Nỗ lực xuất khẩu bù hụt thu do giá dầu giảm
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, trong năm 2015, Việt Nam đã nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực trong đó có mặt hàng gạo để "kéo" lại kim ngạch xuất khẩu do giá dầu giảm.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2015, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 162,4 tỉ USD, tăng 8,1% so với năm 2014. Đây là mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua.
Báo cáo trước đó của Tổng cục Hải quan cũng cho biết, tháng 10/2015 lượng dầu thô xuất khẩu của cả nước đạt gần 7,7 triệu tấn, tăng nhẹ 1,2%, tuy nhiên kim ngạch chỉ đạt 3,26 tỉ USD, giảm mạnh tới 48,3%, nguyên nhân chính do các đơn giá xuất khẩu giảm mạnh 48,9% so với cùng kỳ.
Tính đến hết tháng 10/2015 kim ngạch xuất khẩu dầu thô đã giảm tới 3,04 tỉ USD.
Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 28/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: "Tháng 10 dự báo xuất khẩu dầu thô khoảng 50 USD/thùng nhưng diễn biến thị trường giá dầu thô giảm, liên tục chạm đáy chỉ còn 35-36 USD/thùng khiến kim ngạch xuất khẩu dầu thô năm 2015 mất hơn 3 tỉ USD. Nếu giá dầu không tụt mạnh chắc chắn chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu đạt trên 10%".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng, trong năm 2015, Việt Nam đã nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực trong đó có mặt hàng gạo để "kéo" lại kim ngạch xuất khẩu.
“Đầu năm 2015, đã có nhiều ý kiến băn khoăn xuất khẩu gạo sẽ gặp khó khăn, tuy nhiên, thực tế có rất nhiều đơn hàng lớn Việt Nam đã ký kết được trong năm với Indonesia, Philippines và mới đây nhất là Timor Leste với hợp đồng dài hạn khoảng 2.000 tấn/năm”, Bộ trưởng cho biết.
Đồng thời, tháng 8/2015 vừa qua, việc đưa một số mỏ dầu tại nước ngoài vào khai thác xuất khẩu tại chỗ như mỏ dầu ở Algieria, mỏ ở Liên bang Nga và Peru đã mang nguồn thu ngoại tệ của ngành dầu khí ở nước ngoài khoảng 1,4 tỉ USD.
“Trong bối cảnh các nền kinh tế đều sụt giảm rất lớn trong năm 2015 như Trung Quốc giảm 8% mà ta vẫn duy trì tăng trưởng xuất khẩu trên 8% thì đây là nỗ lực rất lớn về cân đối kinh tế vĩ mô. Việc kiềm chế nhập siêu ở mức 2% trong khi chỉ tiêu Quốc hội cho phép là 5% cũng là một nỗ lực trong điều hành của Chính phủ và các đơn vị liên quan”, Bộ trưởng cho biết.
Sang năm 2016, các hiệp định thương mại tự do (FTA) như TPP, EU, Hàn Quốc... sẽ mở ra cơ hội lớn cho việc mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước của Việt Nam. Tuy nhiên, để nắm được cơ hội, yêu cầu chất lượng và tiêu chuẩn cần được nâng cao.
Bộ trưởng Hoàng lưu ý, nếu sản phẩm của chúng ta đang có lợi thế vi phạm các tiêu chuẩn kỹ thuật, ví dụ như dù chỉ một lô hàng thủy sản, nông sản phát hiện có dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép và bị trả về sẽ không những không khai thác được các ưu đãi do hiệp định mang lại mà còn ảnh hưởng đến uy tín hàng hoá Việt Nam.
Bộ trưởng cũng thông tin bản dịch cuối cùng của Hiệp định TPP sẽ được công bố vào đầu tháng 1/2016, Hiệp định Việt Nam-EU đang rà soát lại lời văn và sẽ được công bố trong quý I/2016.
Trước đó, phát biểu của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng cho biết, giá của hàng loạt các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, cao su, tôm sú... giảm mạnh ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm qua. Mặc dù vẫn giữ khối lượng nhưng do giá giảm nên tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 2% so với năm 2014.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho rằng, kim ngạch xuống do giá xuống không phải do Việt Nam mất thị trường và điều quan trọng là chúng ta vẫn giữ được các thị trường đang có.