Nỗi lo nông sản tồn đọng
Đã quá ngày thu hoạch nhưng do tiếp tục gặp khó khăn về vận chuyển và tiêu thụ nên nhiều mặt hàng nông sản của người dân trong tỉnh còn tồn đọng với số lượng lớn, từ đó tạo áp lực cho ngành chức năng và nhà vườn.
Nhiều trái cây cần được giải cứu
Gia đình anh Nguyễn Văn Duôl, ở ấp Phước Hòa A, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang có khoảng 5 tấn nhãn đã đến ngày thu hoạch, trong đó có một số đã quá ngày. Anh Duôl cho biết nếu thu hoạch càng trễ thì thất thoát càng nhiều và khả năng dẫn đến thu lỗ.
Trước sự khó khăn của nhà vườn trồng trái cây trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang thời gian qua, ngành chức năng từ xã đến huyện Châu Thành đã nỗ lực kêu gọi và liên kết tiêu thụ nông sản của bà con, nhất là những mặt hàng đã đến ngày thu hoạch. Điều đáng mừng là mới đây đã có đơn vị liên hệ với gia đình anh Duôl để thu mua toàn bộ 5 tấn nhãn, với giá là 10.000 đồng/kg. Sau khi hai bên thống nhất các nội dung liên quan sẽ tiến hành thu hoạch nhãn vào những ngày tới.
Ông Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang thông tin: Qua rà soát đến ngày 18/8 của ngành chức năng huyện thì địa phương còn tồn đọng khoảng 65 tấn trái cây các loại. Trong đó tồn đọng nhiều là nhãn với 15 tấn, các mặt hàng khác là chôm chôm, đu đủ, chanh… mỗi thứ còn khoảng 13 tấn. Hiện tại, địa phương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để giúp người dân sớm tiêu thụ nông sản tồn đọng, trong đó huyện mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các ngành có liên quan của tỉnh và địa phương trong tỉnh như đã thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua.
Giống như huyện Châu Thành, ông Võ Quốc Sử - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cho hay: Hiện trên địa bàn huyện có một số loại nông sản tới thời điểm thu hoạch nhưng không có thương lái thu mua hoặc thu mua cầm chừng với số lượng ít, từ đó gây ra tình trạng tồn đọng trong dân với số lượng không nhỏ cần được giải cứu sớm.
Cụ thể, đến ngày 18/8, trên địa bàn huyện còn tồn đọng khoảng 170 tấn trái cây các loại, trong đó nhiều nhất là cam với số lượng khoảng 70 tấn. Đặc biệt, hai mặt hàng đang gặp khó về đầu ra và cần giải cứu sớm trong lúc này của địa phương là trái cóc và cà na với tổng sản lượng khoảng 10 tấn.
Nhiều khó khăn trong lưu thông
Theo phản ánh từ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa nông sản và người dân trong tỉnh thì hiện nay do nhiều địa phương đang thiết lập “vùng xanh” nhằm phòng, chống dịch COVID-19 nên các chốt kiểm soát người và phương tiện ra, vào ở mỗi địa phương được siết chặt hơn so với trước đây; vì vậy, phần nào làm ảnh hưởng đến công tác vận chuyển nông sản cho người dân.
Ông Vu Sủi - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thạnh Thắng (chuyên trồng và thu mua khóm), ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, thông tin: “Lúc này, khi vận chuyển nông sản ra hay vào chốt kiểm soát dịch bệnh thì hàng hóa phải được tập kết đến điểm chỉ định, từ đó dẫn đến tăng chi phí nhân công và phương tiện vận chuyển nên tạo áp lực không nhỏ cho HTX”.
Bên cạnh mặt hàng nông sản thì công tác vận chuyển thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản cũng gặp nhiều trở ngại. Qua ghi nhận thực tế của ngành chức năng tại huyện Châu Thành trong những ngày gần đây cho thấy, do một số xã của huyện đang thực hiện “vùng xanh” nên các chốt không cho xe chở thức ăn chăn nuôi vào tới hộ dân, trong khi lượng thức ăn cần vận chuyển phục vụ nhu cầu chăn nuôi là quá lớn, vì có hộ nuôi cá thát lát gần 100 tấn dưới ao nên cần một lúc nguồn thức ăn không nhỏ. Đồng thời nhân công vận chuyển từ chốt kiểm soát dịch bệnh về hộ dân không đủ nguồn lực. Vì vậy, vấn đề vận chuyển thức ăn chăn nuôi đang là nan giải của nhiều hộ dân huyện Châu Thành trong lúc này.
Cùng với vận chuyển thức ăn thì công tác vận chuyển tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cũng gặp tình cảnh tương tự. Bởi đa phần nông dân trong tỉnh chăn nuôi nhỏ lẻ ở các vùng sâu, phương tiện xe tải khó tiếp cận, nhất là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay nên hầu hết các thương lái nhỏ sẽ không có bất cứ hợp đồng nào với đầu mối hoặc điểm tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong lúc này. Vì vậy, chỉ đối với heo hơi và gia cầm được nuôi tại các trang trại gia công thì được công ty thu gom lại và có nguồn phân phối ổn định, còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì thương lái không thể vào thu mua trong lúc này.
Trước những khó khăn trên, ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, cho hay: Để tiếp tục hỗ trợ người dân trong tiêu thụ nông sản được nhanh chóng, giảm thiệt hại thì tới đây đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và địa phương trong tỉnh kêu gọi doanh nghiệp, HTX, cá nhân thu mua giải cứu sản phẩm nông, thủy sản cho người dân, nhất là những mặt hàng đã đến ngày thu hoạch.
Ngoài ra, đơn vị cũng triển khai tốt các biện pháp trong liên kết những kênh tiêu thụ nông sản hiện có như: đưa vào siêu thị, đưa lên sàn thương mại điện tử, dịch vụ đi chợ hộ hay đăng tải thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng, trang tin của tổ công tác 970, nhóm zalo HTX Hậu Giang...
Cùng với Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, ông Đồng Văn Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang chuẩn bị tốt các phương án liên kết để hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản cho người dân được kịp thời, không để “ùn ứ” khi thu hoạch.
Bên cạnh đó, đề nghị Sở Giao thông Vận tải tỉnh kịp thời hướng dẫn hoạt động vận tải vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa được thuận lợi, nhanh chóng, tránh ùn tắc, vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động vận tải để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Qua rà soát của ngành nông nghiệp tỉnh, đến ngày 18/8, nông sản không có thương lái thu mua còn tồn đọng trong dân là 388 tấn trái cây các loại, 61 tấn heo và gà, 960 tấn thủy sản, 12 tấn rau màu các loại; riêng nông sản do người dân đợi giá chưa muốn bán còn tồn đọng 1.818 tấn thủy sản và 17,5 tấn trái cây các loại.