Nối lại các đường bay quốc tế và nội địa
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bước đầu được kiểm soát ở nhiều quốc gia trên thế giới, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất Chính phủ chấp thuận nối lại các đường bay quốc tế thường lệ ngay từ quý I/2022 dù hành khách có hay không có “hộ chiếu vắc-xin”. Đối với các đường bay nội địa, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở toàn bộ đường bay nội địa từ đầu năm tới.
Việc nối lại các đường bay quốc tế thường lệ sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không; đồng thời thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch cho các địa phương cũng như cả nước, bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 và tuân thủ các quy định về kiểm soát cách ly người nhập cảnh.
Bay quốc tế theo ba giai đoạn
Sáng 29/11, chuyến bay mang số hiệu VN98 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) hạ cánh tại sân bay San Francisco (Mỹ), trở thành chuyến bay lịch sử đánh dấu sự kiện đường bay thẳng thương mại thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ chính thức được khai mở. Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà chia sẻ: “Cách đây hơn một năm, Vietnam Airlines là hãng hàng không Việt Nam đầu tiên bay thẳng đến Mỹ (sân bay San Francisco), để đón công dân hồi hương. Chuyến bay VN98 này cũng là hành trình bay thẳng nhưng mang một ý nghĩa hoàn toàn mới, đánh dấu bước tiến lớn của hãng và cột mốc lịch sử của hàng không Việt Nam với việc đường bay thường lệ Việt Nam - Mỹ chính thức được thiết lập”.
Theo đó, chuyến bay VN98 đã chuyên chở gần 40 hành khách từ sân bay Tân Sơn Nhất lúc 20 giờ 40 phút ngày 28/11, hạ cánh tại sân bay San Francisco lúc 19 giờ 30 phút ngày 28/11 (giờ địa phương, tương đương 7 giờ 30 phút sáng 29/11 giờ Việt Nam). Tổng thời gian bay thẳng không điểm dừng từ TP Hồ Chí Minh đến San Francisco (hơn 13.000 km) là 13 tiếng 50 phút. Từ ngày 28/11, hãng khai thác thường lệ 2 chuyến/tuần, dự kiến tăng lên 7 chuyến/tuần sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ Việt Nam cho phép mở lại các đường bay quốc tế thường lệ.
Đầu tháng 11 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép mở lại các đường bay quốc tế thường lệ ngay từ quý I/2022 với cả hành khách có và không có “hộ chiếu vắc-xin”; kiến nghị Chính phủ quyết định thời điểm cụ thể triển khai các giai đoạn thực hiện nối lại bay quốc tế thường lệ chở khách trên cơ sở tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các chuyến bay hành khách tự trả chi phí cách ly (combo) trong tình hình mới, các chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế tại các địa phương (Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam) và kết quả thực hiện từng giai đoạn.
Theo Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn, lộ trình các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách tới Việt Nam sẽ theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 triển khai từ quý I/2022, tổ chức các chuyến bay không yêu cầu phê duyệt danh sách hành khách vào Việt Nam của các cơ quan có thẩm quyền (trừ các yêu cầu về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế). Thị trường khai thác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Anh,...
Đây là các quốc gia, vùng lãnh thổ có tỷ lệ người dân được tiêm đủ liều vắc-xin cao hơn Việt Nam, đã và đang thực hiện các chuyến bay “combo”, chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế và là các thị trường hàng không quan trọng đối với các hãng hàng không Việt Nam. Tần suất khai thác 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên, dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 12 nghìn người/tuần. Giai đoạn 2 (từ quý II/2022), triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách tới Việt Nam không yêu cầu cách ly tập trung đối với hành khách mang hộ chiếu vắc-xin.
Thị trường triển khai thực hiện theo nhu cầu của các hãng hàng không, tần suất 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi hãng hàng không. Hành khách mang “hộ chiếu vắc-xin” tự cách ly tại nơi cư trú từ 3 đến 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hành khách chưa có hộ chiếu vắc-xin cách ly tập trung 14 ngày. Giai đoạn 3 (triển khai từ quý III/2022), khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu tuỳ thuộc diễn biến dịch và tỷ lệ tiêm vắc-xin của Việt Nam và thế giới, thị trường và tần suất khai thác sẽ do các hãng hàng không tự quyết định.
