Nông dân trồng mía lo lắng khi nhà máy đường chưa vào vụ ép

Theo Yến Linh/Báo Hậu Giang

Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Hậu Giang vừa thành lập Tổ giám sát, kiểm tra chữ đường mía để tiến hành lấy mẫu mía cây tại vùng trồng mía trên địa bàn huyện Phụng Hiệp. Đợt lấy mẫu này nhằm kiểm chữ đường (CCS) có trong cây mía, từ đó làm cơ sở để nhà máy đường tiến hành thu mua và hoạt động.

Đợt này, Tổ giám sát tiến hành lấy 27 mẫu mía của người dân tại xã Hiệp Hưng, xã Tân Phước Hưng và thị trấn Búng Tàu. Trong đó, có 9 mẫu được lấy vào ngày 27-10, đang chờ kết quả kiểm nghiệm. Những mẫu mía lấy vào ngày 1/11 cũng được Tổ giám sát gửi về Phòng kiểm nghiệm chuyên sâu của Trường Đại học Cần Thơ để đo CCS. Trong 27 mẫu mía có 2 loại giống là ROC 16 và KK3, thời gian sinh trưởng của các rẫy mía được lấy mẫu từ 10 tháng tuổi trở lên.

Theo đánh giá sơ bộ của ông Huỳnh Phước Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Tổ trưởng Tổ giám sát, các rẫy mía xuống giống từ tháng 11/2021 đã có đủ thời gian sinh trưởng, chữ đường thường ở mức từ 8-10 CCS. Tuy nhiên, tùy vào giống mía, điều kiện sinh trưởng mà có sự khác nhau về chữ đường giữa các rẫy mía mặc dù xuống giống cùng thời điểm.

Những ngày vừa qua, mưa lớn cùng với triều cường dâng đã gây nên tình trạng ngập úng ở một số nơi trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, nhiều diện tích đất trồng mía, vườn cây ăn trái ngập trong nước. Một số người dân trồng mía tranh thủ thu hoạch, bán theo hình thức mía chục để tránh tình trạng ngập úng làm giảm chất lượng mía. Hiện nay, huyện Phụng Hiệp còn khoảng 1.500ha mía chưa thu hoạch để cung cấp cho nhà máy đường.

Ông Trần Văn Việt, ở ấp Hòa Hưng, thị trấn Búng Tàu, cho biết: “Nước ngập đến đâu là tôi nóng lòng đến đó. Mình chạy lũ được chứ cây mía thì sao mà chạy. Nước chưa rút còn nhà máy đường cũng chưa hoạt động, sợ tới lúc nhà máy thu mua thì cây mía không đảm bảo chất lượng, năng suất giảm, giá thành thấp, khi đó nông dân đối mặt với thua lỗ”.