Tạo sức bật từ nguồn vốn khuyến công


Nhiều năm qua, từ nguồn vốn “mồi” thuộc chương trình khuyến công của tỉnh đã giúp nhiều doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn TP. Cà Mau đầu tư cải tiến trang thiết bị, máy móc sản xuất. Từ đó, vừa góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Chất lượng gạo đạt chuẩn nhờ được trang bị hệ thống máy tách màu gạo từ Ðề án Khuyến công tỉnh Cà Mau.
Chất lượng gạo đạt chuẩn nhờ được trang bị hệ thống máy tách màu gạo từ Ðề án Khuyến công tỉnh Cà Mau.

Doanh nghiệp tư nhân Hiệp Phát 2 (xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau) là đơn vị thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công tỉnh năm 2022 thông qua Ðề án Hỗ trợ máy móc tiên tiến trong xay xát gạo (gọi tắt là máy tách màu gạo). Theo đó, máy tách màu gạo có vốn đầu tư là 860 triệu đồng, doanh nghiệp được hỗ trợ 210 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng.

Theo chia sẻ của ông Trịnh Chí Vĩ - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hiệp Phát 2, quy trình xay xát gạo đạt tiêu chuẩn cần trải qua các bước như: bóc vỏ hạt (xay xát), phân chia hỗn hợp sau bóc vỏ, xát trắng gạo, tách màu gạo và đóng gói. Trong đó, máy tách màu gạo là thiết bị đóng vai trò rất quan trọng trong dây chuyền chế biến gạo. Thiết bị này giúp tự động hoá quá trình phân loại hạt gạo kém chất lượng ra khỏi thành phẩm. Ðồng thời, chọn lọc ra những hạt gạo đạt tiêu chuẩn về chất lượng.

Sau khi Doanh nghiệp Tư nhân Hiệp Phát 2 được hỗ trợ máy tách màu gạo thì việc phân loại hạt gạo dễ dàng hơn. Máy đã loại bỏ những hạt gạo bị đen, vàng, gạo nửa trấu hay gạo bị lẫn tạp chất. Ðiều này đảm bảo chất lượng của hạt gạo luôn cao nhất trong sản xuất, chế biến và cạnh tranh, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhờ đó, doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng xay xát gạo và gia công tách màu gạo của khách hàng.

Ông Huỳnh Hữu Lực - Cơ sở giết mổ Thuý Lực, Khóm 2, Phường Tân Xuyên, TP. Cà Mau, cho biết, cơ sở giết mổ Thuý Lực được thành lập từ năm 2013. Nhiều năm trước, nước thải sinh ra từ hoạt động giết mổ của cơ sở phải thu gom thủ công gây tốn kém, ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Tuy nhiên, năm 2022, cơ sở được tiếp sức 118 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công của tỉnh để cải tiến hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, chất thải sinh ra từ hoạt động giết mổ hoàn toàn được xử lý triệt để. Ðây là điều kiện thuận lợi để cơ sở mở rộng việc kinh doanh nhờ đảm bảo vệ sinh thú y...

Chất thải từ hoạt động giết mổ của cơ sở giết mổ Thuý Lực, Khóm 2, Phường Tân Xuyên, TP. Cà Mau được kiểm soát nhờ được hỗ trợ hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường.
Chất thải từ hoạt động giết mổ của cơ sở giết mổ Thuý Lực, Khóm 2, Phường Tân Xuyên, TP. Cà Mau được kiểm soát nhờ được hỗ trợ hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Phó trưởng phòng Kinh tế TP. Cà Mau, cho biết, theo thống kê của Phòng Kinh tế thành phố, giai đoạn 2020-2023, trên địa bàn TP có 4 công ty, cơ sở, doanh nghiệp được hưởng lợi từ Ðề án Khuyến công tỉnh, tổng kinh phí được hỗ trợ 685 triệu đồng. Cụ thể, năm 2020, Ðề án Khuyến công tỉnh hỗ trợ dây chuyền sản xuất rượu cho Công ty TNHH Nguyễn Gia, Phường 8; năm 2022, hỗ trợ ứng dụng máy móc cho 2 cơ sở đã đề cập; năm 2023, hỗ trợ hệ thống máy tách màu, phân kích cỡ sản xuất gạo sạch cho Công ty TNHH Thuận Xương, Khóm 8, Phường 7.

Qua ghi nhận thực tế, đa phần các cơ sở công nghiệp nông thôn chủ yếu là hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế nên rất khó đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Ðội ngũ cộng tác viên hoạt động trong lĩnh vực khuyến công địa phương đa số công tác tại Phòng kinh tế, phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên chất lượng hoạt động khuyến công không cao. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí được cấp hằng năm cho hoạt động khuyến công ít và mức hỗ trợ cơ sở sản xuất kinh doanh thấp nên việc thu hút đối tượng thụ hưởng còn nhiều hạn chế.

Ông Trịnh Chí Vĩ mong muốn, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ các nguồn vốn để cơ sở ông thay thế một số dây chuyền, máy móc có tuổi thọ hơn 10 năm đã xuống cấp. Nếu máy móc được cải tiến, chất lượng sản phẩm sẽ tốt hơn, tiết kiệm chi phí, nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh thị trường, hướng tới thị trường xuất khẩu gạo.

Ðể hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, TP. Cà Mau cũng đã xây dựng các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai trong thời gian ngắn hạn, trung và dài hạn. Trong đó, sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước. Qua đó, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp...

Theo Bích Lệ/ Báo Cà Mau