Nóng bỏng cuộc đua bán hàng online
Việc đánh đổi lợi nhuận để lấy thị phần đang khiến cho cuộc đua của các "ông lớn" trong mảng bán hàng online tại thị trường Việt Nam ngày càng trở nên khốc liệt hơn, nhất là động thái liên tục rót vốn từ khối ngoại. Nhưng cùng với đó là nỗi lo xoay chuyển của khối nội trước sức ép cạnh tranh này.
Có thể kể ra trường hợp điển hình như chợ mua sắm trực tuyến Tiki.vn ban đầu do một doanh nhân Việt là Trần Ngọc Thái Sơn sáng lập cách đây 8 năm, nhưng đến tháng 4/2018 vừa qua thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Tiki đã tăng lên hơn 40,6% so với mức 13,08% trước đó.
Cuộc đua của các "ông lớn"
Hồi đầu năm 2018, JD.com, nhà bán lẻ hàng đầu Trung Quốc (một đối thủ của Alibaba) đã thống nhất rót tiền vào Tiki với mục đích tăng sự hiện diện của họ tại Đông Nam Á. Còn công ty game online của Việt Nam là VNG (Vinagame) từ năm ngoái đã rót hơn 380 tỷ đồng mua 38% cổ phần của thương hiệu này.
Điều đáng nói ở đây, sau thời gian mở rộng thị phần bán hàng online với việc rót vốn của những nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, Tiki lại lỗ 40,7 tỷ đồng vào năm 2016, đến năm 2017, mức lỗ tăng gấp 7 lần lên 282 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng câu chuyện lỗ lãi, thu không đủ bù chi của "ông lớn" trong lĩnh vực bán hàng online này là bình thường với các doanh nghiệp (DN) bán hàng online trong bối cảnh thương mại điện tử ở Việt Nam đang là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao (được dự báo sẽ đạt doanh thu 7,5 tỷ USD vào năm 2025) nhưng cũng cạnh tranh khắc nghiệt.
Việc đánh đổi lợi nhuận để mở rộng thị phần dường như đang buộc các DN thương mại điện tử bước vào cuộc đua khốc liệt với hàng loạt website tên tuổi lớn ở Việt Nam đang đua tranh dữ dội: Tiki, Lazada, Shopee, Sendo, Adayroi… Từ tháng 3/2018, việc Amazon cung cấp dịch vụ bán hàng online tại Việt Nam cũng được cho là tín hiệu tốt cho thị trường thương mại điện tử.
Có thể kể thêm trường hợp chợ trực tuyến Sendo.vn của công ty cổ phần công nghệ Sen Đỏ. Thương hiệu này do FPT Online phát triển và cách đây 4 năm, họ đã mua lại trang 123Mua.vn từ VNG để mở rộng thị phần bán hàng online. Cũng từ 4 năm trước, có 3 tập đoàn dịch vụ công nghệ hàng đầu Nhật Bản đã rót vốn, nắm giữ 33% cổ phần tại Sen Đỏ.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc đối ngoại công ty cổ phần công nghệ Sen Đỏ, cho biết số lượng người mua hàng online đang rất cao từ thành thị cho đến vùng nông thôn, khi người tiêu dùng trẻ đang chiếm tỷ lệ lớn trong quy mô dân số. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử ở Việt Nam cũng được cho là khá cao, đang vào khoảng 25 – 30%.
Mua bán online là miếng đất màu mỡ và giàu tiềm năng để các nhà bán lẻ khai thác. Về việc vận hành chung các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam, hiện nay, theo bà Hạnh, đó là kết nối giữa người mua và người bán. Như tại Sendo.vn, sẽ kết nối với các hệ sinh thái bán lẻ nên chỉ cần ngồi ở nhà là có thể đăng tải thông tin lên mạng.
Nỗi lo xoay chuyển
Theo ông Liêu Hưng Tiến, Giám đốc kinh doanh công ty Haravan, Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) đã mua Lazada hơn một năm trước và họ đang có kế hoạch mở rộng thị trường vào Đông Nam Á. Hiện tại, kho ngoại quan của tập đoàn này đã xây dựng ở biên giới Lạng Sơn hơn 2 năm và sẽ chính thức đưa vào hoạt động trong 1 – 2 năm nữa.
Tất nhiên, điều mà ông Tiên lo lắng đó là Lazada đã công bố bắt đầu mua được hàng hóa từ 6 nước trong khu vực Đông Nam Á và… Trung Quốc. Như vậy, điều gì đến cũng đã đến, hàng hóa trên hệ sinh thái B2C, C2C của Alibaba như Taobao, 1688… rồi sẽ được kết nối lên trang Lazada phân phối đến người tiêu dùng Việt Nam tại mọi miền và ngóc ngách của đất nước.
Nhiều ý kiến hiện nay cho rằng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh và đang định hình để thay thế việc mua sắm tại cửa hàng trong tương lai gần.
Những nỗ lực giúp cho việc mua sắm trực tuyến trở nên dễ dàng hơn và giải quyết những lo ngại của khách hàng trong thời gian qua, như cải thiện độ an toàn của giao dịch, chính sách đổi/trả hàng, đưa ra mức phí gửi hàng thấp hay miễn phí… là những lý do góp phần thúc đẩy sự bùng nổ tiếp tục việc mua sắm trực tuyến tại thị trường Việt Nam.
Phải thấy rằng ít có thiết bị quảng cáo truyền thống nào như tivi, radio hay báo giấy lại có sức ảnh hưởng lớn như kênh thông tin bán hàng online hiện nay. Theo giới chuyên gia, Internet đã góp phần rất lớn trong việc xóa bỏ các ranh giới trong hoạt động tiếp thị, khi mà các thiết bị như tivi, đồng hồ thông minh, máy tính bỏ túi… được nối mạng, là tiền đề tạo nên bước nhảy vọt của online marketing (hay internet marketing) nói riêng, và digital marketing nói chung trong hoạt động kinh doanh.
Kết quả khảo sát của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018 cho thấy có tới 23% người tiêu dùng lựa chọn các kênh online để tham khảo thông tin trước khi quyết định mua sản phẩm, tăng 5% so với kết quả khảo sát hồi năm ngoái ở tất cả các kênh thông tin online. Trong đó, website công ty có tỷ lệ tham khảo tăng gấp đôi, là kênh thông tin mà các DN Việt nên chủ động tạo ra nội dung thông tin để tiếp cận, thu hút và chinh phục người tiêu dùng.
Thiết nghĩ, đây là những vấn đề mà DN Việt cần quan tâm cho chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh trong thời điểm bùng nổ bán hàng online hiện nay. Tuy nhiên, trước sức tấn công của khối ngoại thông qua việc rót vốn vào các "ông lớn" chợ trực tuyến ở Việt Nam như là một lẽ tất yếu, khối nội buộc phải có sự xoay chuyển phù hợp.
Ông Tiến lưu ý: Sự chuẩn bị của các DN Việt trước xu hướng này như thế nào, có cản được hay không và nếu có cản thì cũng có thể sẽ bị nghiền nát!