Nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn toàn hệ thống ngân hàng khoảng 6,9%
Nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ngân hàng hiện khoảng 5%, nếu tính cả nợ xấu tiềm ẩn, nợ theo dõi ngoại bảng, nợ bán cho VAMC.... lên tới 6,9%.
Sáng 23/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì cuộc họp.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, tăng trưởng không đồng đều tại các quốc gia, khu vực do tác động của điều kiện tài chính thắt chặt, xung đột địa chính trị, rủi ro tài chính gia tăng. Kinh tế trong nước đã có sự phục hồi tích cực, lạm phát ổn định nhưng tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do chịu tác động của kinh tế thế giới và những vấn đề nội tại của kinh tế trong nước.
Để thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm là kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ vô, NHNN chủ động điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, uyển chuyển, hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối. Lượng tiền hút luôn đảm bảo cân đối với lượng tiền cung ra nền kinh tế, đảm bảo lưu thông tốt.
Nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được NHNN triển khai đồng bộ, quyết liệt, đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tính đến ngày 28/6/2024, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023, tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong 2 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng âm, do cầu tín dụng của nền kinh tế thấp, khả năng chống chịu rủi ro cũng như hấp thụ vốn của doanh nghiệp chưa cao. Từ tháng 3 trở đi, tăng trưởng tín dụng có xu hướng tích cực hơn và bật tăng trong tháng 6/2024.
“Những số liệu tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm đã phản ánh đúng tình hình kinh tế, sức khỏe doanh nghiệp. Trong 2 tháng đầu năm, do dư âm của hậu quả dịch COVID-19 vẫn còn tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vĩ mô mới bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi. Sang quý II, vĩ mô tích cực, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng nhờ gia tăng đơn hàng, kết quả kinh doanh phục hồi nên tăng trưởng tín dụng tích cực hơn”, Phó Thống đốc chia sẻ.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng luôn đi cùng áp lực nợ xấu. Thông tin từ NHNN cho thấy, nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ngân hàng đến nay khoảng 5%, nợ xấu bao gồm cả nợ xấu tiềm ẩn, nợ ngoại bảng có nguy cơ thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC... lên tới 6,9%.
Theo đó, Theo đó, NHNN luôn chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Đồng thời, có biện pháp kiểm soát tích cực hơn, đảm bảo chất lượng tín dụng trong thời gian tiếp theo cũng như kiểm soát đc vấn đề nợ xấu, trích lập đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Trong điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế.
Đồng thời, chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên website của ngân hàng, qua đó, nhằm cung cấp thêm thông tin cho khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay.
Về vấn đề tỷ giá, Phó Thống đốc cho rằng, đây là vấn đề hết sức phức tạp trong điều hành, là mối quan hệ tổng hòa trong kinh tế vĩ mô. Theo đó, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình trong và ngoài nước, góp phần hấp thụ các cú sốc bên ngoài, giữ ổn định được thị trường ngoại tệ và hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, ổn định giá trị đồng tiền; thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.
Trong 6 tháng đầu năm, VND mất giá khoảng 4,4%, trong khi ở nhiều quốc gia phát triển (như Nhật Bản, Hàn Quốc...), mức mất giá đồng tiền lên tới 7-11%. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, mức mất giá của VND hiện hợp lý, hài hòa giữa xuất khẩu và nhập khẩu, đảm bảo đồng bộ chính sách tỷ giá, lãi suất, cũng như trạng thái cung cầu ngoại tệ.