Agribank Ninh Thuận:
Nỗ lực để “tàu 67” vươn khơi
Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh Ninh Thuận được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ 71 tàu cá được vay vốn đặt hàng đóng mới và nâng cấp; trong đó, có 66 chiếc khai thác và 5 chiếc tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ninh Thuận (Agribank Ninh Thuận) đã tiên phong, nỗ lực cùng ngư dân triển khai dự án để những con “tàu 67” sớm ra khơi.
Agribank là ngân hàng tiên phong thực hiện “tàu 67”
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng Tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước tỉnh Ninh Thuận khi chia sẻ với phóng viên của TTXVN xung quanh vấn đề triển khai Nghị định 67 (NĐ 67) ở địa phương. Ông Tuấn chia sẻ: “Agribank Ninh Thuận tích cực nhất trong việc triển khai cho vay vốn cho ngư dân đóng tàu, khai thác đánh bắt xa bờ theo NĐ67.
Đợt 1, tỉnh triển khai, thẩm định cho 13 dự án thì chỉ có duy nhất Agribank triển khai, nhưng có 5 chủ dự án xin tạm rút vì lý do chưa sắp sếp được hoặc chưa chuẩn bị được nhân lực quản lý tàu xa khơi, còn lại 8 dự án đã xong. Đợt 2, cả tỉnh triển khai 7 chiếc thì có đến 6 chiếc do Agribank triển khai và rút kinh nghiệm từ đợt 1, đợt này việc thẩm định, giải ngân đã nhanh hơn rất nhiều khiến ngư dân rất phấn khởi”.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm: “Khi triển khai, Agribank Ninh Thuận đã xuống thẩm định dự án với ngư dân, đưa ngư dân đi tận nhà máy đóng tàu để tham khảo mẫu tàu, thời gian đóng và đặc biệt giao tiền cho nhà máy đóng tàu nên tất cả các bên đều yên tâm, dự án triển khai nhanh”.
Trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai Nghị định 67 ở địa phương, đồng chí Lưu Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải, cho biết: “Quá trình thực hiện NĐ67 bước đầu cũng gặp không ít khó khăn, nhưng với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, địa phương đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn để ngư dân hoàn thành các khâu từ đăng ký, đến tiếp cận nguồn vốn trong thời gian sớm nhất.
Không những vậy, trong quá trình thực hiện, từ lãnh đạo huyện đến phòng NN&PTNT và cán bộ tín dụng Agribank chi nhánh Ninh Hải còn thường xuyên đến gặp gỡ, tìm hiểu, động viên, thuyết phục để ngư dân thông, hiểu rồi tham gia chương trình. Nhờ đó, đến nay có thể nói, các khó khăn, vướng mắc của ngư dân đã được tháo gỡ kịp thời, công tác phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện được hưởng chính sách đóng tàu theo NĐ 67 được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đúng đối tượng”.
Tàu Hoàng Sa khai thác trên biển Trường Sa
Trước đây, ở Ninh Thuận tàu từ 300CV – 400CV được xem là “có tầm cỡ”, nhưng bây giờ, chừng ấy mã lực chẳng ăn thua gì so với con tàu Việt Anh – tàu dịch vụ hậu cần đầu tiên của những chiếc “tàu 67”. Đưa chúng tôi ra ngắm “con tàu 67” vừa hạ thủy, anh Hải vui mừng: “Gia đình tôi may mắn là 1 trong 3 hộ đầu tiên ở huyện Ninh Hải được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định 67. Mặc dù con tàu có khối tài sản lên tới 7,9 tỷ đồng, nhưng gia đình chỉ bỏ ra nguồn vốn đối ứng 5% trên tổng giá trị con tàu. Đặc biệt, trong quá trình đóng tàu, lãnh đạo huyện và cán bộ tín dụng Agribank Ninh Hải luôn quan tâm, theo sát tiến độ để giải ngân kịp thời nhu cầu của chúng tôi”.
Tàu Việt Anh được bố trí 18 hầm bảo quản có tổng dung tích 54m3, được thi công với quy trình tiên tiến nhất, có thể đáp ứng hoàn toàn các chỉ tiêu: Hiệu quả bảo quản, an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn sức khỏe cho ngư dân. Tàu được trang bị hệ thống hệ thống nhiên liệu đảm bảo cho tàu hoạt động liên tục trong 30 ngày. Tàu được chế tạo hoàn toàn bằng vật liệu composite, được cơ quan có chức năng đăng kiểm và giám sát thi công, có khả năng hoạt động an toàn trong sóng cấp 7, cấp 8.
Tàu vỏ thép được đóng mới đầu tiên của Ninh Thuận của ngư dân Dương Văn Thắng (phường Mỹ Đông, TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một con tàu đặc biệt: tàu mang tên Hoàng Sa. Tàu Hoàng Sa này chuyên làm nhiệm vụ cung cấp nhiên liệu, lương thực thực phẩm, đồng thời thu mua hải sản cho các chủ tàu cá đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, nhà giàn DK1. Tàu Hoàng Sa sử dụng máy Yanmar (Nhật Bản) với công suất máy 829 HP, tàu có chiều dài 28m, chiều rộng 8,2m, chiều cao mạn 3,65m, tốc độ tối đa đạt 12 hải lý/giờ, tầm hoạt động 1.500 hải lý.
Tàu có thể hoạt động 20 ngày đêm liên tục trên biển. Tàu được trang bị 12 khoang lạnh bằng hình thức ướp đá và 4 hầm bảo quản, nhiệt độ -5 đến -18 độ C, cách nhiệt bằng Foam. Đây là tàu cá thứ ba được đưa vào sử dụng tại Ninh Thuận được đóng theo chương trình vay vốn ưu đãi từ nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, với tổng vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng. Tàu Hoàng Sa là tàu tiếp sức cho ngư dân vươn khơi bám biển, khai thác hiệu quả nguồn lợi từ biển, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ngày 23/3/2016, tàu cá mang tên Hải Dương số hiệu NT-91144 TS có công suất trên 800 CV của ông Nguyễn Văn Mười, ngư dân thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) đã hạ thủy tại Xưởng đóng tàu của Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (Hòn Rớ, Khánh Hòa). Đây cũng là con tàu thứ 8 trong “sơ ri” 8 tàu đầu tiên được cho vay vốn theo NĐ67.
Trong năm 2016, dự kiến Ninh Thuận sẽ tiếp tục đầu tư cho vay thêm 12 tàu. Một số khó khăn vướng mắc liên quan đến vốn tín dụng như cho ngư dân vay phần ứng trước cho cơ sở đóng tàu ngay sau khi ký hợp đồng; kéo dài thời gian trả nợ dự án (từ 11 năm lên 16 năm đối với tàu vỏ thép và vật liệu mới) để giảm áp lực trả nợ do các tàu loại này có suất đầu tư lớn và một số vướng mắc khác đã được tháo gỡ bằng Nghị định 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ bổ sung, sửa đổi Nghị định 67. Vướng mắc trong khâu thiết kế và phê duyệt thiết kế chậm đang được khắc phục. Tuy nhiên, các ngư dân cũng muốn sau khi có tàu muốn được vay thêm vốn lưu động.
Theo ông Đặng Ngọc Ba – Giám đốc Agribank Ninh Thuận thì Agribank luôn tập trung triển khai thực hiện và tạo điều kiện tốt nhất để ngư dân triển khai dự án, đi tham quan nhà máy đóng tàu và lắng nghe những những đề xuất của ngư dân để những “tàu 67” nhanh nhất được ra khơi.