Nợ công - nguồn vốn quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển

PV.

(Tài chính) Nợ công là nguồn vốn quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng. Nhiều công trình quan trọng, thiết yếu về giao thông, điện, nước, thủy lợi, y tế, giáo dục… đã hoàn thành, phát huy hiệu quả và đang tiếp tục đầu tư xây dựng mới, góp phần thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng. Nguồn: internet
Trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng. Nguồn: internet

Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, đã hoàn thiện hệ thống đường giao thông quan trọng của đất nước, như: QL1A, QL18, QL10, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14B, QL6, QL32, QL37, QL2, QL3, QL4C, QL70, QL4D, QL4E, QL14D, QL19, QL22B, QL80, QL18, QL60, QL279, đường xuyên Á, hầm đường bộ đèo Hải Vân, tăng cường cơ sở hạ tầng đường sắt…., nhờ đó đã phát huy tác dụng tích cực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác các tiềm năng thế mạnh của các vùng, tạo việc làm, giảm đói nghèo, tăng cường năng lực quản lý và đảm bảo an toàn ngành giao thông vận tải quốc gia.

Việc đầu tư bằng nguồn vốn vay cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xoá đói giảm nghèo ngày càng được chú trọng, với tỷ lệ năm sau cao hơn năm trước. Nguồn vốn vay chính phủ đã được đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, các công trình thuỷ lợi, đê điều, hồ chứa nước và các công trình thuỷ lợi cấp bách; phát triển hệ thông điện nông thôn, giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản kết hợp xoá đói giảm nghèo; phát triển lâm nghiệp, trồng và bảo vệ rừng; cung cấp tín dụng quy mô nhỏ, hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, đã tạo điều kiện chủ động điều hoàn nguồn nước tưới, tiêu, ngăn mặn, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn cho người dân và nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc giảm 50% hộ đói nghèo vào năm 2015.

Thực hiện chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo của đất nước “coi giáo dục là quốc sách hàng đầu”, Chính phủ tiếp tục chú trọng bố trí từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho ngành giáo dục để thực hiện được mục tiêu kiên cố hoá trường lớp học, xoá bỏ tình trạng “tranh tre nứa lá” của các trường học trong cả nước; xây dựng nhà công vụ cho giáo viên ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng ký túc xá sinh viên nhằm góp phần tạo điều kiện ăn ở thuận lợi cho học sinh, sinh viên; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và phương tiện dạy và học ở tất cả các cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục đại học, dạy nghề...), đầu tư xây dựng một số trường đại học đạt chuẩn quốc tế nhằm phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, nâng cao chất lượng và tiếp cận với nền giáo dục và đào tạo tiên tiến trên thế giới, góp phần ổn định, phát triển chiều sâu và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong thời gian tới.

Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác y tế chăm sóc sức khoẻ nhân dân. . Đối với nguồn vốn vay ODA của Chính phủ đã được ưu tiên sử dụng để đầu tư nâng cấp cơ sở, trang thiết bị cho các cơ sở y tế (cả lĩnh vực điều trị và dự phòng), đặc biệt quan tâm đến hệ thống y tế cơ sở, hiện đại hóa các bệnh viện tuyến Trung ương; hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học về y và dược; cung cấp trang thiết bị thông dụng, thiết bị cơ bản cho các đơn vị theo quy định; hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo bằng các hình thức hỗ trợ giúp cho các đối tượng này có khả năng tiếp cận được các dịch vụ y tế; tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, và kế hoạch hóa gia đình, chương trình dinh dưỡng, hỗ trợ phương tiện tránh thai, giảm tử vong mẹ và sơ sinh, chăm sóc trẻ thơ tại cộng đồng và thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, thay đổi hành vi, giúp nâng cao năng lực cho cán bộ cũng như hiểu biết của người dân, từ đó nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân.  

Trong lĩnh vực môi trường, nguồn vốn vay (chủ yếu là vay ODA) đã được sử dụng cho việc phát triển đô thị, cấp thoát nước, xử lý chất thải và vệ sinh môi trường, cải thiện điều kiện môi trường sống cho người dân ở các thành phố, thị xã trên cả nước; hỗ trợ cho công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý rủi ro thiên tai, trồng rừng và quản lý nguồn nước, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.v.v.

Ngoài ra, nhiều chương trình cải cách kinh tế, xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội cũng đã được ưu tiên sử dụng từ nguồn vốn vay nước ngoài như chương trình tăng trưởng và giảm nghèo, đặc biệt ở các vùng khó khăn, tín dụng cho người nghèo, học sinh sinh viên, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cạnh tranh, cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách hành chính, thực hiện chính sách an sinh xã hội..., góp phần giảm bớt sự chênh lệch về trình độ phát triển và mức sống giữa các vùng. Vốn vay ODA đã có đóng góp đáng kể để tiếp nhận khoa học công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tăng cường nguồn lực con người và phát triển thể chế, thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp tạo ra cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ, đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý của các Bộ, ngành và các địa phương.

Góp phần tích cực hỗ trợ ngân sách của các địa phương

Trong thời gian qua, Chính phủ đã chú trọng phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư cho hàng loạt các dự án, tiểu dự án giao thông, thuỷ lợi của các địa phương, gồm hệ thống đường giao thông đến trung tâm xã, các dự án thuỷ lợi miền núi, thuỷ lợi đồng bằng Sông Hồng, thuỷ lợi đồng bằng Sông Cửu Long, an toàn hồ chứa, kè biên giới và các dự án giao thông, thuỷ lợi cấp bách khác, góp phần đáng kể phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Việc ưu tiên bố trí vốn trái phiếu chính phủ còn để thực hiện được mục tiêu kiên cố hoá trường lớp học, xoá bỏ tình trạng “tranh tre nứa lá”, đầu tư xây dựng các bệnh viện tuyến huyện, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp tỉnh, một số bệnh viện lao, tâm thần, góp phần đảm bảo điều kiện khám chưa bệnh cho nhân dân, giảm tải các bệnh viện ở tuyến Trung ương.

Chính phủ cũng đã đã tăng cường ưu tiên phân bổ vốn ODA cho các địa phương. Chỉ tính trong giai đoạn 2010-2014, đã thực hiện cấp phát bổ sung có mục tiêu cho các địa phương 59.658 tỷ đồng, bình quân đạt 11.930 tỷ đồng/năm, chủ yếu tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thuỷ lợi, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị, trường học, bệnh viện, phát triển nông nghiệp và nông thôn kết hợp với xoá đói, giảm nghèo, tăng cường cho quỹ đầu tư phát triển địa phương trong cả nước.

Ngoài ra, còn có các nguồn vốn huy động của chính quyền địa phương từ vay tồn ngân Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và Luật quản lý nợ công cũng đã góp phần quan trong giúp các địa phương xử lý đầu tư các công trình xây dựng cơ bản trong khi nguồn thu ngân sách địa phương chưa tập trung kịp, xử lý thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành các công trình kinh tế - xã hội quan trọng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình phục vụ nhiệm vụ cấp bách của địa phương về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.