Nợ VAMC mua được sẽ không lớn

Theo baodautu.vn

Ngày 9/7, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chính thức đi vào hoạt động. Trao đổi với phóng viên, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng, điều quan trọng nhất quyết định thời gian xử lý nợ xấu là nguồn tiền.

Nợ VAMC mua được sẽ không lớn

PV: Nhiều người cho rằng, điều kiện mua nợ của VAMC quá chặt chẽ nên số nợ xấu được xử lý khi VAMC vào cuộc là không lớn, ông có quan điểm gì về vấn đề này?

Nợ VAMC mua được sẽ không lớn - Ảnh 1
TS. Lê Xuân Nghĩa,
Viện trưởng BDI
TS. Lê Xuân Nghĩa: Trước tiên, cần phải nói rõ rằng, VAMC chỉ xử lý khoảng 1/3 nợ xấu. Còn lại 1/3 nợ xấu các ngân hàng thương mại tự xử lý và 1/3 là Bộ Tài chính xử lý (nợ xấu xây dựng cơ bản và nợ của doanh nghiệp nhà nước).

VAMC chỉ mua lại những khoản nợ lớn hơn 1 tỷ đồng đối với khách hàng cá nhân và hơn 3 tỷ đồng đối với khách hàng doanh nghiệp.

Ngoài ra, các khoản nợ này đều phải có tài sản đảm bảo, trong đó 65% tài sản đảm bảo là bất động sản.

Với những điều kiện này, những khoản nợ mà VAMC mua được cũng không lớn.

Nhưng đây là chuyện bình thường, vì VAMC là một công ty quốc gia, nên chỉ xử lý những khoản nợ lớn. Riêng những khoản nợ xấu nhỏ, các ngân hàng phải tự xử lý.

VAMC mới chính thức đi vào hoạt động, song Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình kỳ vọng ngay trong năm 2013, VAMC sẽ xử lý được 40.000 đến 70.000 tỷ đồng nợ xấu. Kỳ vọng này có khả thi không, thưa ông?

Đến giờ phút này, hai quy định quan trọng nhất cho hoạt động của VAMC là Quy chế Nội bộ, hoạt động của công ty, Quy chế về Phát hành trái phiếu đặc biệt vẫn chưa được ký. Trong khi đó chỉ còn 5 tháng nữa hết năm, do vậy việc xử lý 40.000-70.000 tỷ đồng nợ xấu theo mục tiêu đưa ra là nhiệm vụ nặng nề.

Có điều gì đảm bảo DN sẽ tiếp cận vốn sau khi VAMC xử lý nợ xấu không, thưa ông?

Khó khăn lớn nhất trong xử lý nợ xấu là làm thế nào vừa xử lý nợ, vừa đưa được những doanh nghiệp có khả năng phục hồi trở lại.

Chính phủ đã cân nhắc và trao VAMC quyền đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp. Cụ thể, khi mua lại nợ xấu của doanh nghiệp từ ngân hàng, VAMC sẽ tiến hành xem xét. Nếu doanh nghiệp có khả năng phục hồi thì VAMC có quyền đầu tư cho doanh nghiệp bằng 2 cách.

Một là, biến nợ thành vốn góp và trả lại toàn bộ tài sản thế chấp. Khi đó, ngay lập tức doanh nghiệp có thể vay được vốn ngân hàng vì có lại tài sản đảm bảo, lại có cổ đông rất “ngon” là VAMC.

Hai là, VAMC có thể cho doanh nghiệp vay vốn lưu động hoặc đầu tư vào các dự án. Một biện pháp nữa mà VAMC có thể tiến hành là đứng ra bảo lãnh để doanh nghiệp vay vốn ngân hàng.

Theo khảo sát của BDI, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện vẫn có hợp đồng, có đầu ra tốt, song do “chết” vì nợ xấu do trót dính vào bất động. Với những trường hợp này, VAMC có thể tái cơ cấu rất tốt, khoanh nợ, gia hạn, cho vay tiếp vốn lưu động, hoặc bảo lãnh cho vay vốn ngân hàng, hoặc ghi nợ xấu thành vốn góp để trả lại tài sản thế chấp cho doanh nghiệp.

Sau khi bán nợ cho VAMC và nhận trái phiếu đặc biệt, mức chiết khấu mà các ngân hàng thương mại nhận được như thế nào, thưa ông?

Khi bán nợ xấu cho VAMC, các ngân hàng thương mại nhận trái phiếu đặc biệt và họ mang trái phiếu này thế chấp để vay vốn của NHNN qua nghiệp vụ thị trường mở. Theo đó, các ngân hàng sẽ được vay tối đa 30% giá trị trái phiếu đó, sau khi trừ đi dự phòng rủi ro đã trích lập mà chưa sử dụng, trừ đi phần nợ mà họ đã thu hồi được và trừ đi 2% số tiền thu nợ cho VAMC.

VAMC có thể giải quyết nợ xấu nhanh cũng như thúc đẩy tín dụng hồi phục nhanh không, thưa ông?

Điều quan trọng nhất quyết định thời gian xử lý nợ xấu là nguồn tiền. Nếu xử lý nợ xấu bằng nguồn tiền từ ngân sách thì bao giờ cũng nhanh hơn, GDP có thể phục hồi ngay 7,5 - 8%, tín dụng hồi phục, song rủi ro cũng rất lớn. Trong khi đó, xử lý nợ xấu bằng nguồn của NHNN bao giờ cũng chậm hơn, vì NHNN vừa xử lý nợ xấu, vừa phải dè chừng lạm phát.

Cơ quan này sẽ hút tiền về nếu lạm phát có dấu hiệu tăng, do đó, trong quá trình xử lý nợ xấu, tăng trưởng kinh tế sẽ tương đối thấp, chỉ khoảng 5,5 - 6%/năm.

Việt Nam đang xử lý nợ xấu theo mô hình hỗn hợp. Chúng ta kỳ vọng sẽ xử lý nợ xấu trong 4-5 năm. Trong thời gian đó, tín dụng sẽ tăng trưởng thấp, bất động sản phục hồi chậm. Đó là cái giá mà ta phải chấp nhận.