Nới “room” tín dụng cuối năm, gỡ khó cho doanh nghiệp
Việc nới room tín dụng sẽ tạo thêm dư địa cho ngân hàng cấp vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau tác động nặng nề từ đại dịch.
Thông tin từ Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI đánh giá, tăng trưởng tín dụng trong tháng 8 không quá tích cực. Riêng trên địa bàn Hà Nội tín dụng đến cuối tháng 8 tăng 8,3% so với đầu năm và tăng 1% so với tháng trước. Con số này thấp hơn mức tăng 1,2% trong riêng tháng 7. Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, tín dụng tới đầu tháng 8 tăng 5,8% so với đầu năm và tăng 0,2% so với tháng trước. Trong 2 tháng từ khi giãn cách theo Chỉ thị số 15 và Chỉ thị số 16 của Chính phủ, dư nợ tăng 1,1%, trong khi 5 tháng đầu năm lũy kế gần 5%, bình quân mỗi tháng tăng 1%.
Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng cho năm 2021. Với kịch bản 1, việc tiêm chủng vắc xin đại trà và dịch COVID-19 được khống chế, tín dụng sẽ tăng 12-13%, có thể đạt 14%. Kịch bản 2, dịch kéo dài đến tháng 6, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vắc xin kéo dài, tín dụng có thể tăng từ 10-12%. Kịch bản 3, dịch kéo dài đến hết năm, tăng trưởng khoảng 7 - 8%.
Chia sẻ về vấn đề này đại diện vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, tăng trưởng tín dụng tháng 8 có chậm lại và dự kiến tháng 9 sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, do tác động của dịch bệnh và thực hiện hiện giãn cách xã hội. NHNN dự kiến kịch bản tín dụng sẽ hồi phục mạnh từ tháng 10 và hai tháng cuối năm.
Còn theo công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), hiện tại, hạn mức tín dụng được cấp thấp hơn kỳ vọng của hầu hết các ngân hàng, mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành vào khoảng 10,5%, thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng 12-13% cho cả năm. Trong khi đó, nhiều ngân hàng thương mại đang tập trung cho vay ngắn hạn, để lấp đầy hạn mức tín dụng đã được cấp trước đợt điều chỉnh hạn mức sắp tới.
Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng nhận định, giai đoạn cuối năm, các ngân hàng sẽ mong muốn nới hạn mức tín dụng và có xu hướng dự trù cho vay nhiều, do nhu cầu vay vốn có khả năng sẽ lớn, trong khi hạn mức tín dụng đã sử dụng gần hết. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp, nền kinh tế suy yếu nghiêm trọng, sức khoẻ doanh nghiệp không đảm bảo khiến ngân hàng lo ngại. Mặc dù vậy, vẫn có những doanh nghiệp có tài sản đảm bảo để đáp ứng khả năng vay vốn ngân hàng.
“Xét một cách tổng thể, càng khó khăn, dịch bệnh, nhu cầu tiếp cận vốn của doanh nghiệp càng cao, cho nên ngành ngân hàng luôn được hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vượt khó bằng nhiều giải pháp khác nhau và NHNN cũng nên phân bổ thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.
Dự báo về tăng trưởng tín dụng cả năm, vị chuyên gia cũng lạc quan tin tưởng rằng, mức tăng trưởng vẫn sẽ đạt 12% như kỳ vọng của NHNN, với các yếu tố như:
Thứ nhất, nhu cầu vốn của doanh nghiệp còn lớn và còn cần vốn trong thời điểm này. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp vẫn có khả năng vay, nhất là doanh nghiệp lớn, có uy tín lớn với ngân hàng.
Thứ hai, ngân hàng cần những miếng đệm cho rủi ro trong tương lai khi nợ xấu tại ngân hàng tăng cao. Chính vì vậy, lợi nhuận sẽ bổ sung cho vốn tự có của ngân hàng, giúp ngân hàng có nguồn dự phòng để đối phó với diễn biến xấu xảy ra.
Vừa qua, NHNN đã dùng hạn mức tín dụng như một điều kiện để các ngân hàng thương mại thực hiện theo định hướng chung của ngành. Theo đó, với kết quả giám sát việc triển khai giảm lãi, phí, NHNN sẽ xem xét và có chính sách khuyến khích hoặc hạn chế một số nội dung trong hoạt động tín dụng của ngân hàng trong năm 2022. Với quy mô tín dụng toàn nền kinh tế hiện trên 10 triệu tỷ đồng, nếu các ngân hàng chỉ cần giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay, doanh nghiệp sẽ có thêm hàng chục ngàn tỷ đồng để vượt qua khó khăn do đại dịch…
Chính vì vậy, các chuyên gia đều cho rằng, trong giai đoạn này, việc NHNN nới room tín dụng cho một số ngân hàng thương mại là hoàn toàn hợp lý. Việc nới room tín dụng sẽ tạo thêm dư địa cho ngân hàng cấp vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau những tác động nặng nề từ đại dịch.