Nội bộ Mỹ tranh cãi về mức trần nợ
Các thành viên đảng Dân chủ mặc dù nắm giữ ít quyền lực trong Quốc hội Mỹ, nhưng họ có nhiều ảnh hưởng đến vấn đề trần nợ của Mỹ. Bởi vậy, các nhà lãnh đạo đảng này đang cân nhắc liệu họ có nên chuyển lợi thế đó thành quyền thương thảo về cải cách thuế hay không.
Ngược lại, dù kiểm soát Nhà Trắng và cả hai viện của Quốc hội, nhưng các thành viên đảng Cộng hòa lại chia rẽ nội bộ sâu sắc về vấn đề này.
Mức trần nợ là mức giới hạn hợp pháp về số tiền mà chính phủ liên bang có thể vay mượn để bù đắp các khoản thâm hụt ngân sách và đáp ứng các nghĩa vụ nợ. Không đáp ứng các khoản thanh toán này có thể dẫn đến rủi ro vỡ nợ và sụt giảm xếp hạng tín dụng của Mỹ, qua đó có khả năng gây ra những cú sốc tài chính toàn cầu.
Phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm thứ 6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết ông "tự tin 100%" rằng trần nợ sẽ được nâng lên trong tháng 9.
Cần có hành động để nâng trần nợ trước ngày 29/9, chính quyền Trump cảnh báo, mặc dù một số chuyên gia tài chính nói rằng thời hạn cuối cùng có thể là giữa tháng 10. Chính quyền Trump muốn Quốc hội thông qua một mức tăng trần nợ "sạch", không có các điều khoản chính trị kèm theo.
Tuy nhiên, mặc dù có sự chia rẽ về chính sách tài khóa, nhiều thành viên đảng Cộng hòa bảo thủ đã nói sẽ không bỏ phiếu cho một dự luật về khoản nợ mà không bao gồm các lời hứa cắt giảm chi tiêu của liên bang.
Vì vậy, các nhà phân tích cho biết, Trump và các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa sẽ cần phiếu bầu của đảng Dân chủ, những người thường ủng hộ một dự luật “sạch”, để nâng trần nợ và tránh vỡ nợ.
Nắm được điều mấu chốt này, các thành viên đảng Dân chủ đang cân nhắc việc sử dụng cuộc tranh luận về nợ để gây sức ép lên đảng Cộng hòa về cải cách thuế lưỡng đảng, qua đó tạo ra sự không chắc chắn mới cho vấn đề giới hạn nợ.
Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer và lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi tỏ ra hoài nghi về việc ủng hộ tăng trần nợ khi đảng Cộng hòa theo đuổi các biện pháp cắt giảm thuế mà đảng Dân chủ cho rằng sẽ làm thâm hụt ngân sách trầm trọng thêm.
"Chúng tôi nói với đảng Cộng hòa rằng nếu ý định của họ là sử dụng tăng giới hạn nợ để cho phép cắt giảm thuế cho người giàu, họ sẽ gặp khó khăn trong việc giành được phiếu bầu của đảng Dân chủ", một thành viên đảng Dân chủ cho biết.
Người phát ngôn của Pelosi, Drew Hammill, nói trong một email: "Lãnh đạo Pelosi đã bày tỏ sự ủng hộ cho việc tăng trần nợ nhưng cũng nhắc lại những lo ngại của nhiều thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện nếu ủng hộ một động thái như vậy khi mà đảng Cộng hòa làm thâm hụt tăng thêm hàng tỷ USD với việc cắt giảm thuế cho các triệu phú và tỷ phú”.
Với những rủi ro đi kèm, Schumer và Pelosi sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn để đoàn kết các nhà lập pháp của đảng Dân chủ với nhau nếu họ muốn nhận được sự nhượng bộ của đảng Cộng hòa khi Mỹ có thể đi đến bờ vực vỡ nợ.
Thống đốc Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã bày tỏ lo ngại vào thứ 6 về khả năng trần nợ không được nâng lên.
"Nếu trần nợ không tăng, Mỹ sẽ không thể trả tất cả các hóa đơn của mình. Điều này chưa bao giờ xảy ra trước đây; đó sẽ là điều chưa từng thấy và có thể là một cú sốc lớn đối với nền kinh tế", Powell nói trong một cuộc phỏng vấn với CNBC tại một cuộc họp ở Jackson Hole, Wyoming.