“Xóa mù” thị trường cho doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp (DN) nội kêu ca hàng ra thị trường tiêu thụ chậm, tồn kho vì không cạnh tranh nổi với hàng ngoại giá rẻ. Nhưng vấn đề quan trọng hơn và cũng là nhược điểm của DN Việt là không chịu tìm hiểu, học hỏi thấu đáo thị trường đang cần gì ở mình và xu hướng mới như thế nào. Việc “xóa mù” thị trường cho DN nội là điều cần làm hiện nay.
Sắp tới, Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ tổ chức một đoàn DN tham gia Hội chợ quốc tế Thaifex 2018 (29/5 – 2/6/2018) tại Bangkok (Thái Lan) do Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan ủy quyền.
Với nhiều kinh nghiệm khi tham dự các hội chợ quốc tế, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết DN hoàn toàn có thể học được vô số kiến thức từ thị trường tại những hội chợ như ở Thái Lan nếu như có những cố vấn giỏi đi theo quan sát và huấn luyện cho họ ngay tại thị trường này.
Doanh nghiệp, nông dân cùng học
Tại buổi họp báo ở TP. Hồ Chí Minh ngày 27/3 giới thiệu Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao TP. Hồ Chí Minh 2018 (diễn ra từ ngày 3 – 8/4), bà Hạnh cho biết hiện giờ đã có khoảng 10 DN đăng ký đi chung đoàn dù họ chưa có đủ sản phẩm để tham gia vào thị trường xuất khẩu.
Điều khiến vị nữ Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao hào hứng là Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn các hội quán nông dân ở Đồng Tháp cùng tham gia chuyến đi này. Theo đó, ít nhất mỗi hội quán sẽ cử một nông dân đi cùng đoàn.
Đồng Tháp hiện có 30 hội quán nông dân thì ít nhất sẽ có 30 nông dân tham gia vào đoàn Việt Nam đến Thaifex để “xóa mù” thị trường.
“Chúng ta sẽ học được rất nhiều. Miễn là đừng có đi ngó ngó, coi hàng mắc hay rẻ, có mua được hay không, mà đòi hỏi cần nghiên cứu sâu về tình hình người ta phát triển sản phẩm như thế nào, người ta hoạt động xúc tiến cho đối tác như thế nào… Với sự tham gia vừa có DN vừa có nông dân, sẽ cần có những chuyên gia thị trường đi theo đoàn để tạo nên một khóa học thực tế cực kỳ bổ ích”, bà Hạnh bộc bạch.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cũng nói một cách thật tình là nếu bây giờ cứ “hăm” với nông dân là thị trường thế giới đã tiến xa lắm rồi thì nhiều khi họ không tin. Vì vậy, phải để cho nông dân đi ra thị trường thế giới để họ biết.
Tuần qua, một nhóm chuyên gia trẻ người Việt từ châu Âu trở về TP. Hồ Chí Minh sau khi nghiên cứu về ngành bán lẻ và logistics, có nói đến một hình thức kinh doanh mới mà có thể làm cho các DN Việt bối rối. Đó là kết nối giữa bán hàng online với offline theo những công thức khá mới.
Nên nhớ, trên thị trường thế giới, những hình thức mới luôn được DN nước ngoài áp dụng để sản xuất sản phẩm trong thực tế. Vì thế, để “mở mang” tầm nhìn thị trường cho DN Việt không gì khác hơn là phải đưa DN đi ra thẳng thị trường nước ngoài và kết nối để có thể nhận được hợp đồng.
Phải hiểu người tiêu dùng
Theo giới chuyên gia, nhược điểm của nhiều DN nội hiện nay khi tìm hiểu thị trường là không xác định rõ ràng những thông tin quan trọng nào mình cần tìm kiếm, nhất là thông tin về khách hàng có những nhu cầu nào, họ sẽ bỏ ra bao nhiêu tiền để mua sản phẩm…
Ngoài ra, nhiều DN cũng không chịu tìm hiểu xem mức giá mà khách hàng mục tiêu sẵn sàng chấp nhận để mua sản phẩm của mình, cũng như mức giá mà họ có thể chấp nhận để mua sản phẩm tương tự của các đối thủ cạnh tranh khác.
Mặt khác, một cuộc khảo sát từ Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao mới đây cho thấy để tìm hiểu về việc mua sản phẩm cần tham khảo nhiều nhất từ người bán hàng.
Theo đó, nếu như hai năm trước, người thân, bạn bè là kênh thông tin được người tiêu dùng tham khảo nhiều nhất, đến nay, kênh thông tin tham khảo từ người bán hàng lại vượt lên vị trí số 1 (22,4%).
Có thể nói, người bán hàng chính là những cầu nối truyền tải hình ảnh thương hiệu của DN đến người tiêu dùng. Vì vậy, quảng bá sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua người bán, và thông qua cách trưng bày tại điểm bán (kích hoạt tại điểm bán) ngày càng trở nên quan trọng đối với chiến lược phát triển của mỗi DN.
Các DN cũng nên tham khảo kết quả khảo sát về top 5 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của người tiêu dùng Việt do công ty nghiên cứu thị trường Nielsen thực hiện. Trong đó, hai yếu tố chọn mua sản phẩm có lợi cho sức khỏe hay chọn mua sản phẩm hữu cơ/tự nhiên được ưu tiên lựa chọn cao nhất (77%).
Giới chuyên gia cho rằng xuất xứ sản phẩm người tiêu dùng yêu thích hay mua dùng cũng cho thấy xu hướng người tiêu dùng rất e dè trong lựa chọn sản phẩm có xuất xứ từ những quốc gia có nhiều scandal tai tiếng về an toàn vệ sinh thực phẩm (tỷ lệ chọn mua hàng Trung Quốc chỉ chiếm 0,6%, trong khi người tiêu dùng chọn mua sản phẩm có xuất xứ từ Thái, Nhật… chiếm tỷ lệ tới 10%).
Thực tế thị trường cho thấy khi thu nhập tăng lên, người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu cao hơn cho các sản phẩm nói chung, nhưng cũng đồng thời quan tâm hơn những giá trị mà nó mang lại và đặc biệt quan tâm các sản phẩm thực phẩm, đồ uống… có lợi cho sức khoẻ. Đây là điều mà các DN nội cần ghi nhớ để có thể chinh phục thị trường “sân nhà”.