trợ 29 đề án khuyến công với kinh phí 5.488 triệu đồng cho 22 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh.
Để sử dụng hiệu quả kinh phí khuyến công được giao, đưa nguồn kinh phí này thực sự trở thành “vốn mồi” để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, Sở Công Thương Tỉnh khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với phòng Kinh tế/Kinh tế-Hạ tầng các huyện, thành phố và đơn vị thụ hưởng khẩn trương thực hiện đúng tiến độ các đề án khuyến công đã được phê duyệt.
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị trong việc thực hiện đề án, giúp tháo gỡ khó khăn, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí khuyến công đúng mục đích, giải ngân kịp thời, thực hiện thanh quyết toán đúng quy định.
Phối hợp với các cơ quan tuyên truyền, xây dựng chương trình và dành thời lượng phát sóng cần thiết để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về khuyến công của Nhà nước; tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công tại địa phương.
Đồng thời, chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định về xây dựng, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công của tỉnh cho phù hợp với các văn bản pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công...
Bên cạnh các hoạt động khuyến công theo đề án có hỗ trợ tài chính, cần tăng cường hoạt động tư vấn khuyến công hỗ trợ phi tài chính cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn và áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.
Về phía Trung tâm khuyến công, đại diện Trung tâm cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai xây dựng các đề án khuyến công địa phương và khuyến công quốc gia một cách hiệu quả. Qua đó, hỗ trợ tích cực hơn cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất; đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, khai thác hết tiềm năng lợi thế của địa phương; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, làm tăng doanh thu cho đơn vị; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.