Nợ xấu tăng cao khiến chất lượng tài sản của TPBank đi xuống

Bảo Ngọc

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng TMCP Tiên Phong tăng cao trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu xuống thấp, khiến nhà đầu tư quan ngại về chất lượng tài sản và khả năng phòng thủ của ngân hàng.

Hoạt động tín dụng hầu như đứng yên

Theo Báo cáo tài chính quý III/2023 của TPBank, dư nợ tín dụng của Ngân hàng này tính đến ngày 30/9/2023 đạt 195.813 tỷ đồng, tăng 7,2% so với đầu năm 2023 và đạt 90,75% kế hoạch cả năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 179.946 tỷ đồng, tăng 11,8%, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt 15.867 tỷ đồng, giảm mạnh 26,6% so với đầu năm.

Tăng trưởng tín dụng TPBank so với Ngành. 
Tăng trưởng tín dụng TPBank so với Ngành. 

Nếu so với quý II/2023, tăng trưởng tín dụng của TPBank gần như đi ngang, chỉ tăng nhẹ 0,4%. Có thể nói, quý III/2023 là một trong những quý có mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất của TPBank.

Trong khi đó, hoạt động huy động vốn của TPBank tăng trưởng âm. Tiền gửi của khách hàng tại nhà băng này tính đến ngày 30/9/2023 đạt 193.753 tỷ đồng, giảm 0,6% so với đầu năm, tương đương giảm 1.207 tỷ đồng. Nguyên nhân có thể do diễn biến lãi suất huy động đã giảm mạnh trong quý III/2023 khiến huy động vốn của ngân hàng gặp khó.

Mặc dù lượng tiền gửi của khách hàng giảm, TPBank vẫn phải trả lãi tiền gửi khá lớn - 9.990 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 5.226 tỷ đồng) do chạy đua tăng lãi suất hồi cuối năm 2022. Bên cạnh đó, Ngân hàng này còn chịu các khoản chi phí trả lãi tiền vay tăng 62,2%.

Từ tháng 5/2023, TPBank bắt đầu hạ lãi suất huy động, khiến chi phí huy động (CoF) trong quý III/2023 giảm thêm được 11 điểm cơ bản so với trước. Nhờ đó, Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) cũng cải thiện hơn, lên mức 3,64%. Dựa theo số liệu trên, kỳ vọng TPBank sẽ cải thiện NIM trong năm 2024 khi chi phí huy động (CoF) cải thiện trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp.

Nhìn chung, chi phí trả lãi cao là nguyên nhân khiến thu nhập lãi thuần (NII) 9 tháng của TPBank đi xuống, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vì dịch vụ kinh doanh bảo hiểm và tư vấn không còn là “gà đẻ trứng vàng” trong năm 2023, nên nguồn thu từ dịch vụ kinh doanh và tư vấn bảo hiểm của TPBank trong 9 tháng năm 2023 sụt giảm mạnh -56% còn 291 tỷ đồng.

Điểm sáng trong kết quả kinh doanh của TPBank không đến từ hoạt động kinh doanh lõi (tín dụng) mà đến từ mua bán chứng khoán đầu tư và kinh doanh ngoại hối.  

Thu nhập từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của TPBank 9 tháng đạt 981,5 tỷ đồng, tăng 93,4% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu trừ đi chi phí mua bán chứng khoán đầu tư, ngân hàng lãi 859 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng 143,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt giúp ngân hàng thu về gần 437 tỷ đồng, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung cả 9 tháng năm 2023, TPBank ghi nhận 4.959 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2022, hoàn thành 57% kế hoạch cả năm.

Chất lượng tài sản suy giảm

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng quý III/2023 của TPBank tăng lên 3% từ mức 2,2% cuối quý II/2023 và 0,84% cuối năm 2022. Đầu năm, Đại hội đồng cổ đông TPBank đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023, trong đó tỷ lệ nợ xấu là 2,2%. Có vẻ như kế hoạch về chất lượng vay năm nay đã không được bảo đảm.  

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu và chi phí tín dụng của TPBank. 
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu và chi phí tín dụng của TPBank. 

Nợ nhóm 2 tăng 0,26% so với quý II/2023 và tăng 119,5% so với cuối năm 2023; chiếm 3.8% trên tổng dư nợ cuối quý III.

Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh, chủ yếu bởi nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ tăng mạnh 8,5 lần và 3 lần so với đầu năm. Nợ nhóm 3 là nợ cần chú ý tăng mạnh nhất, tăng 748,3% so với đầu năm lên 3.266 tỷ đồng. Riêng nợ có khả năng mất vốn tăng 37,4% lên 694 tỷ đồng, nhưng đã giảm 2,54% so với quý II/2023.

Trong quý III/2023, TPBank đã sử dụng 1.295 tỷ đồng để xử lý các khoản nợ khó đòi. Như vậy, có thể, đỉnh nợ xấu của TPBank đã được tạo trong quý III/2023 và sẽ có xu hướng giảm dần, nhờ có khi nền kinh tế hồi phục, nợ do CIC sẽ giảm, đồng thời, ngân hàng sử dụng dự phòng để xử lý nợ xấu.

Trong quý III/2023, TPBank dành 1.293 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, nâng tổng chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 9 tháng lên 1.976 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao đột biến phần nào phản ánh quan ngại về chất lượng tài sản của ngân hàng.

Mặc dù, sang quý III, TPBank đã tăng chi phí trích lập dự phòng tăng mạnh gấp 4 lần so với cùng kỳ và dự phòng sử dụng để xử lý rủi ro nợ xấu giảm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) suy giảm xuống còn 47% cuối quý III/2023 (Tỷ lệ này tại cuối quý II/2023 là 61%; trong khi năm 2022 là 135%). Đây là mức bao phủ nợ xấu thấp nhất trong vòng 10 năm nay của ngân hàng, mặc dù chi phí trích lập dự phòng tăng gấp 3,5 lần so với quý II/2023.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu được dùng để đánh giá khả năng phòng thủ của ngân hàng trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu. Với tỷ lệ trích lập dự phòng lớn (thường trên 100%), ngân hàng càng có khả năng ứng phó với những rủi ro bất thường liên quan đến nợ xấu nhưng đồng thời cũng sẽ làm sụt giảm lợi nhuận của các ngân hàng.