Nông nghiệp cần các “đầu tàu” bứt phá
Sau đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), có nhiều ý kiến lo ngại nền nông nghiệp nước ta nguy cơ bị các đối thủ sừng sỏ trên thế giới lấn át, giành thị phần. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về nông nghiệp, TPP là cơ hội lớn, cú hích để nông nghiệp “lột xác”. Để làm được điều đó, cần các “đầu tàu” khỏe để kéo cả ngành tự tin bứt phá khi hội nhập.
4 cơ hội, 1 thách thức
Những nghiên cứu gần đây về tác động của TPP tới Việt Nam cho thấy, khi TPP được thực thi, sẽ có 4 cơ hội và 1 thách thức đối với ngành nông nghiệp. Thông tin tại cuộc họp báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới đây, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng chỉ ra 4 cơ hội: Thứ nhất, giúp nông sản Việt Nam giảm phụ thuộc vào một số thị trường, giúp điều chỉnh linh hoạt cơ cấu xuất nhập khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp. Thứ hai, hàng nông sản giảm thuế mạnh, thậm chí còn 0%, mang lại cơ hội cho một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực vào các thị trường lớn. Thứ ba, tăng cơ hội thu hút đầu tư lớn vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, tạo khả năng cho Việt Nam tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Thứ tư, thúc đẩy tái cấu trúc nền nông nghiệp, góp phần đưa công nghệ mới, quản lý mới vào nông nghiệp.
Bên cạnh đó, một thách thức lớn được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) nghiên cứu chỉ ra là trường hợp ngành chăn nuôi. Ngành này lớn thứ hai trong nông nghiệp của Việt Nam, chỉ đứng sau trồng trọt. Tuy nhiên, nông nghiệp là ngành bị coi là kém cạnh tranh, không bền vững và nguy cơ chịu thiệt hại nhiều nhất từ TPP.
Đồng quan điểm Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn phân tích: về thương mại nông sản, tác động tiềm năng của hội nhập TPP phụ thuộc rất lớn vào việc chúng ta chuẩn bị các giải pháp ứng phó và tận dụng TPP như thế nào. Vì rằng, tham gia Hiệp định TPP, các nước đều đánh giá Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt nhất về nông nghiệp. Thực tế, nước ta có nhiều thế mạnh hơn là hạn chế, nhiều sản phẩm thường xuyên đứng top 5, top 10 trên thế giới như gạo, cà phê, tiêu, điều, cao su, thủy sản, đồ gỗ, nội thất; chỉ nhóm ngành hàng chăn nuôi là yếu thế. Cơ hội lớn nhất là việc mở cửa thị trường các nước giúp tăng mạnh xuất khẩu nông sản, mặc dù cơ hội do giảm thuế nhập khẩu không cao do hầu hết các nông sản của Việt Nam xuất sang các thị trường thực tế đã đang được hưởng mức thuế suất bằng 0%.
Về nhập khẩu, theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, các ngành bị thách thức nhiều nhất từ TPP là chăn nuôi do các sản phẩm này phải cạnh tranh với các sản phẩm từ các nước ở TPP khác trên thị trường nội địa từ Mỹ và Canada (lợn, gà), Australia và New Zealand (bò thịt, sản phẩm sữa). Trong khi đó, người chăn nuôi cũng có thể không được hưởng lợi nhiều khi các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu được hưởng hiện đã chịu thuế nhập khẩu khá thấp, khoảng 5%.
Có lẽ, cơ hội mà TPP mang lại là đầu tư xuyên quốc gia đi kèm với khoa học công nghệ và nâng cao trình độ kỹ năng lao động. Khi tham gia TPP, một số nước không có lợi thế về nông nghiệp, khi giảm hàng rào bảo hộ nông nghiệp thì có thể họ sẽ chuyển nguồn đầu tư sang Việt Nam. Khi có đầu tư nước ngoài, bên cạnh tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, điều quan trọng nhất là nền nông nghiệp Việt Nam sẽ hấp thụ được khoa học kỹ thuật mới, thay đổi được cách làm truyền thống hiệu quả. Ví dụ các nhà đầu tư Nhật Bản có đầu tư sản xuất lúa gạo, rau, trái cây, thủy sản với chất lượng cao, tạo thương hiệu tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất về Nhật Bản hoặc các nước khác. Đó là điều kiện rất tốt để chúng ta hòa nhập với chuỗi giá trị toàn cầu, dần dần tăng lượng nông sản xuất khẩu. Nếu có những hướng khuyến khích đầu tư đúng đắn, nông nghiệp Việt Nam có thể có những đột phá mạnh mẽ nếu tận dụng được “dân số đang ở độ tuổi vàng”. Cần có những nghiên cứu sâu để đưa ra những đánh giá định lượng sâu về tác động của đầu tư này.
Cần tạo các “đầu tàu” khỏeđể cạnh tranh
Để đón đầu và có thể hưởng lợi từ những cơ hội, vượt qua thách thức mà TPP mang đến, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng: Công việc phía trước là Việt Nam cần tận dụng tốt nhất cơ hội, phải xử lý được nguy cơ khi tham gia hội nhập TPP. Rõ ràng hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các ngành, các cấp đã rất tích cực triển khai đẩy nhanh, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, nhưng thời gian tới phải quyết liệt hơn theo hướng thị trường và cạnh tranh quốc tế, hướng theo chất lượng, giá trị gia tăng cao, hướng đến chuẩn bền vững.
Để làm được điều đó, theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, cần phải tổ chức lại sản xuất, liên kết các bên để tăng hàm lượng khoa học công nghệ, tăng hàm lượng chế biến, tăng hàm lượng quản lý chất lượng sản phẩm để quản lý thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh, tạo được uy tín cho nông sản Việt trên thị trường thế giới. Đồng thời, thu hút mạnh đầu tư từ doanh nghiệp (cả trong nước và nước ngoài), xã hội hóa đầu tư vào dịch vụ công, đặc biệt là khoa học công nghệ nông nghiệp. Tất cả nhằm tạo ra những “đầu tàu” khỏe để cạnh tranh.
Muốn được như vậy, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn khuyến nghị: Nhà nước cần tạo môi trường thông thoáng, ổn định, minh bạch cho các nhà đầu tư vào nông nghiệp. Có diễn đàn đối thoại thường xuyên nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư. Nhà nước tập trung vào làm một số khâu để hỗ trợ doanh nghiệp, vì doanh nghiệp cũng không thể xử lý được hết. Không những thế, “cần xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác với quy mô lớn. Cũng rất cần “đẩy mạnh các doanh nghiệp khởi nghiệp mới trên cơ sở những vườn ươm doanh nghiệp, các quỹ doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông thôn” - TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh.
Hiện nay, vốn nước ngoài vào nông nghiệp mới chỉ chiếm 0,5% tổng vốn FDI, trong khi tiềm năng rất lớn. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt các loại thuế phí không cần thiết; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có mặt bằng để đầu tư, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa nông, lâm trường quốc doanh để có đất cho các nhà đầu tư. Nhiều chính sách ra đời để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp, giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận được tín dụng. Trong thời gian tới, những vấn đề còn bất cập thì Chính phủ đã yêu cầu các bộ xem xét, sửa đổi để nhanh chóng áp dụng.