Bay nội địa bình thường từ đầu năm 2022
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất Bộ Giao thông vận tải kế hoạch tiếp tục triển khai vận chuyển khách nội địa thường lệ bằng đường hàng không dịp cuối năm 2021 và giai đoạn tiếp theo. Theo đó, từ ngày 21/10 đến 18/11, các hãng hàng không đã khai thác 44 đường bay tới 22 sân bay nội địa với tổng cộng 2.207 chuyến bay khứ hồi, tổng lượng khách đạt hơn 446.800 người, hệ số sử dụng ghế trung bình 54,4%.
Đường bay Hà Nội-TP Hồ Chí Minh có hệ số sử dụng ghế cao nhất, liên tục đạt hơn 90%, tiếp theo là Hà Nội-Đà Nẵng-Phú Quốc, TP Hồ Chí Minh-Phú Quốc-Đà Nẵng/Nghệ An/Thanh Hóa với hệ số sử dụng ghế trung bình 65-75%. Các cảng vụ hàng không đã phối hợp hãng hàng không, sân bay giám sát quá trình hành khách đến và rời khỏi sân bay, bảo đảm toàn bộ hành khách khai báo y tế đầy đủ, phục vụ phòng, chống dịch và đáp ứng điều kiện có chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin hoặc chứng nhận khỏi bệnh COVID-19, hoặc có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.
Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường nhận định, trong quá trình triển khai bay nội địa thời gian qua vẫn gặp nhiều vướng mắc. Các quy định hiện tại áp dụng thời gian đến ngày 30/11/2021, khiến các hãng gặp khó khăn trong lập kế hoạch khai thác lịch bay mùa đông, nhất là kế hoạch bay dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Hầu hết các đường bay của từng hãng chỉ khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày (theo quy định tại Quyết định 1840/QĐ-BGTVT) gây khó khăn cho hành khách có nhu cầu chỉ đi lại giải quyết công việc trong ngày (sáng bay đi, chiều bay về), không muốn lưu trú qua đêm bên ngoài.
Tần suất đường bay trục bị bó hẹp nên các hãng tập trung vào dải giá cao, hạn chế cơ hội để hãng đưa ra các mức giá hợp lý, khiến hành khách bức xúc. Ngoài ra, việc tổ chức thống kê thông tin hành khách từ ứng dụng PC-Covid phải qua nhiều cơ quan trong khi có thể chuyển trực tiếp từ Bộ Thông tin và Truyền thông tới các địa phương, bảo đảm cập nhật liên tục thông tin người di chuyển của toàn bộ lĩnh vực vận tải, không chỉ riêng đối với hàng không,...
Trên cơ sở những vướng mắc nêu trên, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép tăng tần suất khai thác đường bay Hà Nội-TP Hồ Chí Minh/Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh-Đà Nẵng từ ngày 1 đến 14/12, mỗi đường bay lên 16 chuyến khứ hồi/ngày, phân bổ cho các hãng khai thác gồm Vietnam Airlines 5 chuyến, Vietjet Air 5 chuyến, Bamboo Airways 3 chuyến, Pacific Airlines 2 chuyến, Vietravel Airlines 1 chuyến. Từ ngày 15 đến 31/12, khai thác mỗi đường bay với tần suất 20 chuyến khứ hồi/ngày (dự kiến phân bổ cho Vietnam Airlines 6 chuyến, Vietjet Air 6 chuyến, Bamboo Airways 4 chuyến; Pacific Airlines 3 chuyến, Vietravel Airlines 1 chuyến). Các đường bay khác trong thời gian trên, mỗi đường bay được khai thác không quá 9 chuyến khứ hồi/ngày.
Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị từ năm 2022, toàn bộ đường bay nội địa trở lại khai thác bình thường. Đồng thời, bãi bỏ quy định “hãng hàng không không cung cấp dịch vụ trên chuyến bay” do quy định này gây nhiều bất tiện cho hành khách, nhất là nhóm khách có trẻ em đi cùng, những người bận rộn chưa kịp tổ chức ăn trước chuyến bay (có thói quen ăn trên chuyến bay trước đó) trong khi phần lớn các quầy dịch vụ ăn uống tại sân bay đang tạm dừng hoạt động.