Nỗi khổ startup và nỗi lòng nhà đầu tư
"Tìm kiếm nhà đầu tư, nói vui thì giống như chọn người để cưới, giống như một cuộc hôn nhân. Lúc mới thì mọi chuyện rất dễ dàng, vui vẻ, nhưng sau này mới khó khăn vì liên quan đến tiền bạc, các mối quan hệ xung quanh cuộc hôn nhân đó, rồi cuối cùng đổ vỡ", Phạm Nam Long - CEO Abivin chia sẻ.
Đường chia hai ngả - tại cả đôi bên
Chia sẻ tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019, Phạm Nam Long - CEO Abivin - startup Việt vừa vô địch World Cup Startup cho biết, vốn dĩ, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển startup. Chúng ta có một xã hội trọng giáo dục, giáo dục được hỗ trợ rất lớn bởi gia đình, nhiều nhà sẵn sàng đầu tư tiền của cho con từ nông thôn lên phố học, rồi thậm chí bán nhà cho con đi du học.
Hệ thống giáo dục của chúng ta ở các trường chuyên ở cấp trung học phổ thông cũng rất tốt, giúp chúng ta đào tạo được nhiều sinh viên có khả năng tiếp thu kiến thức từ các trường học tốt nhất thế giới. Chúng ta cũng đào tạo được những kỹ sư có cách giải quyết vấn đề trong bài toán công nghệ rất cụ thể.
Hơn nữa những người Việt ở nước ngoài quay trở về Việt Nam đầu tư đã giúp chúng ta giải được bài toán: "Tại sao giỏi nhưng vẫn nghèo?". Công thức chính là phải phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Đây là sân chơi để những người trẻ thể hiện mình, phát huy kiến thức học ở trong và ngoài nước.
Nhưng bên cạnh đó, thách thức lớn tồn tại chính là sự kiên trì của nhà đầu tư. CEO này nhận xét: "Sự kiên trì chính là cái thiếu ở đây. Người Việt Nam nói chung thường nghĩ rất ngắn. Có những loại đầu tư ngắn hạn, chỉ khoảng 1 năm đến 2 năm đã nhìn thấy kết quả. Nhưng startup khởi nghiệp thì phải 7 năm đến 10 năm, nên sự kiên trì của nhà đầu tư đâu đó vẫn còn thiếu. Chính vì cái thiếu này nên chúng ta cũng thiếu luôn các startup tỷ USD".
Ông Trần Hữu Đức - CEO VIISA.vn nói: "Ba năm trở lại đây, startup vẫn còn có sự e dè và đôi khi rất khó để tiếp cận nhà đầu tư. Nhiều khi tập đoàn lớn thì nghĩ là họ đang là người cho đi nhiều hơn, hoặc là cho rằng họ có nhiều tiền, những dự án như vậy họ có nhiều nguồn lực thì họ tự làm chứ đầu tư cho startup làm gì. Nhưng đó là những suy nghĩ rất sai lầm".
Ngược lại, ông Hanno Stegmann - Giám đốc BCG Digital Ventures cho rằng, chính nhiều startup mới là bên cho rằng mối quan hệ hợp tác giữa hai bên là ngắn hạn, vì thế họ chưa thực sự có trách nhiệm trong việc lựa chọn nhà đầu tư.
Giám đốc điều hành quốc gia IFC tại Việt Nam - Lào - Campuchia, ông Kyle F. Kelhofer cũng đồng tình với ý kiến của ông Hanno, các startup phải xác định tiền không phải là duy nhất, quan trọng cần hiểu được chính xác giá trị đằng sau sự hỗ trợ của nhà đầu tư là gì. Ông nói: "Một bộ phận startup không trân trọng sự hỗ trợ của nhà đầu tư và họ cũng không biết rằng mình có thể mang lại gì cho nhà đầu tư".
Anh Phạm Nam Long so sánh: "Tìm kiếm nhà đầu tư, nói vui thì giống như chọn người để cưới, giống như một cuộc hôn nhân. Lúc mới thì mọi chuyện rất dễ dàng, vui vẻ, nhưng sau này mới khó khăn vì liên quan đến tiền bạc, các mối quan hệ xung quanh cuộc hôn nhân đó, rồi cuối cùng đổ vỡ".
Bài toán bền vững: 1+1 không phải bằng 2
Nhà sáng lập quỹ đầu tư Golden Gate Ventures - ông Vinnie Lauria nhận định, ngay từ đầu, các startup đã phải xác định nhà đầu tư nào là phù hợp với mình cả về mối quan tâm, khát vọng và cách làm để hướng tới một mối quan hệ lâu dài: "Thật ra Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực rất nhiều cho điều đó, khi tổ chức những diễn đàn như thế này. Đây là nơi các startup và các nhà đầu tư có thể trao đổi và hiểu nhau hơn, cũng là cơ hội để họ tìm kiếm được đối tác phù hợp".
Ông Hanno Stegmann chia sẻ: "Tôi cho rằng, chúng ta, nhà đầu tư và startup có thể học ngôn ngữ của nhau. Khi nói về chiến lược, mối quan hệ đối tác phải có ngôn ngữ chung. Nếu có chung tiếng nói, về lâu về dài sẽ không có quá nhiều vấn đề phát sinh. Cả hai bên phải hiểu được lợi ích của bên còn lại là gì. Khi làm việc chung, cần phải nhìn vào trọng tâm, cái quan trọng nhất để cùng giải quyết. Theo tôi quan trọng nhất là sự đồng điệu về tầm nhìn chiến lược.
Khi hợp tác, startup và nhà đầu tư nên tập trung vào mối quan hệ dài hạn, một cộng một có thể không phải bằng hai, nếu một cộng một mà bằng ba, bằng bốn năm thì mới nên hợp tác. Phải hiểu được như thế thì mới dễ thống nhất được cách làm việc cả về thời gian và tiến độ".
Chính vì sự đổ vỡ bắt nguồn từ xung đột tầm nhìn chiến lược, nên cách giải quyết tốt nhất theo ông Trần Hữu Đức chính là cần phải định giá, tham vấn thật kỹ lưỡng: "Thực ra với các nhà đầu tư mạo hiểm (Venture Capitalist) mà được hỗ trợ bởi các doanh nghiệp lớn thì họ sẽ có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu startup. Startup cần tìm hiểu doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu xem các bạn là ai, các bạn có thể đem lại giá trị gì".
Ông Đức cho biết, nếu sau một thời gian mà ông không tìm được tiếng nói chung với các startup đã được lựa chọn, thì thông qua các chương trình ươm mầm khởi nghiệp, nếu các startup được nhà đầu tư khác lựa chọn thì ông cũng rất cởi mở với điều đó.