Ngân hàng Nhà nước:

Nỗ lực ổn định thị trường tiền tệ, ổn định tỷ giá

Minh Vân

Theo các chuyên gia, 2024 là năm khó khăn đối với điều hành chính sách tiền tệ và ngoại hối do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất cao và kéo dài ngoài dự kiến. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phải tìm cách ổn định thị trường tiền tệ, ổn định tỷ giá, trong đó có động thái bán ngoại tệ để can thiệp.

Để ổn định tỷ giá, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ bán ngoại tệ để can thiệp thị trường hoặc tăng lãi suất.
Để ổn định tỷ giá, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ bán ngoại tệ để can thiệp thị trường hoặc tăng lãi suất.

Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, nhận định về tỷ giá, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, đây là một vấn đề lớn, phức tạp trong quá trình điều hành thời gian qua. Tỷ giá có quan hệ tổng hoà với nhiều yếu tố vĩ mô về lãi suất, cung tiền, tác động từ các nền kinh tế lớn, tâm lý thị trường.

Để giải quyết vấn đề này, NHNN đã linh hoạt sử dụng nhiều biện pháp. Trong trường hợp cần thiết sử dụng các biện pháp mạnh bán ngoại tệ đảm bảo vừa giữ tỷ giá ở mức hợp lý. Đảm bảo nguồn cung ngoại tệ doanh nghiệp, giữ ổn định tâm lý nhà đầu tư trong và ngoài nước…

"Trong điều hành tỷ giá, nhất là trước bối cảnh nền kinh tế biến động điều hành tỷ giá phải rất linh hoạt không thể cứng hay cố định. Phải làm sao đảm bảo hài hoà giữa các vấn đề như trạng thái ngoại tệ, cung cầu ngoại tệ, xuất khẩu, nhập khẩu, tỷ giá, lãi suất…", Phó Thống đốc phân tích.

Từ đầu năm VND đã mất giá 4,4% so với đồng USD, mức khá thấp so với nhiều nước khác trên thế giới. NHNN cho biết sẽ có những biện pháp điều hành hài hoà, linh hoạt hai vấn đề lãi suất và tỷ giá để đảm bảo trạng thái tỷ giá, trạng thái cung cầu ngoại tệ.

Bà Nguyễn Linh Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) thừa nhận, 2024 là năm khó khăn đối với điều hành chính sách tiền tệ và ngoại hối do Fed duy trì lãi suất cao và kéo dài ngoài dự kiến. Mặc dù vậy, mức mất giá của VND từ đầu năm đến nay khoảng 4% là phù hợp, thấp hơn nhiều quốc gia khác (mất giá 5 - 7%).

Theo bà Linh, thời gian qua, trong điều hành, NHNN cũng phải nỗ lực để ổn định thị trường tiền tệ, ổn định tỷ giá, trong đó có động thái bán ngoại tệ can thiệp.

“Diễn biến của tỷ giá nửa cuối năm được dự đoán là sẽ bớt sóng gió hơn nửa đầu năm. Tỷ giá đang được hỗ trợ bởi nguồn cung kiều hối dồi dào, xuất khẩu được cải thiện và kỳ vọng Fed giảm lãi suất vào tháng 9 tới”, bà Linh nhận định

Ông Trần Ngọc Báu - CEO Công ty cổ phần (CTCP) Dữ liệu và Công nghệ tài chính WiGroup cũng cho rằng, tỷ giá vẫn đang chịu áp lực do lãi suất của Fed được duy trì ở mức cao. Cầu tích trữ USD trên thế giới tiếp diễn trong bối cảnh bất ổn chính trị kéo dài.

Ông Trần Ngọc Báu cho rằng, nếu NHNN tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong bối cảnh toàn cầu vẫn đang thắt chặt tiền tệ, thì áp lực tỷ giá sẽ còn tiếp diễn. Khi đó, NHNN chỉ có thể bán ngoại tệ can thiệp thị trường hoặc tăng lãi suất. Hiện lãi suất điều hành chưa tăng, song lãi suất trên thị trường 1 đã bắt đầu tăng, chủ yếu xuất phát từ áp lực tỷ giá.

Theo các chuyên gia, hiện nay, NHNN đang “gồng” cả về tỷ giá và lãi suất. Lãi suất liên ngân hàng dự báo vẫn sẽ duy trì quanh ngưỡng 4-5%, trong đó áp lực chủ yếu vào quý III và có thể hạ nhiệt vào quý IV/2024.

Trong thời gian tới, nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục sử dụng linh hoạt công cụ thị trường mở. Duy trì lãi suất liên ngân hàng lên ngưỡng cao nhằm giảm chênh lệch lãi suất VND và USD để giảm sức ép cho tỷ giá.

Về vấn đề tỷ giá, trong báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, bước sang nửa cuối năm 2024, nhà điều hành vẫn phải đối diện với áp lực về tỷ giá. Nguyên nhân là sức mạnh của đồng USD được dự báo vẫn sẽ tiếp tục duy trì bởi 3 yếu tố chính.

Một là, chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nước khác vẫn cao do Fed cắt lãi suất chậm hơn và ít hơn các ngân hàng trung ương khác. Hai là, nhiều nhà kinh tế cho rằng nếu Trump thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ khiến lạm phát tăng trở lại, từ đó ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Fed. Ba là, rủi ro địa chính trị kéo dài dẫn đến nhu cầu tích trữ USD như một kênh trú ẩn an toàn.

Trước bối cảnh đó, VDSC cho rằng NHNN có thể sẽ phải tiếp tục tiêu hao dự trữ ngoại hối nếu muốn ghìm cương tỷ giá. Nếu áp lực tỷ giá không suy giảm, không loại trừ khả năng NHNN sẽ phải tăng lãi suất điều hành trong quý III/2024. 

CTCP Chứng khóa KB Việt Nam (KBSV) có cái nhìn khá khả quan khi dự báo về tình hình tỷ giá những tháng cuối năm 2024. Theo đó, tỷ giá sẽ ổn định trở lại và mức tăng cả năm ở mức 3,5%, tương ứng đạt 25.120 USD/VND.

"Biện pháp bán ngoại tệ có thể vẫn sẽ được áp dụng tuỳ thời điểm, tuy nhiên khối lượng bán được kỳ vọng là tương đối nhỏ. Việc tăng lãi suất điều hành, hay tăng lãi suất OMO, tín phiếu được dự báo sẽ không xảy ra", KBSV kỳ vọng.